| Hotline: 0983.970.780

Phải quy định rõ trách nhiệm trong phòng chống thiên tai

Thứ Tư 15/08/2012 , 10:07 (GMT+7)

Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được UBTV Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng qua (14/8).

Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và bất thường

Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được UBTV Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng qua (14/8). Dự án Luật do Bộ NN-PTNT chủ trì chuẩn bị; UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra.

Nâng tầm pháp luật về phòng chống thiên tai

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, mặc dù ban đầu được đặt tên là Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, song qua cân nhắc, Chính phủ đã đề nghị đổi tên là “Luật Phòng, chống thiên tai”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá, Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 5 ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra. Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai.

Theo số liệu thống kê trong hơn 30 năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước đã gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. “Thực tế này đòi hỏi phải có khung pháp luật phù hợp làm cơ sở cho việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Báo cáo thẩm tra dự luật của ông Phạm Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng khẳng định: “Với phạm vi điều chỉnh như được xác định trong dự luật thì Luật Phòng, chống thiên tai là hợp lý hơn cả”. 

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp. Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp và cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện pháp luật về phòng chống thiên tai với trách nhiệm của Cơ quan chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai ở địa phương để kịp thời chỉ đạo, chỉ huy công tác phòng chống thiên tai. Cần quy định rõ thẩm quyền của UBND các cấp, đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn nơi trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trong việc huy động nguồn lực phòng chống thiên tai và trong ứng phó tình trạng khẩn cấp, di dời nhân dân ra khỏi vùng thiên tai; quy định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục cưỡng chế, di dời, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện trong tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa đồng tình về dự luật. Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói thẳng: Tôi chưa hài lòng lắm với bản dự thảo này. Đây là một kiểu “luật kể việc”. Liệt kê ra rồi, nhưng không thể hiện phải xử lý vấn đề đó như thế nào, không xử lý thì ai chịu trách nhiệm? Thảm họa lớn thì ứng phó thế nào… Ông Hiển cũng không đồng tình với việc luật này lại “đẻ” thêm ra một loại quỹ nữa, làm cho nguồn lực quốc gia bị phân tán, trong khi nhân dân vẫn phải đóng góp nhiều.

Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Thảo luận về các điều khoản của dự luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa, cho rằng, ở một số nước khác chỉ chậm ứng phó với thiên tai thì tỉnh trưởng đã có thể bị cách chức, còn tại Việt Nam dự báo sai, chỉ đạo sơ tán dân chậm trễ gây thiệt hại không nhỏ cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm.

Với phân tích trên, ông Khoa đề nghị phải xác định rõ cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức với việc phòng chống thiên tai. Ví dụ điển hình được ông Khoa đưa ra là do dự báo sai về cơn bão Chanchu đã đưa đồng bào vào chính vùng bão, gây tổn thất lớn, nhưng sau đó chả có ai chịu trách nhiệm, chỉ có báo chí và Quốc hội có ý kiến một chút mà thôi. “Lãnh đạo địa phương không kiên quyết sơ tán nhân dân, không chuẩn bị phòng chống thiên tai chu đáo, để thiệt hại về người thì có xử lý người đứng đầu không?”, ông Khoa đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này đã xảy ra khá nhiều trên thực tế.

Cho rằng Quỹ phòng chống thiên tai là cần thiết, song ông Khoa đặt câu hỏi: Nếu coi đây là một khoản đóng góp bắt buộc giống như một loại thuế thì có phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành hay không? Ông Khoa gợi ý, Hiến pháp đã có quy định về lao động công ích, đó là một nguồn lực đáng kể, Ban soạn thảo có thể tính toán đưa vào dự thảo luật.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành quy định trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra thiên tai. Bà Mai nhấn mạnh, để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành địa phương trong công tác này, cần có một ủy ban quốc gia về phòng tránh thiên tai, vì chỉ riêng một bộ ngành chắc chắn không lo nổi...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất