| Hotline: 0983.970.780

Phải theo 'luật chơi'

Thứ Sáu 10/01/2020 , 08:28 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của GS Phạm Hồng Tung (ĐH Quốc gia Hà Nội), Tổng chủ biên chương trình môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Tiểu học và môn Lịch sử ở THPT với Báo NNVN.

Dù hay, nhưng không phù hợp thì phải bị loại

Trước sự việc ba cuốn sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị loại từ vòng 1 dẫn tới việc sẽ đổ bể chương trình Công nghệ giáo dục đang triển khai rộng rãi tại 48 tỉnh, thành, nhóm tác giả do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên đã có đơn kiến nghị gửi Chính phủ.

12-39-21_phm_hong_tung_cd
GS Phạm Hồng Tung.

Thay mặt nhóm chủ biên, ngày 29/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào viết đơn gửi Phó Thủ  tướng Vũ Đức Đam, phản ánh: Bộ GD-ĐT cho biết “tập thể tác giả bản mẫu sách Tiếng Việt 1, Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành tại thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và đề nghị thẩm định lại theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT để sách có cơ hội góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới”.

Điều này là khó khả thi vì nếu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thì cần nhiều thời gian và sẽ mất đi bản sắc của “sách giáo khoa công nghệ giáo dục”.

Trước kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải rà soát lại việc thẩm định nói chung và đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” nói riêng; tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

Sau 2 lần đối thoại trước, tiếp theo yêu cầu của nhóm tác giả, ngày 3/1/2020, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức đối thoại với nhóm tác giả GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào.

Chia sẻ với Báo NNVN về kiến nghị của nhóm tác giả sách giáo khoa công nghệ giáo dục, GS Phạm Hồng Tung (ĐH Quốc gia Hà Nội) - Tổng chủ biên chương trình môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Tiểu học và môn Lịch sử ở THPT nêu ý kiến: "Chuyện thẩm định sách giáo khoa thì đã có thông tư của Bộ GD-ĐT, tức là "luật chơi" đã công bố công khai.

Bộ sách nào, của bất kỳ ai, thì tiêu chí số 1 là phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình môn học mới, đã được ban hành. Còn nếu không phù hợp, thì dù hay đến đâu cũng bị loại. Vì bây giờ, chỉ có chương trình mới là văn bản pháp quy, định chuẩn, chứ không phải như trước nữa”.

Theo GS Phạm Hồng Tung, sách của GS Hồ Ngọc Đại dù hay, nhưng không phù hợp thì phải bị loại. Tổng chủ biên chương trình môn Lịch sử và Địa lý cũng thẳng thắn chia sẻ thông tin, nhiều sách của Mỹ, của Pháp, của Đức... còn hay hơn sách của GS Hồ Ngọc Đại.

“Chả lẽ họ kiện hết à? GS Hồ Ngọc Đại đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi như tất cả người khác. Thế thì mai mốt học sinh cả nước, chúng bị thi trượt thì đều kiện lên Thủ tướng cả à?", GS Phạm Hồng Tung nêu câu hỏi.
 

Sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp trên

Trao đổi với PV Báo NNVN, PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng Bộ GD-ĐT đã áp dụng quan điểm chưa linh hoạt, mềm dẻo khi chỉ đạo việc thẩm định sách giáo khoa. “Còn theo luật chơi thì luật chơi của anh có đúng hay không? Luật chơi của anh có phù hợp hay không?”

12-39-21_nguyen_ke_ho_-_nm_trn
PGS Nguyễn Kế Hào. Ảnh: Nam Trần.

Theo ông Hào, Bộ GD-ĐT đề ra Chương trình, rồi Bộ chọn Tổng chủ biên, lại đề ra cái chuẩn để đánh giá, như thế khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi.

Còn việc viết kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Hào khẳng định: “Người dân thường cũng có quyền có ý kiến chứ. Anh bày ra luật để anh nghiêm cấm tất cả à? Hôm 3/1/2020, tôi nói lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng phải đổi mới tư duy đi nếu không phù hợp với cuộc sống. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hãy về địa phương đối thoại với các cơ sở xem thực tế sách công nghệ giáo dục dạy có hiệu quả như thế nào?”.

Bởi vì, công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành mà là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi. Trong khi “rất nhiều khái niệm bây giờ Bộ GD-ĐT mới nói nhưng ở trường thực nghiệm, những nơi thực hiện Công nghệ giáo dục đã làm từ lâu”, ông Hào khẳng định. 

PGS Nguyễn Kế Hào cũng chia sẻ với Báo NNVN về ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm khi cho rằng: “Sách của GS Hồ Ngọc Đại cần một cách thẩm định khác”.

Nói chung về việc thẩm định các bộ sách giáo khoa, ông Nguyễn Kế Hào đề nghị Bộ GD-ĐT nên coi việc thẩm định sách giáo khoa chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các sách giáo khoa đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một một thời gian. Việc này, theo ông Hào, cũng phù hợp với ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng. Sau đó mời các chuyên gia độc lập tham gia đánh giá.

Đánh giá nội dung cuộc đối thoại ngày 3/1/2020 tại Bộ GD-ĐT là không thỏa đáng cho nên ông Nguyễn Kế Hào chưa tán thành. Ông khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên”.
 

Khó thực hiện cách thẩm định khác

Đó là ý kiến khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trong cuộc đối thoại với nhóm tác giả sách giáo khoa Công nghệ giáo dục.

12-39-21_ho_ngoc_di_-_nkh_-_nm_trn
GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào. Ảnh: Nam Trần.

Trả lời câu hỏi ông Nguyễn Kế Hào, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD-ĐT đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì thế trong quy định thẩm định sách giáo khoa, hồ sơ gửi lên thẩm định đã phải có thực nghiệm rồi. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế nếu cho rằng thẩm định chỉ là bước 1 và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng. 

Còn việc cho sách Công nghệ giáo dục một cách thẩm định khác như ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định là “khó thực hiện” vì cần phải công bằng giữa các bộ sách giáo khoa.

“Nếu được thì GS Hồ Ngọc Đại nghiên cứu phương án điều chỉnh sách giáo khoa để đảm bảo yêu cầu. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ sách giáo khoa đa dạng sử dụng trong các nhà trường”, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.