| Hotline: 0983.970.780

Phải xóa bỏ hình ảnh SX nhỏ lẻ

Thứ Sáu 08/11/2013 , 09:29 (GMT+7)

"Tôi nghĩ nông dân cần xóa bỏ hình ảnh kinh tế hộ, sản xuất nhỏ lẻ trong con mắt của các tổ chức tín dụng. Cứ 7 người nông dân là đã có thể thành lập HTX rồi..." - Ông Kiên chia sẻ.

Nhiều chính sách chưa đến được với nông dân. Có thể, một phần do Chính phủ chưa thực sự tập trung đúng định hướng đã vạch ra nhưng theo ông Nguyễn Đức Kiên (ảnh) thì bản thân người nông dân cũng cần phải nỗ lực thay đổi để đủ điều kiện đón nhận chính sách.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại Chính phủ đã có Nghị Quyết 03/NQ-CP năm 2000. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, những hạn chế mà nội dung NQ chỉ ra vẫn chưa được giải quyết như vấn đề đất đai, vấn đề hỗ trợ tín dụng để phát triển trang trại?

Chủ trương phát triển kinh tế trang trại, hướng tới sản xuất lớn là định hướng đúng nhưng trong thời gian qua, dưới sức ép biến động của nền kinh tế thị trường nên Chính phủ chưa thực sự tập trung vào chính sách phát triển kinh tế trang trại.

Đúng là vẫn còn những hạn chế về đất đai, về nguồn lực tài chính thậm chí cả về tư tưởng nên khi bắt tay vào vấn đề này cần phải xác định đây là một việc rất khó, đòi hỏi sự cố gắng, kiên định không phải chỉ riêng Chính phủ, TƯ mà cả các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và đặc biệt là chính những người nông dân tham gia sản xuất.

Chính phủ có chính sách cho phép người nông dân sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay đầu tư phát triển trang trại để thế chấp ngân hàng nhưng thực tế, người nông dân không thể tiếp cận vốn từ ngân hàng nếu không có sổ đỏ thổ cư để thế chấp?

Hiện nay, người nông dân của chúng ta sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, dưới con mắt của các tổ chức tín dụng họ là thành phần kinh tế hộ. Ngân hàng người ta cũng phải xem ông sản xuất sản phẩm gì, nuôi con gì, có đầu ra hay không…

Ví dụ, đã có thời kì ngân hàng không cho vay nuôi tôm sú nữa nhưng từ khi dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả thì họ lại cho vay. Việc của ngân hàng là phải tính khả năng thu hồi vốn.

Nhưng, có nông dân có hàng chục ha rừng lại không thể thế chấp trang trại trồng rừng để vay vốn mà ngân hàng vẫn buộc họ phải thế chấp sổ đỏ đất ở, là sao thưa ông?

Nếu nhận thế chấp ruộng thì ngân hàng có thể thu hồi được vốn không? Chúng ta thấy hiện nay nông dân bỏ ruộng nhiều nên việc này rõ ràng là không khả thi. Ngân hàng cũng không thể xuống ruộng để cày hay đi trồng rừng được.

Ở các nước, ngân hàng họ chú trọng thẩm định phương án đầu tư, nếu thấy có hiệu quả là sẵn sàng cho vay ngay, không cần phải thế chấp tài sản. Vậy tại sao chúng ta không làm được việc đó?

Ngân hàng các nước cho vay không cần thế chấp và đó là phương án đầu tư rủi ro. Nhưng họ chấp nhận đầu tư rủi ro với điều kiện người vay vốn cũng phải chấp nhận lãi suất rất cao hoặc ăn chia lợi nhuận. Ngân hàng thì sẵn sàng nhưng nông dân của chúng ta có chấp nhận chia lợi nhuận đâu.

Ngân hàng thương mại phải đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu nên thường ngại cho vay đầu tư nông nghiệp vừa rủi ro vừa ít lợi nhuận. Chúng ta có Ngân hàng Chính sách xã hội, việc phát triển kinh tế trang trại là chủ trương lớn của Chính phủ tại sao không giao cho ngân hàng chính sách thực hiện chính sách trang trại?

Ngân hàng chính sách phải thực hiện nhiệm vụ cho người nghèo vay vốn, học sinh sinh viên vay vốn. Họ không có đủ nguồn lực. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì không nên để ngân hàng chính sách làm việc này.

Vì chủ trang trại là người hoạt động sản xuất kinh doanh, họ cũng cần có trách nhiệm với diện tích đất được Chính phủ giao cho quản lý, sử dụng, có trách nhiệm tạo ra sản phẩm, tạo ra lợi nhuận và cũng phải có trách nhiệm với xã hội. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nông dân về lãi suất, về giống, vacxin, thuế… Không thể cứ mãi đòi hỏi vì tôi là nông dân nên phải được ưu đãi mọi thứ.

Vấn đề là để sản xuất tập trung theo mô hình trang trại, nông dân ở các địa phương cần phải có tiền đầu tư. Vậy người nông dân phải làm thế nào để tiếp cận được vốn tín dụng?

Chính phủ có chính sách cho phép chủ trang trại có thể thế chấp bằng chính tài sản mua bằng vốn vay nhưng thử hỏi người nông dân sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ sẽ mua gì cho trang trại và thế chấp cái gì?

Tôi nghĩ nông dân cần xóa bỏ hình ảnh kinh tế hộ, sản xuất nhỏ lẻ trong con mắt của các tổ chức tín dụng. Cứ 7 người nông dân là đã có thể thành lập HTX rồi. Nông dân của chúng ta cần phải thay đổi tư duy, phải liên kết lại thành tổ chức HTX để sản xuất với quy mô lớn hơn, bài bản hơn, lúc đấy mới đầu tư máy móc thiết bị phù hợp theo quy mô sản xuất thì mới có thể giải quyết được vấn đề.

 Cũng có rất nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và ngân hàng thành công như ở Hải Dương, ở An Giang… Hình thành cánh đồng mẫu lớn cũng chính là sự liên kết của nông dân. Họ cùng góp đất, cùng tổ chức sản xuất đại trà và hưởng lợi ích trên cánh đồng của họ. Khi nông dân liên kết lại, sản xuất có tổ chức, chắc chắn việc vay vốn dễ dàng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.