| Hotline: 0983.970.780

Phải xóa đặc lợi trong quản lý đất lâm nghiệp, tạo công bằng với dân miền núi

Thứ Ba 12/09/2017 , 08:37 (GMT+7)

Từ năm 2003, Nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp nông lâm trường đã chỉ rõ: Thực hiện tốt chủ trương giao đất ở, đất sản xuất (SX) cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, khắc phục nhanh tình trạng đồng bào không có đất ở, không có đất SX…

Thế nhưng tới nay, người dân miền núi nhiều nơi vẫn khát đất trồng rừng như trẻ khát sữa!

17-03-54_dscf4632
Theo GS Lê Đình Khả, các Cty lâm nghiệp đang được hưởng những đặc lợi khi được ưu ái giao quá nhiều đất rừng

Phải tiếp tục rà soát lại đất lâm nghiệp, nhất là đất rừng phòng hộ không cần thiết để giao đất cho dân SX, trên cơ chế hài hòa giữa mục tiêu phát triển rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cho người dân ở miền núi. Đó là ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề đất rừng hiện nay.
 

Chưa công bằng với người miền núi

Chưa công bằng, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã nhận xét như vậy xung quanh thực trạng quản lí đất lâm nghiệp hiện nay.

GS Khả dẫn ví dụ như TCty Giấy Việt Nam, chỉ riêng địa bàn tỉnh Phú Thọ đã quản lý cả gần chục Cty lâm nghiệp (NNVN đã phản ánh). Trước đây, ngành Công nghiệp (nay là Công thương) chỉ quản lí ở phần các nhà máy, còn các lâm trường do ngành Nông nghiệp quản lí. Tuy nhiên về sau, các lâm trường (nay là các Cty lâm nghiệp) lại được chuyển ngang về làm thành viên của TCty Giấy, kèm theo một diện tích đất lâm nghiệp rất lớn.

Theo GS Khả, ở đây có hai vấn đề mà hiện nay cần phải tiếp tục rà soát để làm rõ. Một là việc chuyển giao các Cty lâm nghiệp về làm thành viên cho TCty Giấy, do ngành Công thương quản lí đã hợp lí hay chưa, cần phải rạch ròi khâu quản lí giữa ngành Công thương và ngành Nông nghiệp trong vấn đề này.

Thứ hai, việc ưu ái dành cho các Cty này một diện tích đất lâm nghiệp rất lớn như thế, trong khi người dân địa phương vẫn còn bức bách đất SX là điều cần phải xem xét lại. Bởi, đất đai đã trở thành một trong những chi phí SX của doanh nghiệp. Vì vậy nên chăng, cần phải giao bớt lại diện tích đất lâm nghiệp của các Cty lâm nghiệp cho người dân SX. Sau đó, có thể thành lập các HTX, nhà máy vẫn có thể đảm bảo nguyên liệu SX theo cơ chế thị trường trên cơ sở liên kết với người dân được giao rừng.

17-03-54_le_dinh_kh
GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)
“Tiêu chí thế nào là phòng hộ, chỗ nào phải phòng hộ thì phải cho rõ ràng. Rừng phòng hộ cũng phải gắn cơ chế thế nào đó tạo sinh kế cho dân thì mới phát triển được, chứ không phải cứ khư khư giữ, bởi muốn giữ cũng rất khó. Bằng chứng trước đây, chúng ta trồng phòng hộ ven biển, tiền công bảo vệ thấp quá, chẳng ai quan tâm nên một giai đoạn trồng xong là tan nát hết. Sau này, chúng ta gắn với cơ chế cho người dân đồng quản lí, khai thác, bảo vệ thì rừng lên rất nhanh, mà dân cũng sống ổn”, GS.TS Lê Đình Khả.

“Hiện nay, doanh nghiệp SX các mặt hàng nông sản đều phải tổ chức tích tụ đất đai hoặc liên kết với nông dân để SX. Người miền xuôi từ khi xóa bỏ chế độ bao cấp thì được chia ruộng. Nay các DN muốn kinh doanh SX lúa gạo thì phải thu gom đất, hoặc liên kết với nông dân để SX. Người miền núi cũng vậy, họ cũng phải được chia đất rừng. Nay DN muốn SX gỗ, SX giấy thì phải liên kết với dân để làm, không thể nào lại được ưu ái giao cho những diện tích đất lâm nghiệp lớn như vậy. Điều đó là chưa công bằng đối với người dân miền núi”, GS Khả nêu quan điểm.
 

Rà soát lại rừng phòng hộ không cần thiết

Liên quan tới thực trạng nhiều BQL Rừng phòng hộ hiện nay đang quản lí diện tích rừng quá lớn, GS.TS Lê Đình Khả cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát, xét kỹ tiêu chí thế nào là rừng phòng hộ. Theo đó, khu vực không nhất thiết phải giữ rừng phòng hộ thì phải giao lại cho dân để họ trồng rừng SX phát triển kinh tế.

Cụ thể, rừng phòng hộ ở những khu vực xung yếu như phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, phòng hộ chắn giữ cát, phòng hộ ở các khu vực đất dốc để ngăn ngừa nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, nhất là miền núi phía Bắc, Tây Nguyên phải được đặc biệt ưu tiên đầu tư bảo vệ. Với các khu vực phòng hộ này, tiêu chí không nhất thiết cứ phải là rừng giàu trữ lượng, mà thậm chí chỉ là dây leo bụi rậm để giữ nước là chính vẫn cần phải giữ. Tuy nhiên đối với các khu vực ít xung yếu hơn như các tỉnh vùng trung du, vùng bán sơn địa, không nhất thiết chỗ nào cũng giữ rừng rồi gắn mác là rừng phòng hộ, trong khi dân lại không có đất SX.

“Thực tế ở nhiều nơi, có những khu núi sót (núi mọc đơn độc), đồi bát úp ngay cạnh đồng ruộng cũng được gắn là rừng phòng hộ, mà lại là rừng trồng nữa thì có cần thiết gọi là rừng phòng hộ hay không, phòng hộ cho cái gì? Những khu vực như thế thì phải giao đất ngay cho dân để họ trồng rừng kinh tế chứ giữ làm gì, bởi rừng trồng thì cũng đã có tác dụng phòng hộ rồi”, ông Khả nêu thực tế.

Đồng tình với quan điểm này, TS Phí Hồng Hải, Phó GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Hiện nay, chúng ta đang phân loại làm 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng SX. Trong đó, ngoại trừ rừng đặc dụng cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, còn lại rừng phòng hộ cần phải tiếp tục rà soát, nơi nào không thật sự cần thiết thì nên giao lại cho dân trồng rừng SX. Ông Hải thừa nhận, thực trạng tranh chấp đất rừng đang gây bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là những khu vực rừng phòng hộ mới. Vì vậy trong việc quy hoạch rừng phòng hộ, nếu không căn cứ trên nhu cầu thực tế và không tính đến nhu cầu sinh kế của người dân thì đây sẽ là điều vô cùng nguy hại.

17-03-54_ts_phi_hong_hi
TS Phí Hồng Hải, Phó GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TS Hải thẳng thắn cho rằng, những lâm trường cũ (nay là các Cty lâm nghiệp), quan điểm phải dứt khoát là không quản lí được, khai thác không hiệu quả thì phải trả về cho địa phương để giao cho dân SX. Tuy nhiên, vấn đề là sau khi giao lại đất cho dân phải thế nào? Bởi có nơi giao rừng về cho dân là mất rừng, nhưng cũng có nơi giao về lại phát triển rất tốt. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó căn bản nhất vẫn là phải hình thành được thị trường, công nghệ phụ trợ chế biến và thương mại lâm sản gắn với quá trình giao đất giao rừng.

Theo TS Hải, một ví dụ điển hình, đó là trong khi các vùng như Đông Bắc, Trung du Bắc bộ, các tỉnh Trung bộ hiện nay hiệu quả sử dụng đất rừng sau khi giao đất giao rừng rất tốt, thì nhiều khu vực khác, tiêu biểu là Tây Bắc, Tây Nguyên lại rất khó khăn về phát triển rừng SX. Nguyên nhân chủ yếu là chưa hình thành được thị trường, điều kiện hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ.

“Có một thực tế là nhiều nơi, dân thiếu đất trồng rừng SX nghiêm trọng, nhưng cũng có nơi sau khi giao rừng không thể phát huy được hiệu quả. Vì thế, giao rừng phải gắn với cơ chế chính sách thu hút đầu tư cho ngành lâm nghiệp đi kèm. Đối với rừng phòng hộ thực sự cần thiết phải giữ lại, Nhà nước nhất định phải tăng cường hơn nữa nguồn hỗ trợ, nhất là từ các dịch vụ môi trường rừng để người dân có thể gắn bó với rừng”, ông Hải nêu ý kiến.

Về khía cạnh giải pháp kỹ thuật, để vừa đảm bảo trồng rừng SX, lại vừa đảm bảo khả năng phòng hộ của rừng thì không phải là không có cách, nhưng vấn đề là triển khai thế nào? Ví dụ để tăng khả năng phòng hộ của rừng SX, có thể trồng theo hướng gỗ lớn, chu kỳ khai thác dài, kết hợp trồng rừng nhiều tầng, khai thác dặm, trồng kết hợp xen với cây bản địa để tăng khả năng che phủ, đảm bảo chống xói mòn, giữ đất, giữ nước, đồng thời tăng giá trị kinh tế. Tuy nhiên, cái khó để làm được điều này, chu kỳ rừng cần phải dài, phải trường vốn. Trong khi đó, dân trồng rừng kinh tế hiện nay đa số vẫn chỉ chọn keo lai do chu kỳ ngắn, thậm chí 4 - 5 năm đã khai thác. Nếu Nhà nước có cơ chế cho dân vay vốn ưu đãi để trồng rừng gỗ lớn, thì không những giá trị kinh tế từ rừng trồng sẽ được tăng lên rất nhiều, mà còn đảm bảo được cả giá trị phòng hộ.

TS Phí Hồng Hải

 

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm