| Hotline: 0983.970.780

Phạm Tuyên - Những chuyện lần đầu được kể: Không gì ngăn trở được tình yêu

Thứ Tư 07/12/2016 , 08:57 (GMT+7)

Mùa hè năm 1956, một trại chỉnh huấn cho giáo viên toàn miền Bắc do Bộ Giáo dục mở tại trường Bưởi bên bờ hồ Tây (bây giờ là trường Chu Văn An). 

Các giáo viên Khu học xá lục tục kéo về Hà Nội dự trại, tôi tuy mới ra trường nhưng cũng được đi chỉnh huấn.
 

“Một bông hoa đẹp và thơm một cách kín đáo”

Hình như “thông tin” đã bị rò rỉ hay sao ấy mà đứa nào cũng biết quan hệ giữa anh Tuyên và tôi. Lúc đó tôi đành phải thú nhận, nhưng mới ở mức độ “đơn phương” còn tôi thì vẫn chưa quyết định. Mấy đứa bạn thân đoán biết ý: “Chắc mày sợ bọn tao phê bình là yêu đương quá sớm chứ gì? Thôi mày nhận lời đi. Bọn tao thấy anh Tuyên thật quá tốt, chẳng chê được nỗi gì!”.

14-42-16_ong-b-phm-tuyen-cung-con-gi-du-thnh-tuyen-ti-mtxcov-nm-1981
Vợ chồng Nhạc sỹ Phạm Tuyên cùng con gái đầu tại Matxcơva
 

“Được lời như cởi tấm lòng”, được bạn bè ủng hộ, tôi như mở cờ trong bụng, nhưng vẫn e ngại không dám gặp anh trong suốt mấy ngày chỉnh huấn. Một hôm anh tìm gặp tôi không quên đưa cho tôi bản nhạc "Em bé chăn trâu" của nhạc sĩ Văn Chung kèm theo là một lá thư viết cho tôi và rủ tôi đi chơi. Thật tội nghiệp! Nhạc sĩ chỉ có bảy nốt nhạc nên quà tặng cho người yêu cũng chỉ có vậy! Nhưng đối với tôi thì đây là món quà vô giá.

Chiều ấy sau buổi nghe báo cáo xong, anh chờ tôi ở cổng trường, tôi bẽn lẽn theo anh đi ra hồ Tây. Ngồi bên bờ hồ dưới gốc cây liễu, bóng liễu rũ xuống mặt nước, gió thổi làm mặt hồ gợn sóng lung lay bóng liễu như lòng tôi đang bị xáo động. Cầm tay tôi, anh nói nhỏ nhẹ: “Anh chỉ mong đến ngày hôm nay để được ngồi bên em và được nghe em nói lời yêu anh”.

Tôi không nói gì, chỉ biết nép vào người anh. Im lặng là bằng lòng! Chúng tôi cứ ngồi với nhau như thế, không dám nói với nhau một câu gì nữa, cũng không dám nhúc nhích cựa quậy, chỉ muốn giữ mãi cái giây phút thiêng liêng này. Hôm ấy là ngày 30 tháng 7 năm 1956, tờ lịch đó được ép vào cuốn nhật ký viết chung của anh và tôi để nói lời yêu đương, để giãi bày tâm sự và trao đổi với nhau về mọi việc mà mình quan tâm thay cho hai cuốn nhật ký cá nhân trước đây.

Thế là coi như tôi đã đính hôn! Bọn bạn tôi mở một cuộc liên hoan nhỏ ngay trong vườn Bách thảo để mừng cho hạnh phúc của chúng tôi. Cũng những ngày đó, anh Tuyên đưa cho tôi xem những lá thiếp chúc mừng và những bài thơ ca ngợi hạnh phúc lứa đôi của các bạn anh gửi đến. Trong đó có bức thư mừng anh Tuyên đã hái được “một bông hoa đẹp và thơm một cách kín đáo”. Những hình thức đó người ta chỉ tặng nhau trong ngày cưới, thế mà giờ đây chúng tôi lại được nhận, thật quá hạnh phúc!
 

Những “ông Bụt” của lứa đôi

Sau khi trại chỉnh huấn bế mạc, anh trở về Khu học xá (Nam Ninh, Trung Quốc) còn tôi được nghỉ phép về thăm quê ở Quảng Bình vì lâu chưa được về quê. Quả nhiên khi ra đến Hà Nội thì tôi bị một sự phản đối ghê gớm của gia đình và những người bạn chiến đấu của ba mẹ tôi, kể cả các bác, các cô trong Tỉnh ủy Quảng Bình ngày trước khi biết tôi nhận lời yêu anh Phạm Tuyên. Họ cho rằng con của một gia đình cách mạng không thể lấy con của một quan lại phong kiến! Lời nặng tiếng nhẹ, mọi người đều đồng lòng bắt tôi cắt đứt quan hệ với anh Tuyên.

Tôi đau khổ và hoang mang đến cực độ. Ngày lên tàu quay về Khu học xá, chú ruột tôi là ông Nguyễn Chuẩn, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Đường sắt tiễn tôi sang tận Bằng Tường (một huyện của tỉnh Quảng Tây giáp với Việt Nam). Suốt thời gian tàu chạy, chú chỉ thuyết phục tôi là phải cắt đứt quan hệ với anh Tuyên. Tôi chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn ra ngoài trời tối đen như mực mà khóc.

Sang đến Khu học xá, gặp anh tôi không nói được câu nào, chỉ khóc là khóc! Linh cảm mách bảo anh: chắc có trở ngại về lý lịch rồi. Anh đau khổ nhưng cố bình tĩnh dỗ dành, an ủi tôi, anh nói giọng hơi run: “Chúng mình đã có nhau thì không thể có gì ngăn trở được tình yêu này!”.

Như một đợt phản công, anh và tôi đều liên tục gửi thư về nhà để thuyết phục gia đình và các bác, các cô bạn bè của gia đình về tình yêu chân chính của mình và “hô hào” sự ủng hộ của họ, rồi hứa hẹn sẽ sống xứng đáng với công lao nuôi dưỡng của Đảng, của cách mạng. Mặt khác lại phải tranh thủ sự đồng tình của những người lãnh đạo Khu học xá, lúc đó ông Võ Thuần Nho (em Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là giám đốc lại là bạn chiến đấu của ba tôi ngày trước, là người nhận đỡ đầu cho tôi khi tôi sang Khu học xá. Thật may quá, ông lại là người biết rất rõ về anh Tuyên.

Nghe thấy anh gặp khó khăn trong chuyện tình duyên bởi lý lịch, mà người yêu của nó lại là đứa cháu thân thiết của mình, ông liền “ra tay cứu giúp”. Thật đúng là “ông Bụt” trong truyện cổ tích vậy.

Một lần về Thủ đô họp, ông tìm gặp mẹ tôi, lúc đó bà đang phụ trách công tác hợp tác xã của Hà Nội. Ông đã nói rõ cho mẹ tôi biết về con người và phẩm chất của anh Phạm Tuyên rồi đứng ra bảo lãnh cho anh. Không những ông mà cả bà Võ Thuần Nho, hai ông bà mà tôi thường gọi là chú thím đều hết sức bênh vực chúng tôi, bà nói: “Tuyên và Tuyết thật là xứng đôi vừa lứa”.

Chúng tôi lúc này chỉ biết thương yêu nhau, động viên nhau công tác cho thật tốt để xứng đáng với sự tin yêu của mọi người. Tuy vậy lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi sợ hãi phải chia lìa. Nỗi niềm ấy đã ghi vào cuốn nhật ký chung được luân phiên nhau, anh giữ và ghi vài ngày rồi đến lượt tôi giữ và ghi vài ngày...

Cũng may cho chúng tôi, lúc này lại có thêm một “ông Bụt” nữa, đó là cậu tôi, tức là bố dượng tôi, lúc đó đang điều trị tại Quân y viện thuộc Nam Ninh Trung Quốc, nơi “bạn” dành để chữa trị cho cán bộ cách mạng Việt Nam bị lâm bệnh nặng sau bao năm kháng chiến gian khổ. Cùng nằm điều trị ở bệnh viện đó có đồng chí là ủy viên Trung ương, có đồng chí là ủy viên Thành ủy Hà Nội đã hoạt động lâu năm từ trước Cách mạng tháng Tám. Cậu tôi được dịp dò hỏi về hoàn cảnh gia đình anh Tuyên. Có một đồng chí tỏ ra am hiểu, cho cậu tôi biết: “Phạm Tuyên là con bà vợ thứ ba của Phạm Quỳnh” (thực ra bố anh chỉ có một vợ là mẹ anh). Thông tin ấy đối với cậu tôi là rất quan trọng, vì ông và các đồng chí của ông đều nghĩ: “Đã là vợ ba chắc mẹ Phạm Tuyên trong gia đình thể nào cũng có bị bóc lột và như vậy thì cậu ta đâu có thuộc thành phần bóc lột”. Điều phủ nhận ấy đã cởi trói sợi dây “thành phần chủ nghĩa” cho gia đình và người thân của tôi.

Thế là đã vượt qua trở ngại lớn lao về lý lịch rồi, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Anh bàn với tôi chuẩn bị một lễ cưới thật vui tươi, thật tưng bừng! Những ngày tiếp đó chúng tôi sống trong niềm hạnh phúc ngập tràn, lòng nhẹ như bấc, những phấp phỏng lo âu bay đi đâu mất (…)

Không còn lý do nào nữa ngăn cản chúng tôi chuẩn bị cho ngày cưới. Và mùa xuân đã đến, không cần lời kêu gọi thức tỉnh của nó, chúng tôi cũng đã sẵn sàng nghênh đón tiết xuân. Lễ cưới của chúng tôi được tổ chức vào ngày 27 tháng 1 năm 1957 (27 tháng Chạp) sau khi đã “được sự đồng ý của đoàn thể và gia đình”.

Vậy là mối tình của chúng tôi bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới.

Xem thêm
Tuấn Hưng hoàn tiền vé cho khán giả vì hát không tốt

Sáng 16/4, ca sĩ Tuấn Hưng đã chia sẻ việc hoàn trả tiền cho các khản giả cảm thấy không hài lòng ở Show diễn 'Gửi ngàn lời yêu' diễn ra vào ngày 14/4.

Nhận định Borussia Dortmund vs Atletico Madrid: Khách lấn chủ

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Borussia Dortmund vs Atletico Madrid sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 17/4/2024 trên sân vận động Signal Iduna Park.

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam sẵn sàng cho trận mở đầu gặp U23 Kuwait'

HLV Hoàng Anh Tuấn nói về sự chuẩn bị của U23 Việt Nam trước trận gặp U23 Kuwait ở vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.