| Hotline: 0983.970.780

Phan Anh tại Hội nghị Fontainebleau 1946

Chủ Nhật 04/08/2019 , 15:10 (GMT+7)

Luật sư Phan Anh (1911 - 1990), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là thành viên Ủy ban Chính trị; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa mở rộng và Ủy ban Quân sự. Ngoài ra, ông còn là Trưởng tiểu ban Ngoại giao và thành viên Tiểu ban Liên bang Trung - Ấn để đàm phán về vấn đề “địa vị Việt Nam trong Liên hiệp Pháp”.

Chương trình nghị sự

Hội nghị Fontainebleau diễn ra từ ngày 6/7 đến ngày 10/9/1946 tại lâu đài Fontainebleau. Phiên khai mạc ngày 6/7/1946, Hội nghị giao cho một Tiểu ban (Trưởng ban: Phan Anh) sửa soạn chương trình nghị sự. Về sau, thứ bảy hàng tuần, Tiểu ban này định chương trình làm việc cho Hội nghị ở tuần tiếp sau đó.

Khai mạc Hội nghị Fontainebleau 1946. Từ trái qua phải: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai. – Tư liệu KMS

Chương trình nghị sự được thảo ra trong ngày khai mạc gồm 5 khoản: Một, địa vị Việt Nam trong Liên hiệp Pháp và quan hệ ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài (các nước ngoài Liên hiệp Pháp). Hai, quan niệm khái quát về Liên bang Trung - Ấn. Ba, hợp nhất ba “kỳ” và trưng cầu ý kiến nhân dân về vấn đề Nam Bộ (Nam Kỳ). Bốn, thảo luận về Liên bang Trung - Ấn và những vấn đề kinh tế. Năm, dự thảo điều ước Việt - Pháp.

Về thủ tục làm việc, Hội nghị quy định, mỗi một vấn đề chính kể trên, sẽ thảo luận về phương diện chính trị trước. Từ đó, mới bàn xét về các phương diện chuyên môn như kinh tế, tài chính, văn hóa, quân sự. Cuối cùng là việc tổng hợp, sao cho những kết quả nghị sự về chuyên môn ăn khớp với phạm vi chính trị. Tất nhiên, thủ tục này không cứng nhắc mà uyển chuyển.

Cụ thể, tại Hội nghị, khi các ban chuyên môn làm việc cũng đồng thời với Ủy ban Chính trị tiếp tục thương nghị. Theo quy định, Ủy ban Chính trị gồm tất cả các thành viên của hai phái đoàn đều tham dự.
 

"Địa vị Việt Nam trong Liên hiệp Pháp"

Đây là vấn đề thảo luận trước tiên tại Hội nghị Fontainebleau. Lần này, phái đoàn Việt Nam trình bày quan điểm đẩy đủ hơn ở Hội nghị Đà Lạt (4/1946). Bộ trưởng Phan Anh lên tiếng:

“Có thể nói rằng, khi thảo tờ thông điệp này, chúng tôi có nhiệt tâm và thành ý thắt dây liên lạc bền chặt giữa nước Pháp và nước Việt Nam.

Chúng tôi ở đây thảo luận với các ông về mối quan hệ Việt - Pháp trong Liên hiệp Pháp; đồng thời Quốc hội lập hiến nước Pháp cũng đang họp bàn về Liên hiệp Pháp. Chúng tôi không có thẩm quyền, và cũng không có ý dám tiên đoán kết quả công việc của Quốc hội nước Pháp…

Hiện tại, có điều chắc chắn là mối quan hệ Việt - Pháp phải do điều ước quy định, và chúng tôi cũng chỉ quan niệm địa vị Việt Nam trong Liên hiệp Pháp như vậy thôi”.

Luật sư Phan Anh và Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Genève 1954 – Tư liệu gia đình.

Bộ trưởng Phan Anh nhiều lần nhấn mạnh quan niệm địa vị Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Đọc xong bản thông điệp ngoại giao, ông tiếp tục nhắc lại:

“Mặc dầu Quốc hội lập hiến nước Pháp sẽ giải quyết vấn đề Liên hiệp Pháp thế nào, chúng tôi cho rằng, mối quan hệ Việt – Pháp phải do điều ước quy định”.

11-29-05_phn_nh_cd

Phan Anh (1911 - 1990) sinh tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Đại học Luật Đông Dương và sau đó hành nghề luật sư tại văn phòng Luật sư Bùi Tường Chiểu. Năm 1945, Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Đế quốc Việt Nam do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu. Năm sau, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ Liên hiệp và giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Từ năm 1947, luật sư Phan Anh lần lượt giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (1958 - 1976), Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII (1981 - 1987)…

Trong phiên họp ngày 22/7/1946, ở Tiểu ban Ngoại giao, luật sư Phan Anh giải thích: Phái đoàn Việt Nam quan niệm Liên hiệp Pháp có tính cách rất rộng rãi, rất mềm dẻo, khả dĩ thâu nạp những nước có quyền pháp khác hẳn nhau. Ngụ ý của Việt Nam là quan hệ Việt - Pháp không nhất định áp dụng cho những nước hội viên khác trong Liên hiệp Pháp.

Quan hệ Việt - Pháp, theo thông điệp của phái đoàn Việt Nam, căn cứ vào 3 nguyên tắc: tự quyết liên hiệp, địa vị bình đẳng và tính liên đới để bảo toàn lợi ích chung của mỗi quốc gia thành viên.
 

Vấn đề ngoại giao

Phiên họp ngày 16/7/1946, Bộ trưởng Phan Anh đọc thông điệp về liên lạc ngoại giao của nước Việt Nam với ngoại quốc.

Quan niệm của Việt Nam về liên lạc ngoại giao căn cứ vào 2 nguyên tắc chính: quyền độc lập của Việt Nam về chính trị và tính liên đới Việt – Pháp để bảo toàn quyền lợi chung.

Độc lập về chính trị, nước Việt Nam có nền ngoại giao riêng của mình. Đồng thời, Việt Nam đã nhận hợp tác chặt chẽ với Pháp thì Việt Nam sẽ điều hòa chính sách ngoại giao của mình với chính sách của Pháp để bảo toàn quyền lợi chung.

Khi thảo luận, đại biểu Phan Anh nói: “Đề nghị Pháp đặt quan viên ngoại giao và lãnh sự Việt Nam tòng thuộc sứ thần Pháp, không hợp với những nguyên tắc đã được Hội nghị thừa nhận: chủ quyền Việt Nam về chính trị và địa vị bình đẳng trong Liên hiệp Pháp”.

Đại biểu Pháp, ông Baudet phản ứng: “Tôi phản đối kịch liệt điểm ấy. Chủ quyền, các ông đã có… Chúng tôi đã thừa nhận hoàn toàn nguyên tắc đảm bảo chủ quyền của các ông. Không có việc cắt xén một phần nào chủ quyền của các ông; chúng tôi chỉ đặt ra nguyên tắc hạn chế hành xử chủ quyền để cho Liên hiệp Pháp kết hợp được chặt chẽ”.

Trưởng đoàn Pháp, Max André: “Các ông quan tâm đến việc thừa nhận chủ quyền của các ông, thật là chính đáng. Chúng tôi không dám dị nghị điều ấy. Nhưng muốn tạo ra cái gì chặt chẽ, có công hiệu, có thể trường cửu được, mỗi bên phải nhượng bộ về phương diện chủ quyền”.

Phan Anh: “Đề nghị Pháp không đầy đủ: hạn chế quyền thừa nhận lãnh sự ngoại quốc; không nói đến quyền tiếp nhận sứ thần ngoại quốc”.

Baudet: “Đại biểu Việt Nam đã nhận xét đúng, và đấy là một điều hai bên bất đồng ý kiến rõ rệt. Theo quan niệm Pháp về tổ chức ngoại giao, không thể dự liệu việc các nước tự do có quyền tiếp nhận sứ thần ngoại quốc được”.

Phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Fontainebleau 1946 gồm có: Phạm Văn Đồng (Trưởng đoàn: Phó Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội); Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trịnh Văn Bính - Thứ trưởng Bộ Tài chính; Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Hoàng Minh Giám - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Mạnh Hạ - Đại biểu Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Bửu Hội - Giáo sư Đại học Pháp; Nguyễn Văn Huyên - Giám đốc Đại học vụ; Huỳnh Thiện Lộc – Bộ trưởng Bộ Canh nông; Dương Bạch Mai - Đại biểu Quốc hội; Chu Bá Phượng - Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Đặng Phúc Thông – Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất