| Hotline: 0983.970.780

Phân bón lá hữu cơ giúp giảm 30% phân vô cơ, năng suất lúa tăng 25%

Thứ Ba 01/11/2022 , 19:00 (GMT+7)

HÀ NAM Sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, chi phí sản xuất đã được giảm đi đáng kể, trong khi năng suất tăng 25%, lượng phân bón vô cơ giảm 30%.

Mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vụ mùa 2022, tỉnh Hà Nam đã triển khai xây dựng 2 mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan trên cây lúa của Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang tại huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục. Là hộ nông dân tham gia mô hình tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, thực hiện theo quy trình, hướng dẫn của Công ty, ông Hoàng Văn Thường đã phun phân bón lá hữu cơ Pan 4 lần trong vụ mùa năm nay.

“Chỉ sau lần phun đầu tiên, tôi đã thấy được hiệu quả rõ rệt trên đồng ruộng. Cây lúa phát triển tốt hơn so với khi chưa sử dụng, lá xanh, tỷ lệ đẻ nhánh cao, cứng cây và phòng được một số sâu bệnh xâm hại”, ông Hoàng Văn Thường chia sẻ.

Cũng theo anh Thường, sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, chi phí sản xuất đã được giảm đi đáng kể khi năng suất tăng 25%, lượng phân bón vô cơ giảm 30%. Cụ thể, đối với mô hình đối chứng, mỗi vụ sẽ phải bón 15kg phân NPK/sào, còn với mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan chỉ phải sử dụng 10kg phân NPK/sào.

Ông Hoàng Văn Thường cho biết, năng suất vụ mùa 2022 đã tăng 25%, lượng phân bón vô cơ giảm 30%. Ảnh: Phạm Huy.

Ông Hoàng Văn Thường cho biết, năng suất vụ mùa 2022 đã tăng 25%, lượng phân bón vô cơ giảm 30%. Ảnh: Phạm Huy.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Thường cho hay, thông thường vụ mùa tại địa phương hay xuất hiện nhiều loại sâu bệnh như rầy nâu, sâu đục thân, khô vằn… Tuy nhiên, sau khi sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, tỷ lệ sâu bệnh đã giảm đi rất nhiều, qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất khi không còn phải sử dụng thuốc BVTV hóa học như trước kia.

Đặc biệt, sau khi sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, môi trường đã được cải thiện hơn rất nhiều so với việc chỉ sử dụng phân bón hóa học.

“Gia đình tôi hiện đang triển khai mô hình cá - lúa. Để có thể nuôi cá trong ruộng lúa, cần phải đảm bảo môi trường sống của cá cũng như nguồn nước phải tuyệt đối trong sạch. Sau khi sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, không chỉ cá nuôi phát triển tốt mà tôm, cua, cá đồng tự nhiên cũng xuất hiện nhiều hơn”, ông Hoàng Văn Thường phấn khởi.

Bà Hoàng Hải Anh cho biết, với mỗi 1 lít phân bón lá hữu cơ Pan có giá 500.000 đồng, có thể phun cho 1ha. Ảnh: Phạm Huy.

Bà Hoàng Hải Anh cho biết, với mỗi 1 lít phân bón lá hữu cơ Pan có giá 500.000 đồng, có thể phun cho 1ha. Ảnh: Phạm Huy.

Chia sẻ về vấn đề chi phí sản xuất khi sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, bà Hoàng Hải Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang cho biết, mỗi 1 lít phân bón lá hữu cơ Pan có giá 500.000 đồng, có thể phun cho 1ha, là mức giá hợp lý cho nông dân.

“Bên cạnh việc mang lại hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến. Các nghiên cứu khoa học có tốt đến đâu cũng trở nên vô nghĩa nếu nông dân không thể tiếp cận và ứng dụng vào thực tế do chi phí quá cao”, bà Hoàng Hải Anh bày tỏ.

Mặt khác, khi sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, nông dân sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất khi giảm được 30% lượng phân bón vô cơ so với sản xuất thông thường. Việc sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp người dân giảm tối đa lượng thuốc BVTV hóa học.

“Năng suất vụ mùa 2022 của mô hình tại huyện Bình Lục được dự báo tăng 25%, còn với mô hình tại huyện Thanh Liêm là 30%. Qua đó, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Đó là một con số không hề nhỏ đối với người dân”, bà Hoàng Hải Anh chia sẻ thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy (trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng trực tiếp tham quan mô hình. Ảnh: Phạm Huy.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy (trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng trực tiếp tham quan mô hình. Ảnh: Phạm Huy.

Trực tiếp tham quan mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan trên cánh đồng lúa xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ghi nhận và đánh giá cao kết quả mô hình đã đạt được.

Ông Vượng cho biết, hiện nay, tỉnh Hà Nam đang hướng tới phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, bền vững và nông nghiệp thông minh. Do đó, để phát huy hiệu quả của mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam đề nghị Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang tiếp tục thí điểm mô hình trong các vụ tiếp theo.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đóng góp, khuyến cáo của các nhà khoa học cũng như sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT; khắc phục những hạn chế và cân đối tỷ lệ phân bón vào ứng dụng kỹ thuật cho phù hợp, đảm bảo mô hình phát triển theo hướng bền vững.

“Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh mang lại hiệu quả về năng suất, kinh tế, xã hội, mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Pan còn giúp cải thiện môi trường, qua đó góp phần giúp Hà Nam đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ”, ông Nguyễn Đức Vượng đánh giá.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

Bình luận mới nhất