| Hotline: 0983.970.780

Phận cửu vạn và đời thuyền nhân

Thứ Năm 20/01/2011 , 12:15 (GMT+7)

Bến đầu tiên chúng tôi ghé là Tà Phù, xã Liên Hòa (Mộc Châu, Sơn La). Chợ đường sông đa số họp ngay ở bến thuyền. Cửu vạn lũ lượt gùi hàng nặng ngược dốc. Thương hồ tất bật đóng cọc, dựng sạp, chăng dây.

Bến đầu tiên chúng tôi ghé là Tà Phù, xã Liên Hòa (Mộc Châu, Sơn La). Chợ đường sông đa số họp ngay ở bến thuyền. Cửu vạn lũ lượt gùi hàng nặng ngược dốc. Thương hồ tất bật đóng cọc, dựng sạp, chăng dây.

>> Những kỷ lục thuyền chợ
>> Thương hồ một dải Đà giang

Anh Mạnh cắm điện cho chiếc biển “Mua bán điện thoại” trên nóc tàu nhấp nháy, mời gọi. Chẳng mấy chốc có thêm một thuyền chợ khác cũng cập bến Tà Phù và một thuyền nhỏ chở khách từ mạn Đà Bắc (Hoà Bình) sang. Những chiếc loa công suất lớn bắt đầu phát ra rả để bản xa, bản gần biết. Bùi Duy Mạnh cùng hai người thân trong gia đình ở Lắn vượt 6 km đường dốc với 6 con ngựa thồ, mỗi con lúc lỉu 2 bao tải ngô. Năm nay ngô xấu, mất mùa, hạt cứ lưng lửng lép và kẹ nên dù được giá 5.000đ/kg vẫn chẳng ăn thua.

Khác với Tà Phù là chợ lẻ chỉ có 2 thuyền cập bến, hang Miếng là chợ chung vốn được coi là miếng bánh ngon nhất trong chợ tuyến trung với 5 thuyền góp mặt. Ngoài mua hàng, dân bản xứ còn đem các loại dược liệu như vỏ nhớt, củ ba mươi, lá khôi ra bán đổi. Chẳng biết do mưa phùn giá rét hay do thất bát mùa ngô mà chợ vắng teo. Tiếng thở dài sượt từ triền dốc lan xuống tận khoang thuyền. Nhìn đám lợn con cắn nhau, đuổi phá chuồng rầm rầm, anh Hùng bực mình cầm đòn gánh chọc lấy chọc để. Trên 30 con lợn giống Móng Cái ế xưng dù cơ chế bán hàng rất thoáng, bảo hành 10 ngày không chết, ốm yếu thì một đổi một.

Ế thì ế, anh Hùng vẫn phải đun nước nóng, nấu cám sốt cho chúng ăn bởi trời rét chết một con cầm chắc mất lãi cả đàn. Cả thuyền ai nấy mặt héo như dưa cải một nắng, chỉ có bé Hoài là hồn nhiên mút chùn chụt chiếc túi nylon bố đưa cho rồi ngủ tự lúc nào. Lại lục tục dọn hàng sang chợ Song Khủa.

Người buôn bán vốn hay sính lễ. Đầu năm đi đền Bờ, đền hang Miếng “vay tiền” thần thánh, cuối năm lại đến trả lễ cho người nhà trời. Thế mà năm nay cận Tết chợ vẫn vắng ngơ, vắng ngắt. Bà Cúc, một trong những người bám chợ lâu nhất, nhàn rỗi kể với tôi lúc đầu sông Đà chỉ có tuyến chợ từ Kênh ra Hạt rồi chợ bò dần lên Kế, hang Miếng, Khủa, Vạn Yên, Chiềng Hoa, Tạ Pú… Có những chợ chung tấp nập người bán, kẻ mua như hang Miếng, Vạn Yên nhưng cũng có chợ như chợ Hạt thương hồ chỉ rải hàng ra sạp kiểm xem thừa thiếu gì không chứ ít khi bán nổi một vài món.

Có những ngày thuyền cập bến 3 chợ, sáng sớm chợ Bưng, trưa ra chợ Trai, tối về bản Ba. Sông nước vô tình, nhiều thương hồ sinh nghề, tử nghiệp ngay trên thuyền vì cảm, vì chết cháy, chết đuối hay tai nạn…Dưới nước, không thể dựng miếu, đắp gò như trên bờ, qua mỗi chỗ có người tử nạn chỉ còn biết ngậm ngùi cho một kiếp mưu sinh.

Đang co ro, ngon giấc vì chung chăn với Luân, tôi bị dựng thốc: “Dậy dậy, mổ lợn đi Luân”. Thì ra một người ba toa nhầm gà hóa cuốc. Luân là cửu vạn chuyên nghiệp nhưng rất đa năng. Mờ sáng, chọc tiết lợn, pha thịt, khiêng bàn, mỗi con được 25.000đ. Bảnh mắt vác hàng ngược dốc cho các bà buôn chuyến. Trưa, tòng teng trên chiếc ghế đẩu cao ngất nghểu, vặn vô lăng lái tầu. Chiều phụ giúp anh Mạnh bán hàng, đón khách. Tối hí hoáy nhặt rau, nấu cơm.

“Em đi cửu cũng được 7-8 năm rồi, chứng kiến nhiều cảnh nhưng kinh nhất là đợt lũ năm 2004 thấy đúng 7 cái xác trôi sông từ mạn ngược cập sát thuyền. Những cái xác đã trương phềnh to như con bò mộng, có cái sóng đánh rụng cả đầu nổi lều bều cùng xác gia súc, cùng những thân gỗ to cả mấy người ôm, có đoạn ken đặc đến nỗi đi trên mặt sông như ở đất bằng… Thế mà người trên thuyền vẫn phải lấy nước sông để ăn, uống, tắm giặt bởi không thể có nguồn nào khác thay thế…”.

Cửu Sa Thời, 43 tuổi, quê ở xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc có thâm niên từ 1990. Cứ mười ngày anh được về thăm vợ một buổi. 5 h chiều qua bến hang Miếng bắt đò sang Đồng Ruộng, 6 h sáng lại từ Đồng Ruộng trở về tàu. Một bao tải vải 80 -100kg vác lên xuống của mười mấy lượt chợ trong chuyến đi 7 ngày được trả 70.000đ. Đã là phận cửu, cái gì cũng vác một mình trừ lợn và máy nổ nặng quá là phải khiêng. Trên tàu Mạnh Phi có 7 cửu vạn. Tất cả đều là người Tày. Năm tàu chợ tuyến trung cũng như cả chục tàu chợ tuyến dài, tuyến ngắn đều rặt cửu vạn người Tày. Chỉ có họ mới chịu khổ, chịu cực, mới đủ sức vác hàng nặng cả tạ.

+ Buổi chuẩn bị họp chợ gấp, ngủ dậy cuống cuồng mắt nhắm, mắt mở đập mặt vào chân giò, thủ lợn giăng giăng. Nấu vội nấu vàng một nồi cháo đại đổ ra chậu thau cho nguội nhanh rồi mỗi người một cái bát vục đầu vào ăn cho kịp. Vất vả quá, người buôn gốc thành phố cứ thế rơi rụng dần, giải nghệ dần, chỉ có những người gốc quê mới trụ lại với đời thuyền chợ. Người gần thì quê ở Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, người xa gốc tận trong xứ gió Lào cát trắng.

+ Hàng thuyền chợ cái gì cũng có từ kim, chỉ, quần áo trẻ con đến đầu đĩa, ti vi, con giống, thuốc sâu, thuốc tây, bao cao su, “kẹo đất” không vỏ bọc đến lợn sề không đẻ được, khi mổ phải cắt ti, lợn cà không còn khả năng làm dịch vụ lúc giết bị xẻo “súng ống”... Hàng bày ra chẳng “ra ngô ra khoai” gì nửa sạp ngô giống nửa sạp thịt, nửa sạp thuốc BVTV nửa sạp tạp hóa, nửa sạp thuốc tây nửa bán kèm mì chính, đường sữa.

Cửu được ở miễn phí trên tàu nhưng bù lại phải quét dọn, trông hàng, trông thuyền. Mất mát thứ gì cứ xuất tiền túi ra mà đền. “Ốm nặng về nhà điều trị, ốm nhẹ thì tự uống thuốc. Hàng sắt như dao, rìu, búa, phụ tùng máy nổ là vác dễ nhất vì gọn mà chỉ khoảng 50-60kg một làn, chứ hàng vải họ nhét cả tạ một bao là bình thường. Chủ thường tham đóng hàng nặng cho đỡ công vận chuyển. Đáng lẽ ba bao họ dồn vào hai bao, có bao tôi vác kỷ lục đặt lên cân được 113 kg. Đời cửu sợ nhất là bị ngã. Có lần rướn sức tôi bị ngã trẹo cả chân ở bến Kênh mất cả tuần nằm nhà bóp thuốc".

Khắp tuyến thuyền chợ ngắn dài, hầu như không ai không biết đến danh cửu Lộc với sức khỏe bạt sơn, cử đỉnh, với thân hình đồ sộ cỡ 1m80, nặng trên 80 ký, cơ bắp xoắn cuộn như chạc như dây. Vốn là thủy thủ HTX vận tải Quyết Tiến, về sau ngành đường thủy phá sản, ông chuyển sang làm cửu, vác hàng từ thời bao cấp. Sức khỏe của cửu Lộc trở thành một huyền thoại sống. Cả đoàn thuyền thương nghiệp xuôi ngược chở hàng đến các cửa hàng tuyến xã, trọng tải không dưới 15-20 tấn, một mình ông vác băng băng, mà toàn vác ngược dốc lên tận đỉnh núi. Vác nhiều, vác nặng đến nỗi bàn chân ông to bè, không xỏ vừa bất kỳ đôi giầy dép nào, quanh năm chân đất. Da gan bàn chân ông dầy đến nỗi lúc ông ngủ nhiều người nghịch ngợm lấy dao xẻo ra những miếng u, miếng chai dày cả xăng ti mét mà chưa hề chạm tới thịt, không nhỏ một giọt máu.

Hồi đó những con thuyền trọng tải vài chục tấn chưa được trang bị máy lùi, cứ phăm phăm rẽ nước lao vào bờ ông chỉ cần dùng chiếc sào tre cỡ lớn, tì chặt xuống bùn. Cây sào cong như cần câu dính cá cả, con thuyền bị hãm lại, cập bờ an toàn ngay tắp lự. Những bao hàng nặng tạ rưỡi hay cả phi trăm lít dầu ông cũng cõng nhẹ như không. Làm hăng nổi tiếng nhưng cũng uống rượu như hũ chìm, sức khỏe sớm rời bỏ cửu Lộc. Chẳng mấy chốc cuộc đời cũng rời bỏ ông luôn. (Còn nữa)

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.