| Hotline: 0983.970.780

Phản hồi bài "Lấy tiền Chính phủ hỗ trợ đất lúa làm giao thông?"

Thứ Năm 23/05/2013 , 10:33 (GMT+7)

Sau khi báo đăng, UBND huyện Giồng Riềng có Công văn số 168/UBND-VP, do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Cơ ký ngày 13/5/2013, phúc đáp về việc báo nêu.

Ngày 17/4, NNVN đăng bài: “Kiên Giang: Lấy tiền Chính phủ hỗ trợ đất lúa làm giao thông?”, phản ánh việc xã Vĩnh Phú (Giồng Riềng) thu 400.000 đ/ha đất lúa để làm giao thông nông thôn (GTNT). Tuy nhiên, nếu hộ nào chưa có điều kiện đóng thì xã cho đăng ký, khi nào có tiền Chính phủ hỗ trợ (theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất lúa) sẽ nhận rồi đóng lại cho xã.

>> Lấy tiền Chính phủ hỗ trợ đất lúa làm giao thông?

Sau khi báo đăng, UBND huyện Giồng Riềng có Công văn số 168/UBND-VP, do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Cơ ký ngày 13/5/2013, phúc đáp về việc báo nêu.

Theo đó, UBND huyện Giồng Riềng rất cảm ơn NNVN đã cử phóng viên đến địa phương nắm bắt tình hình và đưa tin những sự kiện mang tính chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong quá trình vận động vốn xây dựng GTNT, một trong những chỉ tiêu quan trọng mà địa phương rất quan tâm trong Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Qua nội dung bài báo, chiều ngày 24/4, UBND huyện Giồng Riềng đã có buổi làm việc với Đảng ủy, UBND, các ban ngành, lãnh đạo các ấp và 2 hộ dân (trong đó có một hộ dân có tên trong bài báo nêu) của xã Vĩnh Phú để nắm tình hình.



Thông báo và biên lai thu tiền theo diện tích đất lúa được UBND xã Vĩnh Phú 
gửi cho người dân

Trong công văn phúc đáp, UBND huyện Giồng Riềng cho rằng bài báo có những điểm chưa khách quan và chưa chính xác. Như việc báo nêu: “Nhiều người dân bức xúc cho biết, nông dân làm lúa đời sống rất khó khăn, bây giờ được Chính phủ quan tâm hỗ trợ cho ít vốn làm ăn lại bị địa phương xẻo hết”, là chưa khách quan. Bởi hiện nay qua công tác tuyên truyền vận động đã có trên 89% hộ dân làm bản đăng ký đóng góp.

Chúng tôi thấy rằng những nông dân mà phóng viên gặp, trao đổi đều khẳng định nhiều người dân không đồng tình với việc đóng góp này nhưng vì sợ bị làm khó khi đến giao dịch hành chính ở xã nên đành ký vào bản đăng ký.

Về tít bài báo “Kiên Giang: Lấy tiền Chính phủ hỗ trợ đất lúa làm giao thông”, trong công văn phản hồi, UBND huyện cho rằng không đúng sự thật. “Vì thời điểm báo nêu số tiền hỗ trợ 500.000 đ/ha theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất lúa của Chính phủ chưa được chuyển về địa phương thì làm gì có chuyện lấy tiền Chính phủ hỗ trợ làm giao thông”. Đúng là UBND huyện không có chủ trương lấy tiền Chính phủ hỗ trợ hay các khoản khác để trừ vào khoản đóng góp. Nhưng theo bài báo là một số xã đã “linh hoạt” họp dân thông báo sắp tới sẽ được Chính phủ hỗ trợ 500.000 đ/ha, nên ai có tiền thì đóng trước, còn ai chưa có điều kiện thì khi có tiền hỗ trợ sẽ đóng cho xã sau.

Khi thực hiện bài viết này, phóng viên cũng đã trao đổi với lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang và được biết hiện mới đang triển khai nên tiền hỗ trợ chưa về đến xã. Do đó, khi viết bài phóng viên không khẳng định mà chỉ đặt nghi vấn (có dấu chấm hỏi ở cuối câu). Hơn nữa, khi trao đổi với phóng viên, chính ông Lê On, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú cũng khẳng định: “…những hộ chưa có khả năng đóng góp thì chờ khi nào có tiền Chính phủ hỗ trợ thì đóng luôn. Chúng tôi cũng đã đã chỉ đạo cho dân đăng ký xin được hỗ trợ tiền này (tiền Chính phủ hỗ trợ) để làm giao thông và có báo qua huyện biết. Chờ khi nào có tiền thì kêu dân lên nhận… (để đóng)”.

Công văn cũng cho rằng, mặt khác theo báo nêu “nhiều người dân ở xã Vĩnh Phú cho biết họ bị chính quyền “ép” phải đóng tiền khi đến làm hồ sơ” là chưa đúng thực tế. Bởi qua buổi làm việc với lãnh đạo xã Vĩnh Phú và các hộ dân (thực tế là chỉ có 1 hộ dân), có sự chứng kiến của lãnh đạo UBND huyện ai cũng khẳng định điều này là không có. Đặc biệt Huyện ủy, UBND huyện nghiêm cấm bất cứ hình thức ràng buộc nào đối với người dân trong việc vận động xây dựng GTNT. Và “mức đóng góp cụ thể là do nhân dân tự bàn bạc, thống nhất và tự nguyện đăng ký, phương thức đóng góp do nhân dân tự lựa chọn, huyện tuyệt đối không chủ trương áp đặt, không khấu trừ bất cứ khoản tiền nào của dân”.

Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên nhiều người khẳng định họ bị lãnh đạo xã bắt buộc phải đóng tiền thì mới ký giấy tờ. Nếu không đóng thì xã không giải quyết các giấy tờ hành chính (theo người dân phản ánh thì lãnh đão xã còn thách thức người dân đi thưa lên cấp trên). Và thực tế đã có hộ bị lãnh đạo xã “bắt chẹt” buộc phải đóng tiền mới được ký giấy tờ vay vốn sản xuất như bài báo đã nêu.

Như vậy, trong bài báo phóng viên hoàn toàn không có đoạn nào nói chủ trương của huyện Giồng Riềng là sai mà chỉ nêu những bức xúc của người dân và phản ánh cách làm chưa đúng của chính quyền cấp xã để kịp thời chấn chỉnh.

Trong công văn, UBND huyện Giồng Riềng cũng mong rằng thời gian tới, Báo NNVN có sự phối hợp chặt chẽ hơn với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện để có những thông tin chính xác, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của huyện trong Chương trình MTQG về xây dựng NTM.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất