| Hotline: 0983.970.780

Phản khoa học và xảo trá!

Thứ Hai 10/06/2013 , 11:15 (GMT+7)

Thật hết biết, vì lợi nhuận mà các DN SX phân bón lá quảng cáo “bón” được qua mặt cạo (thân cây) để kích thích mủ cao su. Nghe hết sức phản cảm, phản khoa học nhưng lại được bán rộng rãi trên thị trường. Cơ quan chức năng đâu rồi?

Thật hết biết, vì lợi nhuận mà các DN SX phân bón lá quảng cáo “bón” được qua mặt cạo (thân cây) để kích thích mủ cao su. Nghe hết sức phản cảm, phản khoa học nhưng lại được bán rộng rãi trên thị trường. Cơ quan chức năng đâu rồi?

Cùng với các công ty đại điền, các nhà vườn cao su tiểu điền đang bước vào vụ khai thác, do phần nhiều trồng manh mún nhỏ lẻ với qui mô từ 0,5-2 ha, hầu hết cạo theo chế độ D2 (1 ngày cạo, 1 ngày nghỉ), trong khi các công ty cao su cạo theo chế độ D3 (1 ngày nghỉ, 2 ngày cạo). Lâu nay, để gia tăng sản lượng mủ trên diện tích canh tác, các nhà vườn thường sử dụng thuốc kích thích bôi trên mặt cạo, nhiều người quen gọi đó là ethylen.

Thế nên, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc kích thích dưới nhiều tên thương mại khác nhau như Bio quét, Vinafon, Rồng Phun G, Kinafon, Zura 1, ETH Xanh, Forgrow, Sagolatex... Trong đó, đáng chú ý không ít sản phẩm thực chất là phân bón lá, nhưng lại được “nổ” là thuốc kích thích bán với giá rất cao từ 75-120 ngàn/chai 500ml. Nhiều nhà vườn sử dụng vừa tốn tiền, tốn sức, mặt cạo cây cao su còn bị chai, năng suất mủ thấp.


Sản phẩm “Rồng phun G” là phân bón lá “bôi” trên mặt cạo

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, cũng là một chủ đại lý VTNN cấp 2 tại địa phương thừa nhận, năm trước một đại lý cấp 1 ở TX Đồng Xoài đưa xuống cho ông sản phẩm “Rồng Phun G” của Cty TNHH Rồng Đại Dương (114/4 ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chai màu vàng dung tích 500 ml, bán giá 70 ngàn.

Cứ 1 chai dùng cho 1 ha. Trên bao bì ghi chữ “phân bón lá” nhỏ xíu nhưng được quảng cáo là bôi trên mặt cạo kích thích sản lượng mủ và phòng ngừa bệnh loét sọc miệng cạo, khô mặt cạo. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhiều nông dân phản ảnh là không có hiệu quả nên đại lý ông đã ngưng mua bán sản phẩm trên.

“Năm nay, nghe nói có một sản phẩm khác là Zura 1, cũng bôi qua mặt cạo làm tăng sản lượng mủ, tuy nhiên khi biết nó là phân bón lá giống như “Rồng Phun G” thì tôi không nhận vì quá ngán mấy loại phân bón lá nhập nhằng với thuốc kích thích mủ lắm rồi” - ông Thành nói. Vậy “Zura 1” là gì?

Ông Quách Thành Trà, một nhà vườn ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước trồng 1,5 ha cao su khai thác đã được 3 năm nay cho biết, cách đây 4 tuần ông bắt đầu mở miệng cạo cây cao su, nghe đại lý cấp 2 quảng cáo về một sản phẩm có tên Zura 1 nói ghi trên bao bì “loại đặc biệt” kích thích mủ cao su rất tốt (siêu mủ) dạng lỏng đựng trong chai nhựa dung tích 500 ml giá bán 120 ngàn đồng.

Theo hướng dẫn, 1 chai sử dụng cho 1 ha cao su. Tuy nhiên, khi mang về dùng thử trong thời gian 3 tuần đầu tiên, nhận thấy kết quả không như quảng cáo, trái lại vết cạo có dấu hiệu bị thâm nên ông ngưng.

Ngày 5/6, chúng tôi mang trực tiếp sản phẩm “Zura 1” này đến Chi cục BVTV tỉnh Bình Phước để kiểm chứng. Sau khi đọc kỹ thành phần ghi trên bao bì gồm đa lượng N, P, K và các yếu tố khác như “thuốc bổ” Linoleat, Glutamin, vi lượng như S, Mn, Cu, Co do công ty TNHH An Lạc Thành (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) sản xuất và công ty TNHH TM-DV Hưng Điền (95/37 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) phân phối, ông Trần Ngọc Kinh (Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh), nói ngay: “Đây đích thị là phân bón chứ không phải là một hóa chất gì đặc biệt cả, nói “bôi” qua vỏ cây để kích thích mủ thì vô lý quá. Bởi phân bón lá chỉ phun qua lá hoặc bón vào gốc cây mới có tác dụng. Còn nếu DN nói có công dụng kích thích mủ thì chỉ “pha chui” thêm hoạt chất ethrel (kích thích mủ - PV), mà làm vậy là sai pháp luật do không đúng với thành phần đã ghi trên bao bì”.


Sản phẩm Zura 1 cũng là phân bón lá với thành phần ghi toàn là “thuốc bổ” và các yếu tố đa, vi lượng cũng được quảng cáo “bôi” trên mặt cạo để kích thích mủ (cao su)

Hôm 6/6, chúng tôi tiếp tục kiểm tra lại sản phẩm này có tên trong danh mục không thì được anh Cao Việt Hưng (Phó phòng Sử dụng đất và phân bón - Cục Trồng trọt) xác nhận là có nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN-PTNT lưu hành từ năm 2008 nhưng với tên gọi đăng ký chính xác là “Zura-01” và đến tháng 10 năm nay là hết hạn.

Cũng theo anh Hưng, trên bao bì ghi “Zura 1” là sai, còn ghi thêm “loại đặc biệt”, hỗ trợ ra mủ cao su (siêu mủ) là càng sai so với nội dung đăng ký ban đầu. “Rõ ràng đây là hành vi cố ý ghi sai nhãn hàng hóa rồi” - anh Hưng nhấn mạnh.

Điều đáng nói là, lẽ ra 2 sản phẩm nói trên phải được đăng ký bên danh mục thuốc BVTV mới đúng, bởi nó được quảng cáo như một loại thuốc kích thích, nhưng tại sao lại đăng ký bên danh mục phân bón? Ông Mai Xuân Trúc (GĐ Cty CP Mai Xuân VL-TP.HCM, chuyên SX phân bón lá) cho biết, qui trình đăng ký một sản phẩm phân bón lá mất khoảng 6 tháng, kinh phí trọn gói (khảo nghiệm, làm hồ sơ) tốn kém chừng 20-30 triệu đồng/sản phẩm.

Trái lại, đối với thuốc BVTV, theo ông Quách Thành Đồng (PGĐ Cty CP Nông dược HAI - quận 1, TP.HCM) muốn đăng ký 1 sản phẩm vào danh mục phải mất 2 năm, đầu tiên là nộp hồ sơ, nếu Cục BVTV đồng ý thì cấp giấy phép cho DN khảo nghiệm, sau đó DN ký hợp đồng với đơn vị khảo nghiệm do Cục chỉ định gồm 8 diện hẹp, 2 diện rộng.

Lúc nào được Hội đồng thông qua thì Cục BVTV mới cấp phép. Chi phí khảo nghiệm một sản phẩm thuốc BVTV từ 100-140 triệu đồng, trong đó cây công nghiệp như cao su là 100 triệu, trên cây lúa, cây ăn quả khoảng 140 triệu. Đó là chưa tính các khoản đi lại, chi phí khác nữa.

Rõ ràng, lợi dụng vào “kẽ hở” này mà một số DN nói trên SX phân bón lá để đưa vào danh mục phân bón với thời gian cho phép ngắn hơn, chi phí rẻ hơn, nhưng lúc đưa ra thị trường tiêu thụ thì “biến hóa” cố tình ghi sai nội dung đăng ký, quảng cáo “đại ngôn” bất chấp qui định pháp luật như một loại thuốc BVTV để “móc túi” bà con nông dân cao su tiểu điền. Liệu các ngành chức năng có “suy nghĩ” gì về vấn đề này không?

+ “Trên thế giới, đến nay chưa có loại thuốc nào phòng và điều trị khô mặt cạo (cao su) cả. Trong khi đó, trên thị trường xuất hiện đủ loại sản phẩm từ phân bón lá cho đến thuốc kích thích cũng quảng cáo là phòng ngừa được bệnh khô mặt cạo. Đây là cách quảng cáo phản khoa học của DN để bán được hàng nhưng sẽ gây ngộ nhận dẫn đến thiệt hại cho các nhà vườn cao su về lâu dài” (TS Nguyễn Anh Nghĩa, Trưởng bộ môn BVTV, Viện Nghiên cứu Cao su VN)

+ “Trên thị trường có cả 100 “thằng” như tôi, sản phẩm Zura 1 đã được đăng ký vào danh mục của Bộ NN-PTNT được phép lưu hành trên thị trường nên không có gì sai cả. Tôi trước đây cũng làm báo Đảng tỉnh Long An đây...” (ông Nguyễn Phú Năng, GĐ Cty TNHH TM-DV Hưng Điền)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.