| Hotline: 0983.970.780

Phân lân nung chảy Văn Điển cho cây cà phê Tây Nguyên

Thứ Năm 07/08/2014 , 08:03 (GMT+7)

Bón phân lân nung chảy Văn Điển có tác dụng duy trì độ màu mỡ của đất thông qua các chỉ tiêu như pHKCL, canxi, mage trao đổi, duy trì dung tích hấp thu hiệu dụng...

Hơn 20 năm qua, các nhà khoa học thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành nhiều nghiên cứu hiệu lực phân lân nung chảy Văn Điển đối với cây cà phê vối trên đất đỏ bazan, đất xám gnai. Các kết quả nghiên cứu đã được báo cáo trong nhiều hội thảo, đăng trên các tạp chí khoa học và được khuyến cáo SX rộng rãi.

ĐẶC ĐIỂM ĐẤT TRỒNG

Diện tích đất canh tác cà phê ở Tây Nguyên khoảng 550.000 ha, chủ yếu trên đất đỏ bazan có đặc tính vật lý điển hình tầng canh tác dầy, cấu tượng đoàn nạp thể bền vững, độ tơi xốp cao (60 - 65%), dung trọng thấp (0,8 - 1,0) thoát nước nhanh, thoáng khí, khả năng giữ ẩm khá.

Song hàm lượng các chất dinh dưỡng khoáng trong đất bazan thường không cao, đặc biệt là hàm lượng lân dễ tiêu, kali dễ tiêu đều nghèo, hàm lượng các nguyên tố vi lượng như Bo, sắt, kẽm, đồng... Rất cần thiết cho cây cà phê để tạo ra chất lượng cao lại rất thiếu. Hầu hết đất bazan trồng cà phê ở Tây Nguyên đều chua pH < 4,5, do quá trình rửa trôi mạnh và bón các loại phân chua thời gian dài đã làm mất đi các cation kiềm canxi, magie và các chất vi lượng.

Kết quả nghiên cứu từ năm 1990 - 2013 về dinh dưỡng cho cây cà phê vối của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy: Trên đất bazan, hiệu suất của 1 kg P2O5 (dạng lân nung chảy Văn Điển) tăng khi bón trên nền phân chuồng. Ở nền phân chuồng bón 1kg P2O5 đạt được từ 31,6 - 33 kg cà phê nhân, tăng 10,7 - 11,22% so với đối chứng không có phân chuồng.

Phân lân nung chảy Văn Điển được SX từ quặng apatít loại 1, 2 dạng cục trộn với một tỷ lệ quặng Secpentin kiềm tính có chứa magie, canxi, silic và các chất vi lượng được nung lên ở nhiệt độ 1.450 độ C hỗn hợp chảy lỏng rồi được tháo ra và làm lạnh đột ngột bằng nước, cho ra nguyên liệu bán thành phẩm phân lân, sau đó sấy khô, sàng, nghiền, đóng bao, xuất xưởng.

Trên đất xám gnai, bón phân chuồng hiệu suất 1kg P2O5 đạt từ 29,5 - 31,7 kg cà phê nhân tăng 12,13 - 30,04% so với không có phân chuồng. Như vậy đối với đất xám, xét về giá trị tương đối bón lân nung chảy Văn Điển trên nền phân chuồng có hiệu quả cao hơn so với trên đất bazan. Bón phân chuồng với lượng 20 tấn/ha hiệu suất 1 kg lân nung chảy Văn Điển luôn cao hơn so với nền phân chuồng 10 tấn/ha.

MỐI QUAN HỆ LÂN VĂN ĐIỂN VỚI ĐẠM, KALI

Thí nghiệm được bố trí với 3 lần lặp lại trên hai loại đất (đất nâu đỏ bazan và đất xám gnai). Mỗi ô thí nghiệm 225 m2 (25 cây) gồm 5 công thức: Công thức nền (ĐC) T1 = (250 N + 250 K2O kg/ha); T2 = nền + 50 kg P2O5; T3 = nền + 100 P2O5; T4 = nền + 150 P2O5 và T5 = nền + 200 P2O5/ha.

Theo dõi liên tục trong 3 vụ liền cho thấy: Công thức bón 100 P2O5/ha đạt 3,49 tấn nhân/ha (với tỷ lệ N: P2O5: K2O là 2,5: 1: 2,5) và giảm dần khi bón lượng lân tăng từ 150 - 200 kg P2O5/ha do mất cân đối giữa tỷ lệ đạm lân và kali.

Hiệu suất 1 kg P2O5 đạt cao nhất ở công thức bón 50 kg P2O5/ha (64,2 kg cà phê nhân) và thấp nhất ở công thức bón 200 kg P2O5 (15,6 kg cà phê nhân/1 kg P2O5).

11-12-32_2
Cty Phân bón Văn Điển thường xuyên phối hợp với các đơn vị khoa học tổ chức hội thảo về phân bón tại Tây Nguyên

Trên đất xám gnai, công thức cho năng suất cà phê cao nhất ở mức bón 150 P2O5/ha đạt 3,22 tấn nhân/ha (với tỷ lệ N: P2O5: K2O là 1,7: 1: 1,7) và giảm dần khi bón tăng lượng lân lên 200 kg P2O5/ha. Như vậy, hai loại đất có nhu cầu bón lân khác nhau, trên đất xám gnai lượng lân Văn Điển bón cho cà phê từ 100 - 120 kg P2O5/ha còn trên đất đỏ bazan lượng lân Văn Điển bón cho cà phê từ 80 - 100 kg P2O5/ha.

Phân lân nung chảy Văn Điển có thành phần dinh dưỡng bao gồm: P2O5 dt (tan trong dịch chua của rễ cây) = 15 - 17%, CaO = 28 - 30%, MgO = 15 - 17%, SiO2 = 24 - 30% , các chất vi lượng Fe = 4%, Cu = 0,02%, Mn = 0,4%, Co = 0,02%. B0 = 0,04%, Zn = 0,02%.
Như vậy về giá trị dinh dưỡng thì lân nung chảy Văn Điển là loại phân đa yếu tố gồm đa lượng, trung lượng, vi lượng tổng các chất dinh dưỡng lên đến 98%. Về môi trường sinh thái thì lân nung chảy Văn Điển là loại phân khoáng thiên nhiên thân thiện với môi trường.

Kết quả trên được lý giải phân lân nung chảy Văn Điển cung cấp cho đất đồng thời cùng một lúc 10 yếu tố dinh dưỡng gồm lân là chất dinh dưỡng đa lượng, canxi, mage, silic chiếm 70% và 6 chất dinh dưỡng vi lượng đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây cà phê để tạo năng suất cao đồng thời điều hòa cân bằng dinh dưỡng trong đất.

HIỆU LỰC CẢI TẠO ĐẤT CỦA LÂN NUNG CHẢY VĂN ĐIỂN

Bón phân lân nung chảy Văn Điển có tác dụng duy trì độ màu mỡ của đất thông qua các chỉ tiêu như pHKCL, canxi, mage trao đổi, duy trì dung tích hấp thu hiệu dụng, trong khi đó bón lân ở dạng khác (kể cả dạng lân trong phân hỗn hợp) các chỉ tiêu chất lượng đất có xu hướng giảm dần như canxi, mage đặc biệt độ chua tăng lên.

Nguyên nhân của hiện tượng này có thể giải thích rằng do lân nung chảy Văn Điển có hàm lượng canxi cao 28 - 30% , mage 17 - 20% bón vào đất nhiều năm liền đã hạn chế sự chua hóa của đất duy trì và bổ sung các cation trao đổi (Ca++, Mg++) góp phần nâng cao độ phì nhiêu cho đất.

Do hiệu quả rõ rệt của phân lân, đặc biệt phân lân nung chảy Văn Điển đối với cà phê vối ở Tây Nguyên nên lượng lân sử dụng để bón cho cà phê ngày càng tăng, song năng suất cà phê vẫn có chiều hướng tăng. Nguyên nhân do nông dân ngày càng có xu hướng bón phân lân cân đối giữa đạm và kali.

Các kết quả nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy: đối với cà phê kinh doanh chỉ cần bón liều lượng từ 70 - 100 kg P2O5/ha là có thể đảm bảo năng suất 4 - 5 tấn nhân/ha với điều kiện là tỷ lệ đạm và kali cân đối (N/K2O khoảng 1) việc bón một lượng lân cao không ảnh hưởng rõ đến năng suất cà phê (Trương Hồng và CTV 1995).

Tại tỉnh Đắk Lắk, có hộ sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển bón cho cà phê cao nhất tới 53,5%, các địa phương khác trong vùng tỷ lệ nhà vườn bón phân lân nung chảy Văn Điển từ 35 - 47%. Dự báo, trong thời gian tới việc sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển tiếp tục tăng cao do nhu cầu thâm canh để đạt năng suất và chất lượng cà phê cao tại các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.

(Phó Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên)

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.