| Hotline: 0983.970.780

Phận làng, vận nước

Thứ Tư 06/02/2019 , 14:50 (GMT+7)

Tôi có một làng quê gắn bó đi về như bao nhiêu người. Là một chốn quê nơi đồng bằng Bắc bộ, cũng bình dị như bao nhiêu làng quê khác.

Hai làng, Phú La và Tiến Trật, nằm trên vùng đất được bồi tụ từ phù sa lưu vực sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý gần một ngàn năm, qua bao biến thiên, để thành xã Đô Lương đặt ra từ khi hoạch định địa giới hành chính hồi 1945 đến nay. Hỏi nhau quê đâu, thì nói tên xã, tên huyện, nhưng về quê rồi thì nhận họ, nói tên làng. Phú La và Tiến Trật chỉ cách một con đường nhỏ, một lạch sông, nên chuyện lịch sử, quá khứ từ xa xưa đến nay, vốn nhiều đồng điệu, hòa lẫn với nhau… 

09-33-02_1jpg
Ảnh: N.T.P

Ngay từ ấu thơ, bắt đầu biết nghe, nhìn xung quanh và biết nhớ lại, trong ký ức của tôi in hằn sâu đậm chuyện những người rời làng ra đi: Trong nhà, là chuyện ông bà nội tôi ra Vàng Danh, Cẩm Phả nhặt than rồi về Hải Phòng kiếm sống, là chuyện bố tôi lên chiến khu rồi đi Tây Bắc, là chuyện cậu Vỵ tôi đi bộ đội… Lớn lên thêm, thì biết bên nhà hàng xóm, có những ai ra đi. Thủa nhỏ, thấy những chuyến đi ấy là đi bộ đội, vào chiến trường. Rồi dần lớn lên, thấy nhiều chuyến đi khác, đi công nhân, làm ăn, thoát ly công tác...

Tất nhiên cũng có nhiều người ở lại làng, cày cấy, canh tác, lấy vợ sinh con. Nhưng làng nhỏ bé, không chứa hết được những giấc mơ tạo nghiệp, lập danh, mong ngày nào đó lừng lẫy, hay đơn giản chỉ là thỏa cái chí tang bồng hỉ xả của nhiều người…

Làng là nơi sinh ra và nuôi dưỡng con người, lớn lên tham gia vào chuyển động chung của cả nước. Làng cung cấp lực lượng làm cách mạng, thay cũ đổi mới, cung cấp chiến binh chiến đấu vệ quốc, cung cấp nhân lực dựng xây. Một con người có phận sự với gia đình, dòng họ thế nào, thì làng cũng có phận sự và sự gắn bó mật thiết, nổi chìm vinh nhục với nước như vậy. Vận nước lên thì làng thơ thới, hào sảng, vận nước xuống thì làng tăm tối, cơ hàn…

Trong bao nhiêu người rời làng Tiến Trật, Phú La quê tôi ra đi, rất nhiều người thành danh, lập nên công tích. Ba cha con cụ Đỗ Toàn, Đỗ Toại, Đỗ Cảnh nối nhau đỗ đạt, đều có tên trên bia đá khoa bảng ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám, rồi nối nhau làm quan trong triều. Đến thời Tự Đức, ông Quan Huấn vẫn còn rạng danh. Nhiều nhất trong số người làng tôi ra đi, là làm thầy ở thiên hạ, tên tuổi giờ vẫn còn nhiều lớp con cháu học trò còn nhắc nhớ, như cụ Tú Chung, cụ Tú Vị, cụ Khóa Xuất, cụ Khóa Tuỳnh, rồi các cụ giáo như: Giáo Lộc, Giáo Long, Giáo Đạm, Giáo Bất... Thế nên cổng làng xưa có đắp đôi câu đối: “Đa văn vi Phú La thiên hạ/Tri ngộ như An Lạc tính tình”. Câu đối này có liên hệ sâu xa, làng Phú La thuộc tổng An Lạc, làng Tiến Trật thuộc tổng Thần Khê, cùng phủ Tiên Hưng xưa.

***

Tôi rời làng đi khi mới lên bốn tuổi theo bước chân cha tôi lang bạt kỳ hồ. Đi lúc sáng sớm, bước chân ấu thơ thập thững trên bờ ruộng trơn trượt hun hút, đi mãi, đi mãi trong ánh sáng ban mai ảo mờ, tưởng đến như kiệt sức rồi thì mới thấy con đường cái lớn đón xe ô tô… Mười lăm năm sau, tôi tự tìm về làng. Lần này đã thấy gần hơn, là đi xe đạp trên con đường đất. Sau mưa, bùn quấn chặt hai bánh, phải xuống ruộng rửa rồi dắt vác trên vai đi từng đoạn. Quãng đường 7, 8 cây số, mà mất cả buổi mới tới ngõ nhà ngoại xế bên cổng làng. Tôi nhớ, đêm về lại làng vào khoảng cuối thập niên 70 thế kỷ trước. Chập tối, đèn đóm đã tắt hết, đêm làng đen đặc, yên lặng mênh mông, chỉ rền rĩ côn trùng, ếch nhái… Ngủ một đêm như thế, sáng hôm sau trở dậy, đã muốn nhanh chóng vùng lên đi tiếp.

Bây giờ về làng, thì thật đúng là như tưởng tượng vẽ nên. Từ Hà Nội lái ô tô vào tận sân nhà, chỉ mất non hai giờ. Đường mở ra nhiều hướng. Hướng cũ, từ cầu Nguyễn, từ Tiên Hưng đường 39 cắt về, từ chợ Vĩnh, đường 10 đi sang. Hướng mới từ cao tốc Hà Nội - Hải Dương qua cầu Hiệp, hay từ Hưng Yên theo cao tốc Hà Nam - Thái Bình về. Đường nào cũng thuận tiện, thênh thang…

Làng thôn đã thay đổi trong cuộc chuyển mình, lột xác, mới mẻ. Con đường chạy dọc làng, vốn đã rộng rãi, gần đây, khi xã Đô Lương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, lại được nâng cấp thêm, láng nhựa phẳng lỳ như đường phố lớn. Những đường xương cá dẫn vào các thôn xóm cũng được mở rộng, rồi bê tông hóa. Mỗi thôn một cổng chào dăng đèn kết hoa, đường điện thắp sáng tưng bừng. Rất nhiều những ngôi nhà xây dưới những vòm cây. Làng đã đủ các quán hàng, dịch vụ. Trong nhà là vườn, là quê, bước ra ngõ là gặp phố phường.

Về làng tha thẩn dạo chơi, có thể trò chuyện với nhiều nhân vật. Đó là những con người đã đi qua nhiều biến cố, đã chứng kiến, tham gia vào nhiều đổi thay của đất nước, làng xã, nay trở về quê, sống an nhàn, bình lặng…

09-33-02_lng_phu_l_2
Ảnh: N.T.P

Cuối năm, tôi vào thăm, tặng cuốn sách vừa mới in cho một trong những “nhân vật” như thế. Đấy là ông Đinh Thế Lịch. Ông Lịch là kỹ sư nông nghiệp, đã từng làm trưởng phòng, chuẩn bị đi nước ngoài học để làm tiến sĩ thì được gọi lại, về tăng cường làm chủ tịch huyện Đông Hưng thời “Pháo đài cấp huyện”, sau đó làm giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thái Bình. Khi nghỉ hưu, ông Lịch lên Hà Nội, làm tổng biên tập tờ báo của Hội Làm vườn Việt Nam do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu sáng lập.

Trong câu chuyện của chúng tôi, ông Đinh Thế Lịch kể về những năm tháng làm chủ tịch huyện với những trăn trở, bao nhiêu khó khăn và cả những “liều mạng xé rào” tìm cách khéo léo tạo ra cơ chế để đứng về phía những người nông dân chân lấm tay bùn của thời kỳ ấy. Chủ trương đổi mới đã được hình thành nên từ không chỉ bài học ở Long An, Hải Phòng, từ câu chuyện thời Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc trước đó rất lâu, mà còn được hun đúc từ nhiều thực tiễn ở cấp huyện, xã như ở Đông Hưng, Thái Bình, hồi ông Lịch làm chủ tịch…

Ông Lịch nói: “Nạn đói năm 1945, xã Đô Lương ta có tới 600 người chết đói, có tới 69 gia đình chết hết không còn một người nào cả… Tôi kinh sợ chuyện nông dân trồng lúa mà phải chết đói lắm, rồi những câu chuyện về chính sách sai lầm, dân là trả giá nữa. Vì thế nên phải liều. May mà tôi không hề hấn gì nhiều. Bây giờ đã qua những giai đoạn ấy. Chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn đúng đắn đã tạo nên khởi sắc, nhất là vấn đề xây dựng nông thôn mới. Ta đã nhìn rõ tương lai rồi!”

Mới đây, có mấy nhà văn ở Hà Nội về chơi với ông Lịch. Nhiều câu chuyện cũ được ôn lại. Trong đó, ông “bật mí” chuyện Phùng Gia Lộc, sau khi in bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” trên báo Văn Nghệ, bị lùng sục, phải tá túc nhiều nơi, cuối cùng nhà thơ Bế Kiến Quốc phải đưa anh về nhờ sự “cứu giúp” của chủ tịch huyện Lịch. Ông Lịch đã ngay lập tức ôm lấy Phùng Gia Lộc rồi “bí mật” đưa về làng giao cho vợ con nuôi giấu như nuôi cán bộ thời hoạt động bí mật. Ông “nuôi giấu” Phùng Gia Lộc vì trọng cái tài, cái dũng của anh nhà văn dám lên tiếng cảnh báo sai lầm của chính sách nông nghiệp nông thôn thời ấy.

Ông Lịch chỉ ra sân nhà, có một con cò đang tha thẩn dạo chơi cùng bầy gà vịt, bảo với tôi: “Sân nhà tôi đây, các ông nhà văn Chu Văn, Bút Ngữ, Nguyên Ngọc, Tô Hoài cùng nhiều người nữa đã từng ngồi trò chuyện cùng chúng tôi. Nhiều chuyện trơn trở lắm, có thể viết được thành sách hay”.

Hỏi chuyện con cò thì biết, ông Lịch mua nó từ đám đánh bẫy, mang về chăm bẵm, cho ăn, rồi thả ra, nó ở lại luôn, không bay đi nữa. Thật đúng là chuyện “đất lành cò đậu” rồi.

Tôi nói: “Cũng đã có dịp em đưa các nhà văn Ma Văn Kháng, Xuân Thiều, Nguyễn Đức Mậu và cả mấy nhà văn trẻ đình đám nữa về làng uống rượu. Nghe chuyện làng, rồi đi thăm thú bao dấu tích của người xưa, của lịch sử ở làng mình, ai cũng bảo em rất nên viết một cuốn sách. Giờ vận nước đã khá rồi, phận làng cũng sáng ấm lên theo, chắc phải thu xếp thời gian để viết sách ấy thôi!”.

Phú La, tháng 1/2019

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Tiền đạo Đình Bắc báo tin không vui

Tiền đạo Nguyễn Đình Bắc có nguy cơ phải nghỉ hết vòng bảng giải U23 châu Á 2024 vì chấn thương cổ chân.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm