| Hotline: 0983.970.780

Phận loòng coòng, chắt chắt...

Thứ Ba 23/08/2011 , 09:51 (GMT+7)

Nhiều cư dân của Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (Quảng Trạch, Quảng Bình) không có ruộng vườn, nhà cửa ở quê. Chiếc thuyền nhỏ vừa là nhà vừa để rong ruổi, phiêu bạt đánh bắt cá mưu sinh.

Chị Luyến: “Gắng làm cho được mọt rổ chắt chắt để bán được hai chục ngàn đồng”

Ở làng Cồn Sẻ - một trong những làng nổi trên sông Gianh, thuộc xã Quảng Lộc (Quảng Trạch, Quảng Bình) có hơn 3.000 nhân khẩu sinh sống. Nhiều cư dân của Cồn Sẻ không có ruộng vườn, nhà cửa ở quê. Chiếc thuyền nhỏ vừa là nhà vừa để rong ruổi, phiêu bạt đánh bắt cá mưu sinh.

>> Chìm nổi giữa dòng Gianh 

"Ông và cha tôi cũng... loòng coòng"

Từ làng nổi Cồn Nâm chúng tôi đi ngược dòng bắt gặp nhiều con thuyền có người ngồi phía sau lái, chèo thuyền bằng 2 chân lầm lũi. Ông Thân, người dân Cồn Nâm xung phong lái đò đưa chúng tôi đi trên sông Gianh, nhìn một lúc rồi quay lại nói với tôi: “Thuyền của dân loòng coòng đó".

 Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, ông giải thích: “Loòng coòng là tên gọi chung cho những người làm nghề đánh cá trên sông Gianh. Công cụ dùng để bắt cá là chiếc lưới đan bằng những sợi cước rất mảnh, chiều rộng khoảng một mét còn chiều dài cả trăm mét. Sau khi thả lưới xuống sông, hai tay cầm dùi gõ vào mạn thuyền tạo nên âm thanh nghe loòng coòng, loòng coòng. Tiếng động này nhằm đuổi cá chạy vướng vào lưới, vì vậy mà họ có biệt danh là loòng coòng. Có chi lạ mô”.

Bẻ lái cho thuyền đi sát một “gia đình loòng coòng”, ông Thân kêu ơi ới và giới thiệu để làm quen. Trên chiếc thuyền rộng hơn mét, dài chừng bảy, tám mét mà trong khoang chứa hơn chục người. Ngoài vợ chồng của chủ “nhà” Nguyễn Văn Định và Nguyễn Thị Phương là người lớn, còn lại một đám con nít ngang đầu nhau. Thấy người lạ, mấy đứa nhỏ vừa ngơ ngác vừa sợ hãi núp vào trong khoang thuyền. Cha mẹ chúng cũng ngơ ngác không kém, rồi rụt rè tiếp chuyện.

Định năm nay chừng 40 tuổi (vì anh không nhớ chính xác tuổi của mình) nhưng già nom suýt soát 50. Vừa xếp dọn mấy thứ đồ linh tinh để lấy chỗ cho khách ngồi, anh Định rù rì kể: “Ông nội và cha tôi cũng là cư dân loòng coòng. Quê ở Cồn Sẻ nhưng không mấy khi về vì từ khi sinh ra đã lênh đênh theo cha mẹ đánh bắt cá trên sông Gianh rồi”. Năm 16 tuổi, Định lấy vợ. Năm sau, cha anh dồn tiền sắm cho hai vợ chồng trẻ con thuyền nhỏ và coi như của hồi môn để vợ chồng Định ra ở riêng.

Khi sinh con đầu lòng, anh Định đổi con thuyền nhỏ lấy con thuyền lớn hơn và tồn tại cho đến tận bây giờ. Cũng trên con thuyền này, 9 đứa con đã lần lượt ra đời. Thằng con trai đầu, năm nay 17 tuổi đã có vợ từ... năm ngoái. Cũng năm ngoái khi vợ anh Định sinh đứa con thứ 9 thì bên thuyền kia, đứa con dâu cũng trở dạ. Trước đây, gia đình cũng gửi con về quê cho đi học nhưng được mấy năm thấy khó khăn quá nên đành thôi, cho xuống thuyền theo nghề sông nước.

Thuyền cứ rê theo dòng sông. Vừa nói chuyện anh Định vừa nhanh tay kéo lưới. Thi thoảng mới có được con cá mại bằng ngón tay dính lưới, quẫy mình ánh bạc sáng lên dưới nắng. Anh Định nói như kể: “Hồi trước cá nhiều, có đêm bắt được vài yến, còn bữa ni thì khó lắm, vất vả cả đêm lẫn ngày cũng chỉ kiếm được một, hai cân, bán được vài chục ngàn, đủ mua gạo sống qua ngày. Chiếc thuyền ni cũng nát lắm rồi, không biết lấy chi mà thay cái mới. Thằng cu Nậy (con thứ 2 của anh Định), năm ni cũng qua tuổi 16 đang réo đòi lấy vợ nữa đó".

Ái ngại cho "gia đình loòng coòng” thật, nhưng chúng tôi cũng không biết động viên được câu gì. Ông Thân lại bẻ lái rẽ theo hướng khác. Con sông Gianh dài miên man như thế nhưng cũng chỉ có một khúc là sinh sản ra một đặc sản lưu truyền từ muôn đời. Đó là con chắt chắt. Trông gần giống con hến nhưng chắt chắt chỉ bé khoảng bằng hạt đậu. Mùa chắt chắt ngon nhất là vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm (nhưng vì miếng cơm manh áo nên hầu như người ta khai thác quanh năm). Một khúc sông từ xã Quảng Hải ngược lên thượng nguồn dài khoảng bảy, tám cây số rộn rã khi đến mùa cào chắt chắt. Hầu hết cư dân của những làng nổi trên sông Gianh này gần như nhà nào cũng có người sung vào đội quân khai thác chắt chắt.

Để lấy được chắt chắt từ lòng sông người ta thường dùng cào bằng sắt, gắn thêm mảnh lưới thật dày rồi đưa xuống sát đáy sông. Nhà khá thì dùng thuyền máy buộc dây vào kéo đi, còn nhà khó khăn thì dầm mình trong nước dùng sức người mà kéo. Chiếc cào cày xuống đáy sông, tấm lưới sẽ hứng lấy tất cả những gì mà chiếc cào xới lên, trong đó có chắt chắt.

Ông Thân với tay lấy chai nước, ngửa cổ tu một hơi, tay quệt ngang miệng rồi giảng giải: "Chắt chắt cào về được rửa sạch cho vào nồi luộc, đến khi há miệng thì đem tách vỏ và sàng lọc lấy con nhân trắng nhỏ như đầu đũa. Thơm, ngọt béo lắm. Thứ đó, nấu với rau tập tàng hoặc xào với mít non dùng để nhắm rượu. Món xào đừng hỏi độ ngon. Chiều về ghé nhà tui làm dĩa với chai rượu hè", ông tróc lưỡi mấy cái làm chúng tôi thèm đến buốt chân răng.

Phận chắt chắt

Hiện “làng loòng coòng” có khoảng trên 100 “nhà” di động như thế. Nét đặc trưng của dân loòng coòng là nạn tảo hôn, sinh đẻ nhiều, không biết chữ và không chịu sự quản lí của chính quyền. Nhiều gia đình trên chục người cùng sống chung trong một con thuyền chật hẹp. Họ sống khá biệt lập, có khi vài năm mới ghé về quê một lần. Con cái lớn lên là dựng vợ, gả chồng và sinh con đẻ cái trên những con thuyền và tiếp tục theo nghiệp bố mẹ mà mưu sinh.

Nhiều gia đình ở làng Cồn Sẻ, Cồn Cưỡi, Cồn Niệt... sống dựa vào nghề cào chắt chắt. Gia đình vợ chồng ông Lê Văn Sức (làng Cồn Niệt) có 6 đứa con, tổng cộng 8 miệng ăn. Nhà có ruộng, nhưng hạt thóc chỉ đủ ăn trong... một tháng. Nhà thiếu ăn quanh năm nên phải đi cào chắt chắt. Lội ra đến tầm nước ngập quá gối, ông Sức vừa đi giật lùi dưới sông vừa trò chuyện với chúng tôi: “Ở vùng ni, phải có đến 90% hộ tham gia khai thác chắt chắt. Dầm mình trong nước lạnh cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng đủ trang trải trong ngày. Vậy đó, không giàu có chi nhưng cũng có thu nhập đều, khá ổn định. Siêng làm cũng đủ sống. Nếu đừng đau ốm hay có chuyện chi đột xuất thì mỗi tháng cũng tiết kiệm được hai, ba trăm ngàn để dành".

Xúc chắt chắt trên sông

Đấy là ông Sức nói không có chuyện gì thôi, chứ sức người cứ dầm nước cả ngày như vậy, trên đầu thì nắng réo như đổ lửa xuống không ốm đau sao được. Hoặc như trường hợp anh cu Thức ở trong thôn, tháng trước đạp phải mảnh chai ngập sâu vào chân. Vết thương lại bị nhiễm trùng đi viện hơn nửa tháng trời, tốn kém hết mấy triệu đồng, phải vay mượn hàng xóm thêm mới đủ viện phí. Nay anh Thức đang phải ngồi nhà, chị Luyến - vợ anh một mình đi cào chắt chắt lấy tiền mua gạo, cách nơi ông Sức làm không xa.

Chiếc nón sụp xuống trên đầu, cán cào đè tựa vào vai, hai tay dồn sức đè lên cán, chị Luyến cứ bước giật lùi như thế. Vừa đi, hai bàn chân cũng vừa quẩy lớp bùn nhão để con chắt chắt phơi lên lọt vào cào. Đi giật lùi được vài chục bước chân, chị Luyến kéo cào lên đổ cả bùn đất, lẫn chắt chắt vào rổ chao nước rửa sạch. Kê chiếc rổ tre lên mạn thuyền, chị nhặt tiếp mấy viên sỏi, đá lẫn vào rồi nhẩm tính: “Gắng cào đến trưa cũng được đầy một rổ, làm ra bán cũng được hai chục ngàn. Tranh thủ chút nữa rồi nước sông lên thì về nấu cho anh Thức bát cháo kẻo tội. Với lại còn hai đứa con nhỏ đang đợi mẹ đi làm về ở nhà".

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tăng hơn 20% điện năng cung cấp tháng cao điểm nắng nóng

Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng điện năng cung cấp 4 tháng mùa khô (4, 5, 6, 7) năm 2024 từ 109,183 tỷ kWh lên 111,468 tỷ kWh.