| Hotline: 0983.970.780

Phận nghèo giữa chốn phồn hoa

Thứ Tư 08/12/2010 , 10:09 (GMT+7)

Mua chịu từ lâu gắn với đời sống người dân nghèo khốn khó ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Họ mua chịu đủ thứ từ mớ rau, con cá, lạng thịt, lọ nước mắm đến túi mì chính, bánh xà phòng…

Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội năm 2010 xấp xỉ 2.000 USD và của người dân TP HCM vào khoảng 2.800 USD. Thế nhưng, đem con số ấn tượng đó đến một số vùng của hai đô thị phồn hoa bậc nhất ấy, nhiều người dân cảm thấy chạnh lòng và thấm thía cái cảnh "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra".

Mua chịu cả đồ tang lễ

Mua chịu từ lâu gắn với đời sống người dân nghèo khốn khó ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Họ mua chịu đủ thứ từ mớ rau, con cá, lạng thịt, lọ nước mắm đến túi mì chính, bánh xà phòng…Tập sổ nợ dày cộp, chi chít tên, chữ ký đã thành vật bất ly thân của những người bán hàng nơi đây. Nhưng không ai ngờ rằng, dân Nam Sơn còn mua chịu cả đồ… tang lễ dùng cho việc hiếu, việc hậu sự trong gia đình.

"40% mua chịu"

Chị Nguyễn Thị Hoa, em dâu trưởng thôn Tiên Chu là một đại lý bán chậu xi măng trồng cây cảnh kiêm luôn bán bia mộ, vòng hoa, khăn tang, vải niệm, quan tài. Tiếng là đại lý nghe oai thật nhưng ở đất này, đại lý cũng nghèo như thôn dân. Chị tổng kết: “Cỡ 40% dân mua chịu. Gần dịp Tết chúng em mới lãi khoảng 1 triệu/tháng còn có nhiều tháng trong năm không bán được thứ gì hoặc chỉ rặt mua chịu".

Chị kể lể: "Vòng hoa bán được ở đất này cũng là thứ rẻ nhất, kết bằng nylon có giá 70.000đ/cái. Vòng hoa tươi 120.000đ/cái dân không có tiền nên chẳng mấy ai dám mua. Quan tài ở đây chúng em cũng toàn bán được loại gỗ tạp, có giá thấp chứ gỗ tốt, sơn son thếp vàng chẳng ma nào thèm mua. Nhiều nhà, cụ trước “đi” đã lâu, mua vòng hoa chịu đến khi viếng cụ sau mới trả tiền cụ trước. Nợ nần vài năm cũng là bình thường. Có người, mua chỉ một cái vòng hoa cũng trả thành năm bảy bận, mỗi lần mươi ngàn đồng. Nhiều quyển sổ em ghi chịu, tiền lúc mua chỉ 40.000đ/vòng giờ lên đến 70.000đ mà cũng chỉ mong họ trả cho theo giá nợ gốc là may".

Cuốn sổ ghi nợ những người mua đồ tang của chị Hoa

"Em bán đồ hiếu từ năm 2006, có những thứ bán từ dạo ấy vẫn còn bị chịu. Cứ khoảng sáu tháng sổ ghi nợ kín đặc, em lại thay một lần. Những chủ nợ cũ được ghi sang sổ mới cho dễ tìm, rồi gạch hết, cuối năm đem ra đốt. Có người chuyển đến dăm bảy quyển sổ rồi mà nợ vẫn còn. Toàn anh em làng xóm cả, có vài chục bạc chẳng nỡ đòi, mà có đòi họ chưa có tiền cũng lấy đâu mà trả”- chị Hoa nói.

Bắc Sơn là xã nghèo điển hình của Sóc Sơn mà Sóc Sơn cũng thuộc huyện nghèo điển hình của Hà Nội. Tổng số hộ nghèo năm 2010 của xã còn 593 hộ dù đã giảm được 3,9% năm rồi. Bình quân thu nhập đầu người/năm của dân Bắc Sơn chỉ 4,3 triệu đồng - tức bằng khoảng 1/10 thu nhập bình quân của TP Hà Nội theo thống kê mới nhất (cỡ 2.000 USD/người/năm). Cùng là mảnh đất ngàn năm văn vật, chao ôi, cái khoảng cách ấy sao mà xa diệu vợi.

Chủ tịch xã Tạ Hồng Thái còn nói với tôi một thông tin đáng giật mình khác rằng người nghèo của quê mình không chỉ thiếu tiền mà còn phải thiếu quay thiếu quắt nước dùng hàng ngày: “Xã có chừng 3.500 hộ chỉ 300 hộ có điều kiện khoan giếng. Số còn lại toàn dùng giếng đào, giếng khơi, một năm 3-4 tháng mùa khô ngày nào những hộ này cũng xách xô, chậu đi xin nước. Bãi rác của thành phố đặt ngay trên đất Bắc Sơn nên chúng tôi biết nước ngầm chắc cũng bị ảnh hưởng, ô nhiễm, không thể dùng cho sinh hoạt được nhưng cũng bởi nghèo mà nhắm mắt làm liều”.

Quay trở lại chủ đề nghèo, ông Chủ tịch đúc rút: “Nhiều nhà, đời bố nghèo truyền sang đời con, đời con truyền sang đời cháu. Tệ nạn xã hội, bệnh tật, tai nạn, rủi ro cũng bởi nghèo mà ra. Không phải đời sống chúng tôi không tiến lên. Mỗi năm tốc độ phát triển của xã cũng cỡ trên 10%. Đời sống giờ khá hơn trước nhiều chứ. Nhưng chúng tôi làm được một thì ở thành phố làm được tám, được mười nên không bao giờ đuổi được mức thu nhập của người thành thị”.

90% dân Bắc Sơn sống bằng nông nghiệp nhưng đất đai lổn nhổn toàn sỏi cơm với đá óc chó, khô như rang và nghèo dưỡng chất. Mọi nguồn về dịch vụ, ngành nghề khác gần như bị chặn đứng bởi nói như dân ở đây chẳng ma nào chấp nhận về bãi rác mà đầu tư hay làm nhà biệt thự an dưỡng cả. Trong khi một mét vuông ở ngõ hẻm tại thành phố cũng cả trăm triệu đồng thì ở đây đất thổ cư được tính theo mét dài, nếu quy ra mét vuông chỉ bèo bọt đến mức đáng ngỡ ngàng, một hai trăm ngàn. Chênh lệch cỡ cả ngàn lần!

Giao thông là huyết mạch của mọi nền kinh tế thì hệ thống đường liên tỉnh dài 22 km chạy trên địa bàn Bắc Sơn đều là cấp phối tức bằng đất đá, toàn ổ trâu, ổ gà, xấu vào hạng nhất nhì Hà Nội. Đường liên thôn dài 42 km của Bắc Sơn cũng chỉ mới bê tông hóa được vỏn vẹn cỡ 10km. Đi trong xã, mùa mưa người ngã oành oạch còn mùa khô phải mặc áo mưa để tránh bão bụi lúc nào cũng đỏ lầm, thổi thốc tháo mỗi khi có xe trọng tải lớn vượt qua.

"Xin các ông đừng tịch thu nhà"

Ngôi nhà của bà Lê Thị Thanh thủng lỗ chỗ, vá chằng vá đụp, gia cố bằng đủ thứ chủ nhân nghĩ ra như ba mảnh ny lon, dăm cái lốp xe cũ nhặt từ bãi rác về. Cửa sổ làm bằng những miếng bì cũ, mấy con mèo mới nhẩy qua đuổi chuột, vô tình cào rách vài chỗ nom càng tơ tướp. Nhà tắm chỉ là một mảnh đất nhỏ được quây lại bằng mấy miếng giẻ rách loại hơi lành một tí cũng được chọn từ bãi rác về.  

Bà Thanh: "Các bác đừng tịch thu nhà cháu, cháu sẽ trả nợ dần dần"

Góc sân có một chiếc giường tre, cũ xỉn, mốc thếch, phủ tạm chiếc chiếu nát. Cạnh đó là cái giếng nước cạn khô, lỏng chỏng một cái xoong nhôm to, một cái chậu và một chai nhựa đựng nước xin được về. Thấy người lạ vào nhà, bà Thanh đang chăn trâu hộ từ cánh đồng gần đó bươn bả chạy tới. Vừa thấy chúng tôi, bà sụp người xuống, mặt méo xẹo, chiếc roi đuổi trâu tuột tay, rơi thõm xuống sân. Bà mếu máo: “Cháu xin các ông đừng tịch thu nhà của cháu kẻo ba mẹ con cháu lấy gì mà chui ra chui vào? Nợ cháu xin trả dần chứ không quỵt đâu. Các ông đừng lấy nhà của mẹ con cháu".

Sau khi phân bua rằng chúng tôi chỉ là người đi tìm hiểu về gia cảnh hộ nghèo chứ không phải người của ngân hàng đến đòi nợ, người đàn bà ngót lục tuần ấy mới hoàn hồn tí chút: "Cháu run quá, cứ tưởng các ông đến thu nhà”. Bà Thanh không có trâu, có gà, có lợn, có bò mà chỉ có ba con mèo. Con bò dự án nghèo trước cấp cho, bà cũng bán từ lâu để trả lãi vay.

Trong căn nhà mà trời mưa mấy mẹ con bà phải quàng áo tơi ngồi cho đỡ ướt ấy có một chiếc xe đạp và một cái ti vi đen trắng. Chiếc ti vi được một bà đồng nát vào thấy gia cảnh túng bấn quá cho mượn, đến bao giờ có vài chục ngàn trả thì trả còn không thì thôi. Ngay cả cái giường tre ngoài sân cũng là của đi xin để thay thế chiếc giường tre đã gẫy nát từ lâu ọp ẹp trong góc nhà.

“Nhà cháu có ba sào ruộng. Mùa rồi bọ rầy phá quá, chỉ được hai bì thóc nhiều lửng, lắm lép, khéo độ 60 kg. Cháu có hai đứa con đi học, năm nay chưa được vay tiền sinh viên nên phải vay bằng vàng mà vàng càng ngày càng trượt giá, hốt quá. Tết rồi cháu được Nhà nước hỗ trợ 200.000 đông ăn Tết nhưng mấy đứa con xin sạch để đóng học hết. Các bác ạ, con cháu học giỏi lắm! Năm nào cũng có giấy khen, xếp thành tập cháu phải đem đi gửi hàng xóm bởi để ở nhà, mưa dột mủn hết”.

Bà Thanh nói với vẻ tự hào về những người con. Nhìn vào các con dừng như bà nhìn thấy le lói chút tương lai. Trong phút chốc nỗi sợ hãi ban đầu biến mất, bà dường như quên đi số tiền vay đã ngót nghét 40 triệu - một con số khổng lồ mà người đàn bà mỗi bữa chỉ dám ăn cơm với muối, mỗi tháng chỉ dám dùng 8-10.000 đồng tiền điện có nằm mơ giữa ban ngày cũng không dám nghĩ đến ngày trả hết.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm