| Hotline: 0983.970.780

Phận người sau cuộc vùi hoa

Thứ Hai 29/07/2013 , 09:28 (GMT+7)

Đường về của những phụ nữ sau cuộc vùi hoa thật chông chênh, phía sau những bản làng yên ả là những phận người buồn tủi đến thắt lòng!

Sau những cuộc vùi hoa, bị lừa bán đến lúc được trở về cố hương, số phận của hàng chục phụ nữ ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế), vẫn trôi nổi theo dòng đời nghiệt ngã. Đường về chông chênh, phía sau những bản làng yên ả là những phận người buồn tủi đến thắt lòng!

Nằm ven đường Hồ Chí Minh, cách xa cái phố thị ồn ào A Lưới, thôn Ba Rít (xã A Đớt) như một bản làng tách biệt nằm sát biên giới. Câu chuyện về ba người con gái nơi bản nghèo Ba Rít là V.T.Ô (30 tuổi), H.T.Đ (29 tuổi) và H.T.Ph (20 tuổi, cùng trú thôn trên) bị lừa bán dường như vẫn chưa nguôi trong tâm trí của những người già nơi đây. Bởi, với họ, đó là một ký ức kinh hãi, đáng buồn cho số phận những con em của mình.


H.T.Đ, H.T.Ph kể lại đoạn trường trong cuộc đời mình

Căn nhà của chị Đ đã lâu lắm không có khách ghé thăm, bởi từ sau khi bị lừa bán trở về đến nay, chị Đ rất ít đi xa, ít tiếp xúc với mọi người, sống thu mình, lấy nương rẫy làm niềm vui. Anh cán bộ xã phải làm “công tác tư tưởng” một tràng dài bằng tiếng Pa Cô, Đ mới chịu ngồi xuống chiếu, kể cho người viết nghe những đoạn trường trong cuộc đời mình.

Cô kể: “Năm 2010, qua mạng chát mình quen Đỗ Văn Thuận (sinh năm 1985, quê Thanh Hóa). Hồi đó mình mới biết lên mạng, trò chuyện với bạn bè, mỗi khi buồn những chuyện trong cuộc sống mình đều tâm sự với Thuận, được Thuận chia sẻ nên mình rất tin tưởng. Tháng 5/2013, Thuận và một người bạn tên Linh đến nhà mình chơi. Thuận nói sẽ ra miền Bắc cùng người thân mở nhà hàng hay quán nhậu gì đó. Nhưng Thuận nói đang thiếu người phục vụ nên hỏi ý mình và nhờ tìm thêm vài cô gái nữa, ra Bắc làm lương cao, việc cũng nhẹ nhàng.

Mình đồng ý, rủ em gái là Ph và Ô đi cùng. Ngày 15/5, chúng mình rời A Lưới đi TP Huế sau đó đi tàu ra Bắc. Đến Hà Tĩnh, mình điện thoại cho Linh, Linh khuyên mọi người hãy cẩn thận, bởi Thuận không phải là người tốt, Thuận sẽ bán mấy chị em đi Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy nội tạng, bọn mình hoảng sợ và bàn cách trốn thoát khi có cơ hội. Cả mấy chị em xuống Thanh Hóa và về nhà người bác của Thuận tên Bần ở 27 Duy Tân, TP Thanh Hóa”.

Như người ngồi lại sắp sếp những ký ức vụn quá kinh hãi, Đ ngập ngừng kể tiếp: “Sáng 16/5, Thuận đón xe cùng mấy chị em đến nhà hàng Bình Minh (phường Cẩm Bình, TP Móng Cái, Quảng Ninh). Ở đây, bọn mình bị buộc phải nộp điện thoại, phục vụ quán ăn và dịch vụ massage cho khách. Điều mình nhớ nhất là trong mấy ngày ở đây, bọn mình bị “bà chủ” tên Minh chửi bới, đánh đập thậm tệ vì không chiều khách.

Nhiều lần mấy chị em bị Thuận đánh đến ngất xỉu. Khoảng 0 giờ ngày 18/5, khi nghe vợ chồng chủ quán và Thuận bàn sẽ đưa bọn mình sang Trung Quốc nên mình và Ô trốn được ra ngoài. Mình đi lang thang, mệt lả rồi ngồi ngủ cạnh đường sắt ở TP Cẩm Phả. Sáng ra, mình được người dân chỉ đường ra bến xe, về Thanh Hóa gặp người bạn tên Linh. Riêng Ô sau khi bỏ trốn cũng về nhà Linh. Còn em gái mình là Ph, vợ chồng chủ quán thấy đã bị lộ nên cho người đưa em ra bến xe cho về. Cả bọn mình được Linh giúp tiền đón xe về Huế”.

Câu chuyện cô gái kể bỗng ngừng do tiếng khóc nấc át hẳn. Bao nhiêu buồn tủi mấy năm qua, những giọt nước mắt như ai đó vắt quả chanh vỡ òa, chảy tràn trên gò má sạm đen của người phụ nữ lớn hơn cái tuổi của mình. Với Đ, bị kịch bắt đầu từ tình yêu “ảo” trên mạng. Ở xã vùng biên A Đớt này, cơn lũ công nghệ ùa về mang theo những hạt phù sa tri thức nhưng cũng kéo theo bao phiền lụy trên thế giới ảo. Mạng chát là một cái gì đó còn xa xôi, kích thích sự tò mò, và khi người ta biết rồi thì bắt đầu cuộc say mê, quên ăn ngủ cùng nó.

“Chấp nhận quá khứ với tình yêu thật không dễ dàng. Nhiều người đến với mình, mình cứ nói thật, họ vẻ ngoài thông cảm rồi sau cuộc trò chuyện đó là sự im lặng rồi né tránh gặp mặt. Đôi lúc mình muốn hòa nhập với mọi người nhưng cũng khó” - Đ tâm sự.

Thời gian đầu trở về với bản làng, Đ tự nhốt mình trong nhà. Bởi bước ra ngõ, những tiếng xì xầm, rồi trai gái trong bản không còn tìm đến nhà chơi, tiếng khèn lá cũng xa dần trong những đêm lễ hội bập bùng ánh lửa. Để vượt qua được nghịch cảnh đó, Đ đã phải cố gắng, bản lĩnh lắm rồi.

Câu chuyện của Ô cũng không kém phần xót xa khi gần nửa cuộc đời chị là cả một tấn bi kịch! Ô sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ làm nương rẫy quần quật quanh năm nhưng chỉ lo tạm đủ được mấy miệng ăn, các anh chị em của Ô đều không được đến trường. Mười hai năm trước, Ô bị một người đàn ông tên là Thành (quê Nam Định) lừa tình, hậu quả của tình yêu chớp nhoáng ấy là đứa con vô thừa nhận.

Éo le thay, đứa trẻ được hoài thai từ tình yêu cả tin ấy của cô gái trẻ khi sinh ra đã mắc chứng bệnh về não, nằm liệt giường cả chục năm nay. Cô đặt tên cho người con trai của mình là Nguyễn Hãi Hùng như ghi nhớ một khá khứ đau thương, dại dột của mình. Cô bình thản kể lại như một sự chấp nhận rủi may của cuộc đời: “Hắn lên vùng biên giới làm thầu xây dựng gần nhà. Ra vào gặp nhau, hắn tỏ ra rất quan tâm đến mình. Đêm nào hắn cũng đến nhà mình chơi, mọi chuyện vui buồn mình đều tâm sự với hắn cả. Thế rồi mình yêu hắn lúc nào không hay. Sau những lần hắn dùng xe máy chở mình xuống phố núi chơi, mình đã mang trong người giọt máu của hắn. Khi mình thông báo về đứa con, hắn không nói gì, chỉ ngồi lỳ hút thuốc. Hôm sau mình tìm tới lán trại của hắn thì hắn đã bỏ đi mất rồi”.

Sau cuộc lừa tình, người con trai quất ngựa truy phong về phía núi, để lại Ô vò võ nuôi con một mình trong sự oán hận, buồn tủi. Rồi bị lừa bán, trở về Ba Rít đến nay, Ô sống lủi thủi, sáng lên nương rẫy, chiều về chăm con. Từ sâu trong đôi mắt ráo hoảnh, có chút gì đó bất cần, là cả một niềm khao khát được hạnh phúc bằng người.

Ở trong một vụ án khác, hơn chục thiếu nữ là nạn nhân của gia đình “đồ tể” Phùng Quý Nang được Công an tỉnh TT-Huế giải cứu vào năm 2007 đã đoàn tụ với gia đình. Nhưng đâu đó, nằm ẩn sâu trong các bản làng là số phận hẩm hiu, buồn tủi của những thiếu nữ trong cuộc hòa nhập với cộng đồng. Hạnh phúc, tình yêu đôi lứa đối với các nạn nhân như H.T.S, L.T.Ng… (những người bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm sau đó bỏ trốn được) sao quá xa vời. S đã cố gắng yêu, cô chân thành kể về quá khứ với người yêu để tìm sự cảm thông, nhưng cuối cùng đường ai nấy đi. Ng về nhà một thời gian cũng lấy được chồng, sinh con. Nhưng chung sống được một năm, cô đau ốm liên miên, chồng cũng bỏ đi khiến Ng vò võ nuôi con trong sự túng thiếu…


H.T.S, L.T.Ng là những nạn nhân của bọn buôn người, giờ trở về cũng mang những nỗi niềm riêng

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhâm, cán bộ chính sách xã hội, Phòng LĐ-TB&XH huyện A Lưới cho biết: “Trong thời gian qua, các nạn nhân trong vụ buôn người ở A Lưới đã thành lập nhóm Tự Lực để quan tâm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Thực tế, khi trở về, các cô gái đối diện với muôn vàn khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Việc cần thiết là phải chia sẻ khó khăn, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho các em, tạo sự gần gũi. Nhiều năm nay, chúng tôi tích cực vận động, tuyên truyền để các em được trang bị kiến thức hòa nhập cuộc sống và tìm cách hỗ trợ về kinh tế, tạo công ăn việc làm... Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được triển khai sâu rộng và hiệu quả chưa cao”.

Vừa qua, trong hội nghị triển khai thực hiện đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người” do Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức cho thấy, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp tại 63 tỉnh, thành phố. Từ 2005 đến nay, cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ phạm tội mua bán người với gần 5.600 đối tượng, lừa bán hơn 7.000 nạn nhân (hơn 80% là phụ nữ và trẻ em).

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.