| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 04/06/2012 , 10:37 (GMT+7)

10:37 - 04/06/2012

Phản nhân văn

Có ba chuyện cùng xảy ra nhưng lại có quan hệ nhân quả mật thiết với nhau, không thể không suy nghĩ.

Có ba chuyện cùng xảy ra nhưng lại có quan hệ nhân quả mật thiết với nhau, không thể không suy nghĩ.

Thứ nhất là chuyện tranh cãi khó dứt về báo lá cải, bởi như lời Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, luật pháp Việt Nam không thừa nhận loại báo chí này. Chính vì luật không thừa nhận nên không có tiêu chí rõ ràng và vì thế các tờ báo, nhà báo bị “chỉ mặt, gọi tên” là vô bổ, giật gân, rẻ tiền, thiếu định hướng (đại loại là “lá cải”) đã phản ứng gay gắt về sự phê phán của đồng nghiệp. Thậm chí có ý kiến còn biện bạch rằng đáp ứng nhu cầu giải trí của lớp bạn đọc bình dân cũng là một nhiệm vụ của báo chí (?).


Ảnh minh họa

Thứ hai là chuyện Quốc hội bàn Luật Xử lý vi phạm hành chính với việc bỏ quy định bắt buộc gái bán dâm phải đi chữa bệnh. Theo lời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc bỏ các quy định cứng như vậy là thể hiện sự thay đổi về quan điểm của nhà nước với những cô gái làm nghề này, xem họ là nạn nhân cần được hướng thiện, giáo dục làm lại cuộc đời hơn là loại đối tượng cần phải phê phán, trừng phạt!

Thứ ba là chuyện ảnh, tên thật và lý lịch nghệ thuật cô người mẫu kiêm diễn viên H. tràn ngập trên một số báo chỉ vì mới đây cô bị công an bắt quả tang khi đang bán dâm cho “đại gia” với giá “ngàn đô”. Dĩ nhiên là ba chuyện nói trên không phải xảy ra tại một địa điểm, nhưng khi đặt chúng cạnh nhau chợt thấy các mục tiêu của các chủ thể nói trên bỗng trở nên xung đột. Chẳng hạn, dù có nhân danh “phê phán” việc băng hoại đạo đức của giới giải trí, thì việc trưng ra các bức hình không thèm làm mờ mặt, kèm tên thật, chi tiết về các bộ phim người mẫu H. đã tham gia, thì cách làm của ban biên tập một vài tờ báo đã đi ngược lại mục đích “hướng thiện, làm lại cuộc đời” cho gái bán dâm mà Quốc hội đang bàn trong một dự án luật.

Với lượng thông tin khổng lồ, chi tiết đến tận… kẽ chân như thế, bao giờ xã hội có thể quên là người mẫu H. đã từng bán dâm? Liệu có ai dám mở cơ hội “làm lại cuộc đời” cho một nhân vật “nổi tiếng” như thế hay không? Cũng từ câu chuyện ấy lại thấy, nếu như để nhằm “đáp ứng nhu cầu giải trí của lớp người đọc bình dân” thì một vài ấn phẩm báo chí có được tự cho mình cái quyền mô tả mọi tội ác xảy ra trong xã hội, phơi bày chân tơ kẽ tóc đời tư công dân, thêm thắt, thổi bùng những chuyện hoang đường, kỳ bí tràn cung mây hay không?

Bộ trưởng Son mới chỉ nhắc đến việc rà soát tôn chỉ mục đích, nếu sai thì có thể rút phép. Song những người đọc lại cảm nhận rõ hơn ai hết sức tàn phá của loại “văn hóa phẩm” này với con em họ. Bởi đó là loại sản phẩm vừa phản nhân văn, vừa là loại “thuốc độc” cho tâm hồn con người!

Bình luận mới nhất