Cô Dạ Hương kính mến!
Cháu viết thư này với nỗi buồn tràn ngập ở trong lòng. Cũng do mình kém cỏi trong việc kiếm tiền mới thành ra nỗi.
Cháu là đứa mồ côi mẹ từ khi mới 10 tuổi. Ba có vợ khác, cháu sống với ông bà ngoại chứ không phải ông bà nội dù cháu là đích tôn của dòng họ. Thôi, chuyện đó không quan trọng gì cả. Bà ngoại nói cho ba yên, vì mẹ kế của cháu không thương con của chồng. Ba có với vợ sau hai người con nữa.
Ngoại nuôi cho ăn học từ cấp 2 lên đại học. Nhà ngoại ở quê, cháu tự lập sớm, từ năm thứ ba thì ngoại không phải cho tiền trọ, tiền ăn hay tiền học phí nữa. Cháu chỉ mới có báo hiếu với ngoại như vậy thôi. Ra trường chưa bao lâu thì bà ngoại mất, cô cũng biết rồi đó, bà là mái ấm, là chiếc giường, là chỗ dựa của cháu chứ không phải ông. Cậu út ở sát bên ngoại, cậu mợ có nhiệm vụ chăm sóc ông ngoại nên cháu không phải lo lắng gì.
Đám cưới của cháu chỉ có bên ngoại. Ba ở cùng thành phố mà xa cách. Vợ cháu là con gái một, ba mẹ vợ nói trước, hai người hợp với con gái nên bắt rể.
Con trai đầu của chúng cháu, ông bà ngoại nó cưng hết biết. Nhưng vợ cháu chăm chút, giành được quyền của mẹ với con, ăn uống, dạy dỗ. Khi đứa con trai vào lớp một chúng cháu mới dám lên kế hoạch có đứa thứ hai. Lần này con gái, cô ơi, cháu ngoại dễ cưng, ông bà ngoại lại cưng hơn anh trai nó nữa.
Cưng mà chỉ lo cho ăn. Những món nó thích là mì gói, bánh ngọt và Coca-cola. Khi nhỏ thì mũm mĩm, chừng bốn tuổi đã thấy nguy cơ béo phì, cháu tâm sự với vợ, vợ quay ra gay gắt với ba mẹ, hờn giận, đùng đùng hoài. Bắt đầu nó đòi ăn đêm, mì gói mà ăn đêm cô biết rồi đó, còn cho thêm trứng nữa.
Cô biết không, 5 năm tiểu học, con gái cháu chính thức béo phì, phải đi chữa. Nhưng nó lén ông bà cha mẹ nó xuống bếp ăn đêm. Mì hai gói, cơm ăn bằng tô tự nó bới để vừa xúc vừa ém. Cứ đà này hết cấp II chắc thành sumo. Cháu không biết cách nào nữa. Bây giờ thì ông bà mới thở dài, buông ra, kệ. Nhưng con mình, là con gái, sao kệ được đúng không cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Quả là bi kịch. Trong nhà có một đứa béo phì, quả là bi kịch. Cô dám dùng từ đó bởi vì, hình dáng sẽ không ra sao, học hành lết bết, tương lai công việc cũng như tương lai gia đình riêng...sẽ không có gì bảo đảm cả.
Trước tiên, cô bày tỏ tình thương và sự cảm mến cháu với hoàn cảnh ấy, với sự nuôi dạy của ngoại, cháu đã nên người. Có hiếu ngay từ khi đại học bằng tự lập, tự chi, để đỡ ra cho ngoại. Dĩ nhiên, khi hoàn cảnh thì con người ta hay gặp như cháu gặp, người yêu thương cảm, sau thì nhà vợ thấy đây là chàng trai đề nghị bắt rể thì có thể được OK ngay. Mặt nào đó, nhà vợ là hậu phương lớn của cháu.
Biết bao gia đình cưng con mà chỉ chèn nhét cho ăn nên tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng vùn vụt. Trẻ con đứa nào chẳng mê ăn khi nó có sở thích riêng về các thứ, khi ấy tầm ba tuổi. Mất kiểm soát thì bốn tuổi đã khác và cứ thế, từng năm đổi khác như bí như bầu. Ăn đêm là thủ phạm, mì gói và bánh ngọt là thủ phạm, nước có ga là thủ phạm nốt.
Khi đứa bé chính thức phì, cả nhà đâm ra ngao ngán, chặn đứng bằng nhiều cách thô bạo. Cô từng thấy một người mẹ trẻ móc cho bằng được thứ đứa bé vừa nhai, bắt nó ói ra hết. Khổ thân cả mẹ lẫn con.
Cháu thụ động vì luôn nghĩ mình phận rể. Vợ cháu chắc chắn có ý lại ba mẹ. Và như cô phân tích, lơ là thì việc ăn đêm sẽ thành tật mà đã là tật, phải cai. Nghiện gì cũng phải cai, ăn đêm, ăn mì gói là một thứ nghiện.
Bằng cách nào? Cô có đứa cháu ngoại trai, lên lớp 6 cô đưa lên sống với ông bà để học trường Quốc tế. Nó cũng quá cân. Cô cai hẳn nước có ga, ở trường nó nhiều sữa, kệ nó, mình chỉ kiểm soát phần của nhà mình.
Không mì gói, không ăn đêm, bữa chiều với ngoại, nó chỉ được ăn một món mà nó thích, để nó yêu cầu. Một món thôi. Dần dần, học kỳ 1 nó đứng lại không tăng cân, đến học kỳ 2 thì bắt đầu xuống cân. Vậy đó, rất kỳ công.
Một đứa con gái béo phì, rất tội. Không được bỏ mặc nó, nha cháu. Bắt đầu từ vợ cháu, những biện pháp nghiêm ngặt, cháu không nên thụ động như cũ. Cô nghĩ ông bà ngoại đã buông, bởi nhìn thấy thất bại, vậy nên cháu phải nắm lấy quyền, nhé.