| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 29/03/2013 , 09:31 (GMT+7)

09:31 - 29/03/2013

Phản tác dụng?

24.000 lượng vàng miếng trong tổng số 26.000 lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đấu giá sáng 28/3 đã bị “ế” vì giá quá cao.

24.000 lượng vàng miếng trong tổng số 26.000 lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đấu giá sáng 28/3 đã bị “ế” vì giá quá cao.

Theo thông báo chính thức từ hồi đầu tháng 3, NHNN sẽ tổ chức các cuộc đấu thầu vàng miếng nhằm mục tiêu tăng nguồn cung cho thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế.


Ảnh minh họa

Trước khi thực hiện phiên đấu thầu đầu tiên, NHNN cũng cho biết đã thử nghiệm đấu thầu bán vàng miếng trong nội bộ các vụ, cục và thử nghiệm đấu thầu với các ngân hàng và doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng nhằm đảm bảo cơ chế đấu thầu được vận hành thông suốt khi chính thức triển khai.

Tuy nhiên, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên của NHNN đã diễn ra trong sự thất vọng và khó hiểu của cả các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đấu thầu, các đối tượng đang quan sát thị trường lẫn người dân cả nước.

Trái với mong đợi sẽ được chào mua vàng miếng ở mức giá “gần sát với giá thế giới” như mục tiêu đề ra của NHNN, 21 doanh nghiệp tham gia phiên đấu thầu đã bị dội “gáo nước lạnh” khi ban tổ chức thông báo giá sàn đấu thầu là 43,81 triệu đồng/lượng, cao hơn tới 400.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC được niêm yết chính thức ở cùng thời điểm.

Thất vọng với mức giá... trên trời, 4/21 doanh nghiệp tham gia đấu giá đã không bỏ phiếu, 15 doanh nghiệp bỏ phiếu trắng, chỉ có 2 doanh nghiệp là ACB và Phú Quý đăng ký mua và đều trúng thầu tại giá sàn. Cả ACB lẫn Phú Quý đều chỉ đăng ký mua 1.000 lượng vàng nên tổng giá trị giao dịch thành công của phiên đấu thầu này chỉ là 2.000 lượng, tương đương 7,7% so với tổng khối lượng chào thầu.

Nhìn vào các số liệu kể trên, nhiều người không chỉ đánh giá đây là một phiên đấu thầu thất bại của NHNN mà còn thấy khó hiểu với sự tính toán của cơ quan quản lý thị trường tiền tệ nước nhà.

Thứ nhất, trái ngược hẳn với mục tiêu “góp phần thu hẹp chênh lệch khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế” của chính mình, NHNN lại đặt giá sàn đấu thầu cao hơn giá thị trường đến 400.000 đồng/lượng. Điều đó chẳng những không khiến thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế mà còn khiến khoảng cách này, vốn đã ở mức hơn 3 triệu đồng/lượng, tiếp tục bị kéo giãn.

Thứ hai, việc NHNN đưa ra giá chào bán quá cao khiến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu không thể đặt mua và khiến mục tiêu “tăng nguồn cung cho thị trường” hoàn toàn “phá sản”.

Thứ ba, việc NHNN đưa ra giá chào bán cao hơn giá thị trường đã bị các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trong nước lợi dụng để kiếm lời bằng cách điều chỉnh giá bán ra thêm vài trăm ngàn đồng/lượng để “ngang bằng” với giá chào bán của NHNN.

Thực tế cho thấy, giá mở cửa của vàng SJC sáng ngày 28/3 chỉ dao động quanh mức 43,35-43,48 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) nhưng ngay sau khi có thông tin NHNN niêm yết giá sàn đấu thầu ở mức cao, các doanh nghiệp kinh doanh đã nâng giá bán của sản phẩm vàng này thêm hơn 200.000 đồng/lượng và gây bất lợi cho người mua.

Như vậy, với các diễn biến kể trên, không rõ mục tiêu bình ổn thị trường và thu hẹp khoảng cách giữa vàng miếng trong nước với thế giới của NHNN đã đạt được tới đâu hay lại phản tác dụng vì chỉ khiến dư luận càng thêm hoang mang về cách điều hành thị trường vàng miếng vốn đã nhiều tai tiếng?