| Hotline: 0983.970.780

Phấp phỏng mùa cam

Thứ Ba 18/01/2011 , 13:57 (GMT+7)

Đã vào tháng Chạp, chỉ còn vài chục ngày nữa là Tết, vậy mà vùng cam vẫn lặng vắng, những chủ trại cam đang phấp phỏng đợi người tới mua…

Đã bước vào vụ thu hoạch cam, thị trấn Nông trường Trần Phú là vùng cam lớn nhất tỉnh Yên Bái, với khoảng 250 ha. Năm nay được mùa cam, năng suất trung bình 8-10 tấn/ha, ai cũng mừng vì được mùa, nhưng đã vào tháng Chạp, chỉ còn vài chục ngày nữa là Tết, vậy mà vùng cam vẫn lặng vắng, những chủ trại cam đang phấp phỏng đợi người tới mua…

Mấy năm nay ông Nguyễn Quốc Ân, nguyên PGĐ Trung tâm Nước sạch-VSMT Yên Bái đều đánh xe ô tô vào vùng cam Trần Phú mua mấy tạ về làm quà Tết cho anh em trong cơ quan và họ hàng. Năm ngoái ông vào vùng cam trước Tết chục ngày, ông bảo: Mình mua giáp Tết để cho tươi, nhưng tới nơi thì chẳng còn, thợ từ các tỉnh đã vét sạch trước rằm, bòn mót mãi mới được vài chục cân…

Năm nay mới mùng 8 tháng Chạp ông Ân đã rủ tôi đi mua cam Tết, ông sợ giáp Tết không còn cam nữa. Vào dịp này mọi năm, con đường vào thị trấn NT Trần Phú nườm nượp xe tải từ các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…đến mua cam đỗ chật khắp các ngả đường. Nhưng năm nay con đường vắng tanh, các vườn cam vàng rực vẫn im lìm đợi khách.

 Khu 8 thị trấn NT Trần Phú được coi là trung tâm của vùng cam, nơi đây các chủ trang trại mỗi năm đều thu từ 30-50 tấn quả một năm. Thấy xe của chúng tôi tới gia đình anh Nguyễn Văn Thảo, ông Nguyễn Văn Lộc đang ở nhà con trai cả Nguyễn Chí Thông tới xem chúng tôi mua cam hay giúp cậu con trai út giàn bơm tưới cam trên đồi. Theo chủ trang trại cam Nguyễn Trọng Luyến, chính ông Lộc là người đưa giống cam Bố Hạ về đất này.

Ông Lộc cười xác nhận và kể với tôi: Cuối năm 1972 thì phải, tôi từ dưới quê lên qua Hà Nội, Mỹ đánh bom cả chục ngày đêm, xe cộ chả có tôi đi bộ lên đây. Trước khi về nhà tôi qua xã Nghĩa Tâm cách đây hơn chục cây số, cắt ba chục cành cam, quýt chiết mà tôi đã đặt gia đình ông Trần Minh Tá, Chủ tịch xã Nghĩa Tâm. Ngày đó lương tôi chỉ hơn 50 đồng thôi, mua ba chục cành cam, quýt hết 30 đồng gì đó tôi không nhớ lắm, rồi gánh về đây trồng. Hồi ấy nhà tôi nuôi một con trâu to để cày rạch chè, phân nhiều tôi gánh đổ vào mỗi gốc 3-4 gánh, có gốc tôi đổ cả chục gánh.

Ông nói tiếp: Cũng chả nghĩ cây cam lại ưa đất này, năm đầu mỗi gốc chỉ được 2-3 cân quả bói, năm sau cây lớn vổng lên vượt qua cả nóc nhà, quả sai trĩu trịt, gốc cây tôi đổ cả chục gánh phân năm ấy quả sai phải chống cho cành khỏi gẫy. Gần Tết mới bứt xuống chia cho bà con trong đội, đếm được 1.200 quả, quả nào cũng to gần bằng cái bát ăn cơm, thích lắm…

Tôi hỏi: Làm sao ông biết đây là giống cam Bố Hạ? Ngẫm nghĩ một lát ông đáp: Nghe ông Tá kể: Giống cam này do ông Đinh Bá Hoàn, cán bộ tổ chức huyện Văn Chấn đi công tác xin được một cành mang về nhà trồng. Gia đình ông Tá ở gần nhà ông Hoàn, ông Tá xin mấy cành về trồng. Đến thăm nhà ông Tá thấy vườn cam đẹp tôi mới mua cành chiết mang về đây…

Mới đầu người dân ở thị trấn NT Trần Phú trồng cam để ăn và cho nhau, bởi thời bao cấp ai nghĩ chuyện trồng cam bán? Chỉ hơn chục năm nay người dân mới trồng cam kinh doanh. Nguyễn Trọng Luyến vốn là bạn học Sư phạm Nghĩa Lộ với tôi, sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979 anh được tăng cường lên Mường Khương dạy học, chả có học sinh để dạy, các thầy giáo rủ nhau đi buôn hàng Trung Quốc, anh bị lĩnh án rồi về nhà làm ruộng. Mới đầu cũng chỉ trồng sắn, khoai nhì nhằng, sau mới trồng cam, với chừng 4 ha cam mỗi năm gia đình anh thu trung bình 50- 80 tấn, năm 2007 là năm thu cao nhất, khoảng 130-140 tấn, anh cũng chẳng nhớ chính xác, vì cam nhiều lắm, khi thu hoạch phải thuê cả chục người hái mới kịp.

Trên đường trở về, dọc thị trấn NT Trần Phú chúng tôi chỉ gặp một xe mua cam, trọng tải 2 tấn, chủ vườn cam có tên là Vinh lắc đầu ngán ngẩm: Đây là ông bạn hàng quen, ông ấy mua mang ra TP. Yên Bái bán thôi, những khách dưới xuôi chưa thấy ông nào lên, chắc giáp Tết mới đến chăng? Mưa, cam rụng vàng gốc xót ruột quá bác ạ…

Nhiều gia đình ở đây giầu có xây được nhà hai ba tầng cũng nhờ cam. Sau hai chu kỳ trồng, vườn cam trước nhà Luyến bắt đầu thoái hóa, quả nhỏ lại vẹo vọ, múi khô xốp như ngô rang mặc dù chăm bón rất công phu. Gần một ha cam trước nhà mấy năm nay anh chặt làm củi đun dần. Diện tích cam nhà anh còn hơn 3 ha nữa, năm ngoái mất mùa thu hơn 20 tấn. Mất mùa lại được giá, khách mua cả vườn giá 15.000đ/kg, tính ra vụ cam năm ngoái thu trên dưới 300 triệu, năm nay dự kiến thu 30 tấn, mấy người khách đã tới xem vườn cam chỉ trả 8.000đ/kg. Họ trả giá đấy, chứ đâu đã đặt tiền cọc và hẹn ngày tới cân hàng, thành ra từ đầu tháng Chạp tới giờ vợ chồng anh chả có việc gì làm, sau khi thuê thợ lật một phần vườn cam lên đào ao nuôi cá, bây giờ thì róc cành cam phơi làm củi.

Luyến bảo: Nếu bán được 8 ngàn một cân thì năm nay gia đình tôi thu ngót ba trăm triệu, nhưng đã có ai tới mua đâu, trời không nắng mà cứ mưa rét như mấy ngày nay, cam lại rụng nhiều, ông lên đồi mà xem, cam rụng vàng cả gốc.

Tâm trạng cũng phấp phỏng như Luyến, anh Nguyễn Văn Thảo tưởng chúng tôi là khách đánh ô tô tới mua cam nhiều đã mừng, hóa ra chỉ mua mấy chục cân cam Canh, anh thở dài: Cam Canh đầu vụ giá 34.000đ/kg, giờ chỉ còn 24.000đ/kg thôi. Mấy vụ trước gia đình tôi để gần Tết mới hái, được thêm mấy giá nữa, nhưng tới giờ mỗi cân đã mất đứt chục ngàn rồi, không biết đến Tết giá có lên hay lại xuống đây, sốt ruột quá anh ạ - anh Thảo thở dài - Năm nay gia đình tôi dự kiến thu khoảng 40 tấn, cứ giá cả như thế này, khách hàng lại chả thấy đâu, Tết nhất sắp đến rồi lo lắm…

Ông Nguyễn Văn Lộc có 5 người con trai, đều ở Khu 8 thị trấn NT Trần Phú, gia đình các con ông đều trồng 3-4 ha cam, thu mỗi năm chừng 30-40 tấn, gia đình Nguyễn Chí Thông năm nay dự kiến thu 80 tấn, mọi năm giờ này người mua cam đến rầm rập, còn năm nay đến giờ vẫn còn vắng vẻ lắm. Ông Lộc lắc đầu trầm ngâm: Năm nay Tết sớm hơn mọi năm, rất có thể tới rằm tháng Chạp khách mua cam mới về đây mua nhiều.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm