| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 25/12/2014 , 09:23 (GMT+7)

09:23 - 25/12/2014

Phập phồng thưởng Tết

Tết dương lịch đã cận kề. Và dù Tết âm lịch còn những hai tháng nữa mới tới. Nhưng hầu hết người lao động trong các doanh nghiệp đều phập phồng ngóng đợi món tiền thưởng của hai cái tết.

Thế nhưng, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, thì Tết dương lịch năm 2015 này, rất ít doanh nghiệp có điều kiện để thưởng cao hơn mức thưởng tết năm trước cho cán bộ công nhân viên. Nghĩa là vẫn chỉ duy trì được ở mức từ 1 đến 5,5 triệu đồng/người.

Ngay cả một số chi nhánh ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội… cũng đặt kế hoạch cố gắng duy trì mức thưởng bằng mức thưởng Tết dương lịch năm 2014, do điều kiện kinh doanh khó khăn.

Bèo bọt nhất là một số doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp có nhiều công nhân như dệt may, da giầy, cơ khí…, mức thưởng Tết dương lịch chỉ từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng/người, tùy theo năm cống hiến.

Cụ thể như Cty CP Kỹ thuật Đông Lâm, một doanh nghiệp chuyên cung cấp, lắp đặt hệ thống cơ điện công trình, đã công bố mức thưởng Tết dương lịch: Người làm việc trên 1 năm được thưởng 500 ngàn đồng, người làm 6 tháng được 300 ngàn đồng, người dưới 6 tháng được 200 ngàn đồng.

Cty May Phương Thanh cũng đã công bố mức thưởng Tết, tuy nhiên mức thưởng không hơn gì Cty Đông Lâm, cũng 200 ngàn đến 500 ngàn một người. Tết năm ngoái, công nhân của công ty này còn phải nhận thưởng bằng quần áo.

“Năm nay, như vậy là khá rồi. Tết năm ngoái, tiền không có, trong khi quần áo thì còn tồn đầy kho. Đành phải chọn cách cho công nhân mang quần áo về làm quà.   Tết âm lịch năm nay, công nhân sẽ được nhận thưởng cả tiền lẫn quần áo”, Giám đốc Cty May Phương Thanh cho biết…

Cũng theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì tết năm nay, sẽ giảm thiểu số doanh nghiệp không có thưởng hoặc thưởng tết bằng hiện vật, bằng sản phẩm như năm ngoái.

Tết đến, nhu cầu chi tiêu tăng vọt, gấp bốn, năm lần ngày thường. Với những người lao động xa nhà, có một gia đình nghèo khó ở quê, thì nhu cầu đó càng tăng. Nào chút tiền cho bố mẹ ăn Tết, nào quần áo mới cho các em, nào tiền mừng tuổi cho các cháu…

Ngày thường, vật lộn để trang trải với đồng lương quá thấp đã khó. Khi xăng vừa tăng 200 đồng một lít, thì giá một mớ rau muống ngoài chợ đang từ 2.500 đồng đã vọt lên 3.000 đồng. Vé xe cũng tăng theo. Nay xăng giảm sâu đến trên 2.000 đồng một lít, giá cả vẫn đứng im không động đậy. Rồi giá cả các mặt hàng trong dịp tết có nguy cơ còn tăng hơn nữa.

Không ít người lao động đã “toát mồ hôi” mỗi dịp tết đến, xuân về. Vì vậy, tâm lý ngóng tiền thưởng tết của mỗi người lao động là lẽ đương nhiên. Cả năm trời lao động vất vả, số tiền thưởng tết sẽ giúp họ vợi bớt đi gánh nặng chi tiêu.

Nhưng ngóng mà cuối cùng chỉ được nhận món tiền thưởng bèo bọt quá, không ít người đã có cảm giác tủi thân, và đành chấp nhận ở lại nơi làm việc chứ không dám về quê.

Hơn bất cứ cách lý giải nào, mức thưởng tết cho cán bộ công nhân viên phản ánh đúng nhất thực trạng của nền kinh tế.