| Hotline: 0983.970.780

Phát cáu vì vợ 'thầu' mọi vấn đề bên ngoại

Thứ Năm 25/03/2021 , 14:09 (GMT+7)

Vợ cháu có gene của mẹ cô ấy, khi cháu yêu, cháu để ý phẩm chất này. Bảo bọc họ hàng, chăm chồng, chu tất với các con.

Thưa cô kính mến!

Cháu là trai Bắc, mới 5 tuổi, bố mẹ chuyển vào Nam vì bố thuyên chuyển công tác. Lớn lên, đại học rồi cũng có du học theo diện Nhà nước nuôi và gia đình có chịu một phần chi phí. Đương nhiên, học xong, cháu phải phục vụ trong chính quyền.

Nói như vợ cháu, là một viên chức quọp quẹt. Cô ấy là dân Nam bộ, giỏi giang, tháo vát, thơm thảo. Vấn đề của lá thư này nằm ở chỗ tháo vát và thơm thảo ấy đấy cô. Vợ cháu có gene của mẹ cô ấy, khi cháu yêu, cháu để ý phẩm chất này. Bảo bọc họ hàng, chăm chồng, chu tất với các con.

Người Bắc của cháu trọng gia tộc nhưng ít khi dốc túi, nhất là vợ khi xả thân cho nhà mình thì phải được sự tán đồng của chồng. Bởi gái có chồng là của nhà chồng, ưu tiên mọi thứ cho nhà chồng.

Vợ của cháu là chị Hai nên có quyền với các em. Cô ấy có hai em gái, nhà vợ cháu sinh con một bề, cháu mở ngoặc đơn ở đây, cái hay của trong Nam là gái cũng ôm bàn thờ được, gái lại có hiếu với cha mẹ ruột, số ấy rất đông.

Chị Hai hơn em tới tám tuổi, hơn em út mười hai tuổi nên việc dựng vợ gả chồng cho em, chị Hai rất công phu (và tốn kém).

Khi ấy cháu mới về làm rể, cháu đứng ngoài, không ý kiến gì cả. Nay thì cháu cũng đã vào tuổi tri thiên mệnh, biết rằng sự nghiệp viên chức của mình cũng cầm chừng thế thôi, sẽ hưu sớm để còn làm ngoài.

Vợ của cháu cũng ngũ tuần rồi, con thì chỉ có một đứa du học và đã ở lại bên ấy. Hai em gái của vợ cũng đã có mỗi đôi hai đứa con, nhưng vì học hành không tới đâu, cả vợ chồng đều nhờ chị Hai mà có sinh kế, lặt vặt. Chính thế nên vợ cháu cứ bảo bọc miết.

Bực bội thì dằn hắt khiến chồng mệt theo nhưng vẫn “chứng nào tật nấy”, cháu để trong kép mấy từ ấy là vì cháu thấy đó là tật ôm đồm, tật thi thố, tật chứng tỏ, tật cầm quyền chứ không phải vì bọn em ấy cùng đường mà phải cứu độ suốt như thế.

Không thể khuyên can gì được nữa. Bố mẹ cháu ở riêng, biết chuyện qua cháu, cũng bực và cáu lây từ cháu. Không biết làm sao cho yên nhà yên cửa nữa cô, tiền bạc cứ chảy về chỗ trũng thì khi cháu muốn làm một doanh nghiệp nhỏ cũng không đủ để bắt đầu.

---------------------

Cháu thân mến!

Có một thực tế mà cô ghi nhận về sự khác nhau đôi chút của người miền ngoài với người miền trong với gia tộc của mình. Có lẽ cô nên truy gốc sâu xa vì sao trong đây, người ta có vẻ bình đẳng hơn trong sự kỳ vọng con cái, tức là họ không quá chú ý con trai và coi con gái như kẻ đã ở “nhà ngoài”.

Là vì cháu ạ, đất trong Nam của nhà Nguyễn hàng mấy trăm năm giao thoa với các cộng đồng khác, có xa một phần cái gốc cổ truyền phía Bắc.

Lại nữa, 100 năm thuộc địa Pháp, con người có được nhấc lên khỏi tâm lý lũy tre làng, mà thực sự trong này, chỉ có xóm ấp trải dài, rộng rãi ven sông rạch, thoáng, khoảng cách người với người thực sự xa. Ấy là nền tảng của sự khác, của văn hóa cổ và văn hóa có hơi hướng đậm tây.

Vì vậy, con gái hay con út trong đây vẫn được trọng, thậm chí được ký thác nhiều ở khâu chăm sóc cha mẹ, khâu ôm hương hỏa, khâu ôm bàn thờ. Cô quan sát thấy, hình như gia tộc nào cũng có một nhân vật tự nguyện cáng đáng, ở vậy lo lắng cho mọi người, hoặc là tháo vát đặc biệt, hoặc giàu có và thảo thơm.

Một nét văn hóa đặc sắc của gia tộc phía Nam mà cô từng ở Bắc cô thấy không phổ biến. Dĩ nhiên, vì đất Bắc cổ, Nho giáo khá đậm, nên con gái thuộc nhà chồng, phận sự, vui buồn, công lao, thậm chí tiền bạc cũng chủ yếu đổ vào cho nhà chồng.

Có ấm ức, là sẽ có bất hòa. Cháu nên thẳng thắn với vợ, nước mắt không chảy ngang, nghĩa là các cháu lo cho con mình, chữ hiếu tuổi già của cha mẹ là đương nhiên phận con, nhất là khi nhà người ta con một bề, vợ mình là chị cả.

Như vậy không có nghĩa là chị Hai phải ôm đồm các em, mãi mãi như khi xưa, như khi các em còn thơ dại. Hai gia đình nhỏ của hai em gái phải được tự lập, hai ốc đảo của họ cho dù thần tiên hay bi kịch, cũng là của họ.

Vợ chồng đã đứng tuổi, phải thống nhất việc công xá, nhất là tiền nong để dành cho làm ăn, cho sức khỏe, cho tuổi già, nhé.

Vợ thơm thảo vợ giỏi giang là phúc đức của mình. Nhưng làm quá sẽ bị ỷ lại và lợi dụng. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất