| Hotline: 0983.970.780

Phát động đợt cao điểm an toàn thực phẩm

Thứ Ba 20/10/2015 , 08:53 (GMT+7)

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ngoài việc các cơ sở giết mổ, SXKD vật tư nông nghiệp vi phạm, thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là nỗi lo của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn bộ người tiêu dùng nói chung.

18-13-35_img_2870

* Clenbuterol và Salbutamol được mua bán quá dễ!

* Đề nghị Bộ Công an vào cuộc quyết liệt

Tại hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động Năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, không địa phương nào thực sự an toàn thực phẩm, và phải hành động quyết liệt hơn nữa để đạt hiệu quả cao. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Càng nhiều quy định, càng vi phạm

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, 9 tháng đầu năm, Bộ NN-PTNT đã ban hành 1 luật, 1 nghị định, 11 thông tư, 3 chỉ thị về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị Bộ KH-CN công bố 16 tiêu chuẩn và ban hành 1 quy chuẩn kỹ thuật, công bố 4 tiêu chuẩn Việt Nam. Nhìn chung, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu cho từng công đoạn SX nông lâm thủy sản và quản lý kỹ thuật.

Tuy nhiên, với 48/63 tỉnh, TP triển khai xếp loại các cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản, thì số cơ sở xếp loại C vẫn chiếm hơn 20%. Đáng chú ý, trong số 676 cơ sở loại C được tái kiểm tra, vẫn có đến 563 cơ sở không lên hạng. Đây chủ yếu là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế nông sản thực phẩm.

Ngoài ra, trong lĩnh vực SXKD vật tư nông nghiệp, số cơ sở loại C được tái kiểm tra vẫn không có sự cải thiện rõ nét. Bằng chứng là 92% (1.418/1.609 cơ sở) vẫn xếp loại C.

Một trong những vấn đề gây nhức nhối về VSATTP là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo ông Tiệp, trong đợt thanh tra đột xuất mới đây của Thanh tra Bộ NN-PTNT đối với các cơ sở SX thức ăn chăn nuôi, cơ quan này đã phát hiện và xử lý 5 DN sử dụng chất cấm trong SX thức ăn chăn nuôi, SX thuốc thú y không có trong danh mục.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Việt, cho rằng, về lĩnh vực quản lý các lò giết mổ gia súc, gia cầm, đúng là có tình trạng mất VSATTP. “Hà Nội có 2.500 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhưng quản lý rất khó. Trước mắt, chúng tôi đã hỗ trợ thùng đựng thực phẩm cho các cơ sở, nhưng tình trạng không đảm bảo ATTP không cải thiện rõ nét, đồng thời chưa có sự phối hợp nhịp nhàng của cảnh sát giao thông và các lực lượng quản lý để hạn chế lưu thông thực phẩm bẩn”, ông Việt nói.

Đồng quan điểm trên, GĐ Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Trung, cho hay: “Tôi đi trên đường, chụp được rất nhiều ảnh xe gắn máy chở lợn khỏa thân, rồi cảnh bàn gỗ bán thực phẩm tràn lan ngoài vỉa hè. Như vậy làm sao đảm bảo thực phẩm sạch được”.

Ở một góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã tổ chức thanh tra 344 nghìn cơ sở. Nhưng chỉ phát hiện 19,8% cơ sở vi phạm, giảm 3% so với năm 2014. Như vậy, đây là số liệu đáng mừng. Về ngộ độc thực phẩm, 9 tháng đầu năm 2015 có 90 vụ với 2.555 người mắc, số trường hợp mắc giảm, số tử vong cũng giảm 10 trường hợp.

“Không phải đâu xa, ngay như khu nhà tôi ở, chỉ cần một cơ sở kinh doanh thịt sạch, ngon, một cửa hàng bán rau an toàn mới mở ra, thì các bà nội trợ, các chi hội phụ nữ đã biết và thông tin cho nhau ngay. Nói như vậy để thấy rằng, việc SX theo chuỗi khép kín phải được phát huy. Chúng ta không lo thị trường tiêu thụ, bởi nhu cầu thực phẩm sạch là rất lớn. Quan trọng nhất là SX sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ thì sẽ có khách hàng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Về chất cấm trong chăn nuôi, ông Long cho biết, đối với Salbutamol là thuốc chữa cơ hen phê quản, nên ngành y tế buộc phải nhập về. Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận, đúng là trên thị trường, khó có thể kiểm soát dược chất này hoàn toàn, bởi ngoài NK chính ngạch, Salbutamol còn được nhập lậu, hoặc mang về nước theo đường “xách tay”.

Triệt phá chất cấm phải như triệt ma túy

Bày tỏ nỗi bức xúc tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ngoài việc các cơ sở giết mổ, SXKD vật tư nông nghiệp vi phạm, thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là nỗi lo của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn bộ người tiêu dùng nói chung. Đây là hiểm họa cần sớm được dẹp bỏ.

“Có 2 chất cấm trong chăn nuôi là Clenbuterol và Salbutamol thì lại được mua bán quá dễ, chỉ cần ra hiệu thuốc mua, rồi đựng trong bịch ni lông mang về trộn trong thức ăn chăn nuôi là xong. Nguồn là được nhập về làm thuốc cho người. Nhưng thuốc cho người thì được sử dụng số lượng rất ít, vậy thì rõ ràng là chủ yếu trộn vào thức ăn chăn nuôi. Đề nghị Bộ Y tế giám sát ngặt nghèo việc NK dược chất này”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, những xét nghiệm gần đây ở Hà Nội và những vùng phụ cận đã phát hiện rất nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, không riêng ở đây, mà cả 63 tỉnh, thành, không địa phương nào an toàn thực phẩm. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tăng cường việc lấy mẫu, giám sát thường xuyên.

“Tuy nhiên, việc lấy mẫu để phát hiện cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Tôi cho rằng bắt được mấy người chăn nuôi sử dụng chất cấm, phạt vài triệu đồng... thì không ăn thua. Phải xử lý được tận gốc, bắt và xử lý các đối tượng buôn bán, tàng trữ, SX chất cấm thì mới loại bỏ được chất cấm. Việc này đề nghị Bộ Công an cần vào cuộc quyết liệt, coi triệt phá chất cấm phải như triệt phá ma túy thì mới hiệu quả”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục kiểm tra, giám sát việc NK các dược chất có thể được dùng để trộn với thức ăn chăn nuôi. “Vừa rồi không hiểu sao là có cơ quan cấp phép nhập đến 68 tấn Clenbuterol, trong khi nhu cầu chất này trong ngành y tế lại rất ít”, Bộ trưởng nói.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, VSATTP còn nhiều vấn đề, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Do đó, cần phải tiếp tục có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa. Việc phát động đợt cao điểm hành động Năm VSATTP lần này là một ví dụ.

“Tất nhiên là chúng ta phát động xong rồi phải làm triệt để, rốt ráo, chứ không phải làm xong rồi dừng lại. Trước đây, khi Bộ NN-PTNT tổ chức chiến dịch ngăn chặn gia cầm nhập lậu cũng vậy, rất hiệu quả. Chúng ta phải nhìn vào những chiến dịch thế này để rút kinh nghiệm và đề ra các phương thức thực hiện hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những giải pháp hạn chế, tiến tới dẹp bỏ chất cấm trong chăn nuôi là phát huy vai trò của các hội, đoàn thể ở địa phương. Các bộ, ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng những hành vi, nguy cơ cụ thể của các chất cấm, đồng thời xử lý kiên quyết, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

“Rất cần những cuộc thanh tra, kiểm tra rầm rộ, nhưng theo tôi, để phát hiện đường đi của chất cấm, thì phải có những điều tra bí mật, mà hiệu quả nhất là dựa vào đoàn thể, vào nhân dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý.

Một trong những biện pháp quan trọng nữa, theo Phó Thủ tướng, là cần khuyến khích SX nông nghiệp theo chuỗi, tăng cường thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp để có những sản phẩm sạch, an toàn và giá rẻ, phù hợp với người tiêu dùng.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất