| Hotline: 0983.970.780

Phát hiện 190.000 trường hợp vi phạm về đất đai

Thứ Sáu 26/11/2010 , 08:53 (GMT+7)

Qua báo cáo sơ bộ của 60 tỉnh, thành phố và kiểm tra, đã phát hiện 190.000 trường hợp vi phạm quản lý đất đai.

Ngày 25/11, cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 8 với chủ đề “Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai” đã diễn ra tại Hà Nội.

Cuộc đối thoại do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhấn mạnh đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống; là địa bàn phân bổ các khu dân cư, xây dựng các cơ sở văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước...

Tuy nhiên, việc quản lý đất đai hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chính sách đất đai đã có tiến bộ qua mỗi thời kỳ nhưng còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, lấn chiếm, hủy hoại, sử dụng đất đai không đúng mục đích còn diễn ra ở nhiều nơi, tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai còn nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản quốc gia và gây bức xúc trong nhân dân.

Đối thoại là dịp để Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam và các đối tác phát triển chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong đối với công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói chung và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai nói riêng.

Việc này giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam tìm kiếm và nâng cao hiệu quả thực hiện nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong những năm gần đây, hằng năm có trên 10 vạn vụ việc tranh chấp, phản ánh, tố cáo các sai phạm liên quan đến đất đai.

Thanh tra Chính phủ hàng năm tiếp nhận từ 5.000-7.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Qua báo cáo sơ bộ của 60 tỉnh, thành phố và kiểm tra thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, phát hiện khoảng 190.000 trường hợp vi phạm quản lý đất đai với tổng diện tích 8.000ha, trong đó gồm các vấn đề như bán đất trái pháp luật, cấp đất, giao đất trái thẩm quyền.

Những sai phạm này chủ yếu là ở cấp xã, đặc biệt xã ven đô thị lớn, nơi có quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp đang phát triển mạnh...

Tại cuộc đối thoại, đại diện các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan truyền thông... đã được cung cấp thông tin về những tiến triển trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói chung và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai nói riêng.

Nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách thuộc trách nhiệm quản lý của Trung ương và những vướng mắc, hạn chế thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương, với những biểu hiện, yếu tố tạo ra nguy cơ tham nhũng.

Chẳng hạn, một bộ phận cán bộ công quyền làm phức tạp hóa vấn đề quản lý đất đai, tham gia làm dịch vụ trung gian (không công khai), kết nối với cá nhân và tổ chức làm dịch vụ trung gian, đối xử không bình đẳng, không minh bạch.

Một bộ phận lớn người dân ít hiểu biết pháp luật, ngại tìm hiểu, tuân thủ pháp luật, chọn phương án nhanh, tiện lợi, kể cả hành vi tiếp tay cho tham nhũng.

Một số cơ sở, cá nhân làm dịch vụ trung gian mang lại lợi ích cá nhân cho các bên, trừ nhà nước, cung cấp dịch vụ “quan hệ” và “lách luật” thay vì làm đúng...

Các đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế đã khẳng định những nỗ lực từ phía Việt Nam và những kết quả đã đạt được trong hoạt động phòng chống tham nhũng thời gian qua.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nhiều ý kiến quan tâm đến sự tham gia của xã hội, báo chí. Việc công khai, minh bạch trong thông tin, cơ chế chính sách, pháp luật bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; các biện pháp khen thưởng, bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng; kiểm tra, theo dõi và bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện việc công khai tài sản và thu nhập đối với tất cả mọi người.

Đại sứ Vương quốc Thụy Điển Staffan Herstrom đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã coi tham nhũng là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự, tích cực ngăn chặn tham nhũng thông qua các cam kết quốc tế, xây dựng các chính sách quốc gia và luật pháp...

Tuy nhiên, ông cho rằng những thành tích này sẽ không tạo được những tiến bộ lâu dài nếu những cam kết không đi kèm với những hành động mạnh mẽ và những biện pháp theo dõi, đánh giá.

Theo những nghiên cứu gần đây nhất từ phía Thụy Điển, hơn 86% các hộ gia đình ở Việt Nam nhận biết có tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. 33% các doanh nghiệp cho biết khi đăng ký xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có quà cáp đón tay hay các chi phí không chính thức.

Tham nhũng luôn luôn làm tổn thương những người yếu thế đồng thời làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư của đất nước và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Đại sứ Staffan Herstrom nhấn mạnh đến các thể chế bảo đảm cho trách nhiệm giải trình và cho rằng minh bạch là công cụ cơ bản, hiệu quả trong phòng chống tham nhũng đất đai.

Các đại biểu dự đối thoại về cơ bản nhất trí với các giải pháp để giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai như thực thi các quy định về tính minh bạch hiện có trong khung pháp lý của Việt Nam, có sự giám sát của người dân, củng cố trách nhiệm giải trình của các công chức liên quan đến quản lý đất...

Kết thúc Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 8, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các đối tác phát triển quốc tế đã đạt được sự đồng thuận trong đánh giá chung về những tiến triển trong công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam.

Đại diện các nhà tài trợ và các đối tác phát triển khẳng định lại cam kết tục ủng hộ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất