| Hotline: 0983.970.780

Phát hiện quan trọng tại Hoàng thành Thăng Long

Thứ Tư 17/12/2014 , 08:21 (GMT+7)

Theo kết quả báo cáo của các nhà khoa học, trong đợt khai quật này, nhiều tầng văn hóa dày, phát triển liên tục và có niên đại suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VIII-IX đến XIX-XX) tiếp tục được phát lộ.

Đặc trưng của di tích Hoàng thành Thăng Long rất phức tạp nhìn từng tầng rất khó, yêu cầu các nhà khoa học, lịch sử không phải là giải phóng mặt bằng mà vừa khai quật vừa bảo tồn. Khai quật đến đâu bảo tồn đến đó.

Đây là ý kiến của GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tại Hội thảo Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực điện Kính Thiên (thuộc khu Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội) năm 2014 diễn ra hôm qua (16/12) tại Hà Nội.

Đem đến nhận thức mới

Theo kết quả báo cáo của các nhà khoa học, trong đợt khai quật này, nhiều tầng văn hóa dày, phát triển liên tục và có niên đại suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VIII-IX đến XIX-XX) tiếp tục được phát lộ.

Trên diện tích khai quật gần 1.000m2, các nhà khoa học đã phát hiện khu vực chính điện Kính Thiên có các lớp văn hóa thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, thời Pháp chồng xếp lên nhau, trong đó dấu tích thời Trần được nhận diện qua đường ống nước ngầm bằng đất nung, dấu tích thời Lý được biết đến thông qua việc phát hiện đường nước lớn và kiến trúc 3 hàng cột, thời Lê Sơ có kiến trúc 4 hàng cột…

Báo cáo tại hội nghị, GS. Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học, cho biết: “Có quá nhiều di tích chồng xếp, đan xen với nhau, cắt phá lẫn nhau. Dấu tích sân Đại Triều trước đây phỏng đoán thời Lê Sơ, hiện tại có thể khẳng định là thời Lê Trung Hưng. Qua quá trình khảo cổ, cũng đã làm lộ tiếp móng nước thời Lý với 3 hàng cột. Phát hiện móng và tường thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng với kỹ thuật xây dựng phức tạp.

Sân gạch của Lê Trung Hưng rất khác với các nơi, lắp theo kiểu ca rô. Kích thước, vật liệu thời Lê Trung Hưng, Lê Sơ. Các vật liệu truyền thống, nối tiếp nhau một cách liên tục rất rõ ràng.

Trong dịp này, cũng xuất hiện hiện vật bằng vàng trang trí hình hoa sen, trên đó có con rồng hình tròn đính vào mũ vua, điều đó thêm một lần nữa chứng tỏ nơi đây là trung tâm của các vương triều. Bên cạnh đó còn có trâm cài tìm thấy trong tầng văn hóa thời Trần, đĩa gốm trong hoàng cung thời Trần, gạch khắc chữ Hán thời Lê Sơ”.

Ông Tín cũng khẳng định, sau nghiên cứu, các sân được phát hiện tưởng là giống nhau nhưng khác nhau, gạch lát sân ở Kính Thiên màu đỏ, sân Đoan Môn chủ yếu là màu nâu. Vị trí điện Kính Thiên móng trụ nhiều, trước đây phán đoán là thời Lê Sơ, nhưng có thể đây là thời Lê Trung Hưng. Lê Sơ về cơ bản giống như Lê Trung Hưng, nhưng Lê Sơ đơn giản hơn về kiến trúc và cách trình bày sân, vật liệu. Đây là nhận thức rất mới trong các đợt khảo cổ.

Vừa khai quật vừa bảo tồn

Kết quả khảo cổ đã phát lộ đường nước lớn thời Lý làm theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc rõ ràng, trong đó, dấu ấn thời Trần chạy song song được một đoạn rồi lại quặt lên phía Bắc.

“Cái chúng ta mong muốn nhất qua khai quật này không chỉ làm rõ các tầng văn hóa, mà quan trọng hơn phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản: Trung tâm Cấm thành ở đâu và có nhận thức toàn diện, tổng thể, cụ thể cấu trúc của Trung tâm Hoàng thành”, GS. Phan Huy Lê cũng khẳng định.

Trái với thời Trần, thời Lý tưởng khó xác định vì niên đại lâu hơn, nhưng hiện đã tương đối rõ ràng, kiến trúc có 3 hàng cột, tính chất hành lang rõ, kiến trúc này khá tương ứng với đường nước lớn. Các nhà khoa học cho rằng, dấu ấn thời Trần vẫn là dấu hỏi lớn và kiến nghị tiếp tục mở rộng khai quật ở khu vực này.

GS. Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển, đánh giá: “Kết quả khai quật năm nay đã làm lộ rõ nhiều điều, ví dụ sân Đan Trì thời Lê Trung Hưng và Lê Sơ; đường nước lớn hệ thống dài giúp các nhà khoa học hình dung về không gian Lý Trần, Lê đến ngày nay, góp phần nâng cao nhận thức của giới khoa học, khác hẳn so với nhận định ban đầu. Tôi kiến nghị khai quật với diện tích lớn và đào đến tầng sinh thổ để có thể phát lộ kết quả chính xác, tránh mang tính chuẩn đoán”.

GS. Lê Văn Lan khẳng định: “Kết quả khảo cổ lần này chúng ta đã đào trúng huyệt trung tâm của trung tâm, không chỉ chỗ ở của vua, của thế giới hậu cung. Ta đang gặp rất nhiều công trình khác nhau, chồng chất lên nhau làm rối bời lên nhau nhưng dựa theo sử học thì thấy đấy là sân rồng từ thời Lý, qua các thời có tên gọi khác nhau”.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta không chỉ có sơ kết kết quả khảo cổ 2014 mà trên cơ sở khai quật khảo cổ học, kết hợp với nhiều kiến thức khác như: sử học, địa lý, khoa học, tự nhiên… chỉ có phương pháp liên ngành mới nhận thức được rõ ràng hơn về khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Câu hỏi rất lớn văn hóa thời Lý Trần ở khu Hoàng thành là gì bước đầu được giải đáp. Dưới tầng Lê Sơ khá rõ dày đặc các kiến trúc thời Lý. Thời Trần chưa rõ nét nhưng cũng đã có thể khẳng định nhiều dấu tích. Dấu tích của thời Lý đậm nét ở đây. Đường nước đã phát hiện là thế nào thì có thể tranh luận nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận. Chúng ta chỉ khẳng định thời Lý và thời Trần chúng ta đặc biệt quan tâm, theo tôi đường nước mang tính phong thủy”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.