| Hotline: 0983.970.780

Phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 25/12/2020 , 08:24 (GMT+7)

Huyện An Biên (Kiên Giang) xác định sự tham gia của người dân được coi là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của mọi công việc trong thực hiện xây dựng NTM.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Ông Nguyễn Công Trận, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện An Biên (Kiên Giang) cho biết, xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện và luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện. Quan trọng nhất là được sự ủng hộ đồng tình cao của nhân dân, hiểu được mục đích ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Phát huy vai trò của người dân khi tham gia và người được hưởng lợi trực tiếp chính là nhân dân.

Xây dựng NTM, huyện An Biên tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong ảnh là mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện An Biên được người dân phát triển mạnh trên vùng đất luân canh tôm - lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Xây dựng NTM, huyện An Biên tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong ảnh là mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện An Biên được người dân phát triển mạnh trên vùng đất luân canh tôm - lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Từ đó, huyện An Biên đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân. Nội dung tuyên truyền chủ yếu vận động nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế, tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, làm hàng rào, cột cờ, vệ sinh bảo vệ môi trường, đào hố xử lý rác thải, chỉnh trang nhà cửa, giữ vệ sinh môi trường...

Qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đã tạo sự nhận thức cao trong cán bộ và quần chúng nhân dân, thể hiện sự nhất quán sâu sắc và đồng tình với chủ trương của Đảng, xác định tầm quan trọng của công tác vận động. Tuyên truyền trong nội bộ cũng như ngoài quần chúng nhân dân là cơ sở cốt lõi cho việc tạo sự đồng thuận và nhất quán chung để khi thực hiện đạt kết quả cao.

Thực tế đã chứng minh sự tham gia của người dân được coi là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của mọi công việc trong thực hiện xây dựng NTM. Cụ thể, người dân trong huyện đã tích cực tham gia thực hiện tốt 15 phần việc của hộ gia đình khi tham gia vào quá trình xây dựng NTM.

Thu hoạch lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ trong mô hình tôm - lúa ở huyện An Biên, giúp nâng cao thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Thu hoạch lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ trong mô hình tôm - lúa ở huyện An Biên, giúp nâng cao thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Với sự hỗ trợ của nhà nước, người dân tại các xã, thị trấn từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý, nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài để phát triển kinh tế gia đình, phát triển nông thôn. Vai trò của người dân ở đây được thể hiện qua việc “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng thụ”. Như vậy, vai trò của người dân ở đây hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng là “lấy dân làm gốc”.

Kết quả qua hơn 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành. Đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể của nhân dân, tạo niềm tin tự giác tham gia của người dân địa phương trong xây dựng NTM. Việc xây dựng NTM đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của các xã đã có sự thay đổi đáng kể. Nhiều hệ thống nước sạch cũng như việc xử lý chất thải đã hoạt động có hiệu quả, phát triển sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định.

Đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế

Trường phòng NN-PTNT huyện An Biên Phan Công Rô cho biết, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xây dựng NTM thời gian qua được tăng cường, cùng với huy động nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn dự án của các sở, ngành cấp tỉnh, huyện và các xã, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt tập trung cho xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, đồng thời lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển khá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Mô hình nuôi tôm sú, cua biển kết hợp luân canh lúa ở huyện An Biên, giúp tăng thu nhập, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình nuôi tôm sú, cua biển kết hợp luân canh lúa ở huyện An Biên, giúp tăng thu nhập, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Rô, phát triển giao thông nông thôn được huyện An Biên xác định là khâu quan trọng, đáp ứng yêu cầu bức xúc của người dân và được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện tham gia thực hiện. Do đó, hệ thống giao thông nông thôn luôn được huyện và các xã quan tâm chỉ đạo xây dựng, tranh thủ tốt các nguồn lực triển khai thực hiện.

Bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện cũng đã mạnh dạn kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động vốn từ các nhà tài trợ, đồng thời có sự lồng ghép nhiều chương trình, dự án như: Các dự án thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, xây dựng chợ, các công trình phục vụ văn hóa - xã hội, trường học, y tế...

Năm 2020, đã lập danh mục trình phê duyệt gửi tỉnh 36 công trình đường, chiều dài hơn 85 km, vốn đầu tư trên 74 tỷ đồng. Trong đó, có 15 công trình thuộc danh mục Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Các chủ đầu tư trình UBND huyện ra Quyết định phê duyệt triển khai thi công tổng số 36 công trình, chiều dài trên 77 km; tổng vốn đầu tư hơn 63 tỷ đồng.

Năm 2020, huyện có kế hoạch nạo vét kênh là 43 công trình, chiều dài hơn 94 km, khối lượng gần 599 ngàn m3. Kết quả đến nay đã triển khai thi công được 41/43 công trình, giá trị hoàn thành trên 10 tỷ đồng.

Triển khai xây dựng mới được 2 cống ngăn mặn nội đồng, phục vụ cho 123 ha diện tích đất nông nghiệp. Thi công hoàn thành đắp đập ngăn mặn phục vụ sản xuất vụ Mùa và Đông Xuân năm 2020-2021, tổng số 24 đập, phục vụ cho 1.383 ha. Nhìn chung công tác thủy lợi đã được triển khai thi công thuận lợi, được người dân đồng tình, tự giải phóng mặt bằng.

Các ngành, các cấp đang tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống ở nông thôn. An Biên xác định phát triển sản xuất là vấn đề cốt lõi nhằm nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân.

Từ đó đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản như: Dự án “cánh đồng lớn” đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án Phát triển sản xuất cánh đồng lớn trên lúa và lúa-tôm. Mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi dê, mô hình nuôi vit Grimaud. Mô hình nuôi 2 vụ tôm sú kết hợp nuôi cua biển, luân canh trồng lúa. Phát triển sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, đã cấp chứng nhận: tôm sú – lúa, cua biển nuôi, sò huyết, trồng lúa hữu cơ, cây có múi…

Thu hoạch tôm nuôi nước lợ ứng dụng công nghệ cao ở Thứ Sáu Biển, huyện An Biên, cho năng suất và hiệu quả kinh tế rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Thu hoạch tôm nuôi nước lợ ứng dụng công nghệ cao ở Thứ Sáu Biển, huyện An Biên, cho năng suất và hiệu quả kinh tế rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Qua công tác triển khai chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hộ nông dân, giúp người dân nắm được các kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để mang lại năng suất cao, hiệu quả kinh tế góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Đến nay toàn huyện có 24 Hợp tác xã nông nghiệp với 1.521 thành viên, diện tích 2.456 ha và 113 Tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, với 1.583 tổ viên tham gia. Các Hợp tác xã đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với phong trào xây dựng NTM.

Cụ thể, trong 19 tiêu chí, Hợp tác xã đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp 9 tiêu chí, đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân và làm nòng cốt trong giảm nghèo ở địa phương. Kinh tế tập thể với các loại hình dịch vụ có tác dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập.

Đến nay, huyện An Biên có 3/8 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Tây Yên A, Đông Yên và Nam Yên. Có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí là Đông Thái, Nam Thái, Tây Yên, và Nam Thái A, đang chờ tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2021. Xã còn lại là Hưng Yên đã đạt 16/19 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đến cuối năm 2020 đạt đạt 18,6 tiêu chí/xã.

Năm 2021, An Biên phấn đấu có 7/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và xã Hưng Yên đạt trên 19/19 tiêu chí NTM. Xây dựng cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu về sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn, như: Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao ấp… Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.