| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 24/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 24/09/2015

Phạt nặng, liệu có khả thi?

Mức xử phạt phải làm sao để người bị xử phạt có khả năng nộp phạt, và phải đạt được hai mục đích là răn đe và cảm hóa, chứ không thể đẩy họ đến khánh kiệt, bần cùng.

“Mới có 5 năm, mà đã có 5 lần sửa nghị định. Đó là vấn đề không bình thường”. Đó là nhận xét của một đại diện phòng CSGT của một tỉnh tham dự hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế và bổ sung Nghị định 171-CP và Nghị định 107-CP, trong đó quy định tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm khi tham gia giao thông.

Điều đáng ngạc nhiên là tại hội nghị này, việc tăng mức phạt lại vấp phải phản ứng của đa số đại diện phòng CSGT của các tỉnh, là những người trực tiếp tiến hành các vụ xử phạt đối với người vi phạm.

Cụ thể, đại diện phòng CSGT hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cho rằng nhiều mức phạt đưa ra trong dự thảo là quá cao, ví như hành vi vi phạm về độ cồn ở mức 2, mức cũ là phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 tháng, là nằm trong thẩm quyền của lực lượng tuần tra trực tiếp.

Nay dự thảo đưa ra mức phạt tiền từ 8-12 triệu đồng, tước GPLX từ 4-6 tháng, là thuộc thẩm quyền của Giám đốc CA cấp tỉnh, như vậy mỗi lần phạt, phải chờ Giám đốc ký mới thực hiện được, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, đại diện phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh còn kiến nghị thêm, việc xử phạt với hành vi vi phạm về độ cồn ở mức 3 là tước GPLX 12 tháng cần xem xét lại.

Bởi thời hạn tước GPLX dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc mưu sinh của người dân. Và việc đó sẽ làm phát sinh hành vi chống đối, trốn chạy, gây nguy hiểm cho cả người dân lẫn lực lượng CSGT.

Đại diện phòng CSGT tỉnh Bắc Ninh cho rằng mức phạt đối với hành vi lắp còi xe vượt quá âm lượng cho phép theo quy định sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng là quá nặng và rất khó khả thi.

Hay hành vi của người điều khiển xe máy mà đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng, cũng là quá cao và không hợp lý. Bởi trên một số tuyến cao tốc hiện nay không có đường gom cho dân đi lại.

Ngoài ra, dự thảo cũng nhận được nhiều kiến nghị sửa đổi của đại diện nhiều phòng CSGT của nhiều địa phương khác.

Vi phạm thì phải xử phạt. Đó là lẽ đương nhiên. Mục đích của việc xử phạt là nhằm cảnh tỉnh người điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông, hạn chế tai nạn.

Nhưng xử phạt không phải là tất cả. Nhất là mức xử phạt, phải làm sao để người bị xử phạt có khả năng nộp phạt, và phải đạt được hai mục đích là răn đe và cảm hóa, chứ không thể đẩy họ đến khánh kiệt, bần cùng.

Với một người lái xe thuê, mức phạt 12 triệu đồng như quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về độ cồn mức 2, có thể tương đương với 2 tháng lương của họ.

Nộp phạt xong, trong 2 tháng đó họ lấy gì để sống và nuôi gia đình? Nhất là sau hình phạt tiền còn kèm theo hình phạt tước GPLX từ 4 đến 6 tháng.

Trong thời gian bị tước GPLX đó, họ biết làm gì để mưu sinh. Chưa kể hết thời hạn tước GPLX, họ có thể mất việc vĩnh viễn, do chủ phương tiện không thể để phương tiện của mình nằm không, phải thuê người khác.

Tương tự như vậy, mức phạt 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc có thể tương đương với 1 tháng thu nhập của một người mưu sinh bằng phương tiện này.

Kiến nghị của đa số đại diện phòng CSGT nói trên là hợp tình, hợp lý.

Bình luận mới nhất