| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bền vững vùng ĐBSCL: Loay hoay dùng "đất" và "nước"

Thứ Năm 22/04/2010 , 10:54 (GMT+7)

Một lần nữa, câu chuyện phát triển nông nghiệp, thực chất là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất và nước vùng ĐBSCL lại “nóng” lên khi được cả trăm nhà khoa học, quản lý “mổ xẻ” tại buổi hội thảo khoa học ngày 21/4 tại TPHCM.

Không biết vùng ĐBSCL còn loay hoay với câu chuyện “đất” và “nước” đến bao giờ? (Ảnh minh họa)

Một lần nữa, câu chuyện phát triển nông nghiệp, thực chất là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất và nước vùng ĐBSCL lại “nóng” lên khi được cả trăm nhà khoa học, quản lý “mổ xẻ” tại buổi hội thảo khoa học ngày 21/4 tại TPHCM.

“NỒI CƠM QUỐC GIA" VẪN LẠC HẬU

Nói về nghịch lý này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần nêu dẫn chứng: Hàng năm ĐBSCL đóng góp 18% GDP cả nước, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thuỷ sản, 90% sản lượng gạo XK và 60% kim ngạch XK thuỷ sản của cả nước. Vậy nhưng, thực sự khó hiểu khi đây lại là vùng đất lạc hậu, đời sống người dân còn nghèo, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực và giáo dục còn thấp, ảnh hưởng lớn đến nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững.

Điều trớ trêu nhất là ĐBSCL là một trong số ít châu thổ trên trái đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hai thế mạnh: đất rộng mênh mông, sông hồ chằng chịt - những điều kiện trong “mơ” để có thể phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá. Vậy nhưng, trong một thời gian rất dài, “đất” và “nước” tại đây đã bị sử dụng lãng phí và rất thiếu trách nhiệm. Nguồn lợi thuỷ sản có nguy cơ cạn kiệt; chất thải, thuốc BVTV đổ vô tội vạ khiến chất lượng nước và đất xuống cấp trầm trọng; tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, phèn hoá cục bộ, mưa lũ, hạn hán đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Và vì thế, dù được xem là “vựa thóc, mỏ tôm, cá” của quốc gia, nhưng những sản phẩm này luôn phải gánh chịu nhiều tác động của thiên nhiên, thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất lợi, thiếu tính ổn định và bền vững.

Đặc biệt, theo kịch bản biến đổi khí hậu cho VN mới được công bố chính thức, nhiệt độ trung bình ở nước ta có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999 và mực nước biển có thể dâng 0,75 – 1m vào cuối thế kỷ 21. Lúc này, ĐBSCL là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất khi có khoảng 15.000 km2 (38% diện tích) bị nước nhấn chìm!

GIẢI PHÁP- “NÓI ÍT, LÀM NHIỀU”

Cũng như một số hội nghị khác, hầu hết các ý kiến nêu giải pháp của các nhà khoa học, quản lý tại Hội thảo đều đại loại như: Cần phải có quy chế phối hợp hành động trong quản lý, quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; hay vấn đề liên kết 4 nhà, giải pháp phát triển giáo dục, thông tin truyền thông, lấy khoa học công nghệ làm mũi đột phá, thực hiện chính sách đầu tư và thu hút đầu tư. Bên lề Hội thảo, trả lời câu hỏi của NNVN: Dường như hầu hết các giải pháp nêu ra mọi người đều đã nghe qua, hay “biết hết rồi”, thậm chí nêu ra vài năm trước? Nhiều đại biểu đã cho rằng, thì có nêu nhưng chưa thấy ai làm, hoặc có làm nhưng chưa đâu vào đâu, chưa “ra tấm ra cám” thì chúng tôi tiếp tục phải nhắc lại. “Hâm nóng” có lẽ cũng là một việc cần làm để mọi người quan tâm xắn tay xắn áo “xốc” lại những công việc vẫn còn nằm ì trên giấy.

Có đại biểu cho rằng, chính sách hay quy hoạch của mình nó cứ đi...từ từ, vì thế nhiều người khi đi dự hội họp cứ lấy cái đề xuất tưởng như cũ “rích” của mình sửa lại đôi chút lại như mới. Có chuyện đó cũng bởi lẽ, vẫn còn quá ít ý tưởng được triển khai thành hiện thực, hoặc khi được vận dụng lại chậm vài năm, sự việc đã đổi khác thành ra ý tưởng không còn mấy giá trị. Câu chuyện sử dụng hiệu quả nguồn “đất” và “nước” vùng ĐBSCL cũng rơi vào trạng thái loay hoay như thế.

Đã trải qua nhiều năm với nhiều cuộc hội thảo, hội nghị lớn nhỏ, hàng trăm giải pháp đóng góp để đưa ĐBSCL tiến lên, nhưng thực chất “lý thuyết” và “thực tế” còn một khoảng cách rất dài. Đến nay, ĐBSCL vẫn có xu hướng khai thác tiềm năng tự nhiên nông nghiệp hiện có chứ chưa thực sự có định hướng đầu tư, phát triển bền vững. Và cũng vì thế, những vấn đề nóng bỏng này, một lần nữa sẽ khó có thể giải quyết nếu giải pháp “nói ít, làm nhiều” không được quan tâm một cách có trách nhiệm.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.