| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bò thịt chất lượng cao

Thứ Tư 18/07/2018 , 15:50 (GMT+7)

Ba năm qua, tỉnh Bình Định đã lai tạo được hơn 30.000 con bò BBB và bò Red Angus, phát triển mạnh đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ.

Tỉnh còn đang nhân rộng trong nông hộ giống bò Kobe Nhật Bản. Đây là bước đột phá của ngành nông nghiệp Bình Định trong lộ trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, giúp nông dân tăng thu nhập từ nghề nuôi bò.
 

Đi trước đón đầu

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX ngành nông nghiệp Bình Định đã quan tâm đầu tư việc nâng cao chất lượng đàn bò thịt. Đến năm 2014, khi Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020 ra đời, nông nghiệp Bình Định như được tiếp thêm sức trong công cuộc phát triển đàn bò thịt chất lượng cao.

08-23-28_4
Mô hình nuôi bò BBB chất lượng cao ở Bình Định

Bình Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh được TƯ hỗ trợ 50% nguồn vốn, tỉnh chi ngân sách 50%, nông nghiệp Bình Định có “vốn liếng” để mạnh tay lai tạo đàn bò.

Thời điểm ấy, ông Phan Trọng Hổ, người đứng đầu ngành nông nghiệp Bình Định, vốn xuất thân từ ngành chăn nuôi - thú y đã bỏ mấy tháng trời qua “ăn dầm nằm dề” bên New Zealend để tham khảo, học tập cách lai tạo đàn bò.

Sau khi nghiên cứu thực tế, ông Hổ khẳng định Bình Định sẽ lai tạo được giống bò “to con” BBB. “Nhóm bò thịt chất lượng cao BBB và Red Angus có khối lượng rất lớn, bò cái trưởng thành có thể đạt từ 600 – 800kg, bò đực đạt từ 1 - 1,2 tấn/con.

Để lai tạo các giống trên, yêu cầu đàn bò cái nền của mình phải có khối lượng lớn, từ 250kg trở lên. Bình Định hiện đang có tổng đàn bò gần 300.000 con, chiếm 85% trong đó là bò lai với lỷ lệ máu lai đến 85%, chủ yếu là bò Zebu, đây là lợi thế lớn trong lai tạo đàn bò chất lượng cao”, ông Hổ chia sẻ.

Cũng theo ông Hổ, bò cái có tỷ lệ máu lai cao ắt sẽ có khung chậu to, có thể sinh sản những chú bê “khổng lồ” khi được lai tạo với giống bò BBB và Red Angus.

Một lợi thế khác là Bình Định đang có hơn 100 dẫn tinh viên thiện nghệ, tỷ lệ phối giống đạt trên 73%, được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đánh giá cao.

08-23-28_3
Anh Đặng Đình Tùng ở huyện Phù Mỹ bên con bò “đen khổng lồ” của mình

“Bộ NN-PTNT cho phép phối 1,5 liều tinh thì được 1 con bò có chửa nhưng ở Bình Định chỉ phối có 1,3 liều, ni tơ thì yêu cầu 0,8 lít/1 liều tinh thì đạt 1 con bò có chửa nhưng Bình Định chỉ tiêu tốn 0,4 lít thì có 1 con bò đậu thai”, ông Hổ minh họa.

Ban đầu, khi mới đưa giống bò BBB về với nông hộ, nông dân “giãy nảy” không tiếp nhận, bởi họ quan niệm nuôi “bò đen” bán không ai mua. Nghe các địa phương phản ánh thực tế, ông Hổ không nản chí, chỉ đạo ngành chức năng các cấp cố thuyết phục bà con nuôi thử 1 – 2 năm sẽ thấy hiệu quả, nếu thất bại chính ông sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Và bây giờ, quyết định có phần mạo hiểm của người đứng đầu ngành nông nghiệp Bình Định đã cho hiệu quả trông thấy, giúp cho tỉnh phát triển mạnh đàn bò thịt chất lượng cao.
 

Ăn nên làm ra từ bò BBB

Ông Nguyễn Xuân Tân, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định cho biết, trong chương trình phát triển bò thịt chất lượng cao, đến năm 2018 tỉnh đã xây dựng được 32 mô hình nuôi bò thịt, chủ yếu là giống bò BBB, mỗi mô hình nuôi 10 con, nhà nước hỗ trợ 2,5 triệu/1 con và giống cỏ trị giá 1 triệu. Thành công của mô hình đã khiến người chăn nuôi ngày càng “kết” giống bò BBB.

Theo chân ông Tân, chúng tôi đi tham mô hình của nông dân Nguyễn Thanh Tập (SN 1982) ở thôn Trà Sơn, xã Tây An (huyện Tây Sơn).

08-23-28_1
Anh Nguyễn Thanh Tập chăm sóc đàn bò BBB
“Đặc biệt là bò BBB càng lớn chúng phát triển thịt càng nhanh, lượng thịt gấp đôi bò lai bình thường nên nuôi nhanh có lãi”, anh Tập chia sẻ.

Nhà anh Tập trước đây làm lò gạch thủ công, sau khi Nhà nước xóa lò, anh Tập đã cải tạo thành chuồng chuồng nuôi bò chất lượng cao.

Đàn bò 10 con của anh Tập có 9 con giống bò BBB và 1 con giống Red Angus, mới nuôi được 10 tháng con nào con nấy đã to đùng.

“10 con bò tui mua tổng cộng là 115 triệu đồng, con lớn nhất 7 tháng tuổi có giá 20 triệu đồng, nuôi mới 10 tháng nó đã đạt khoảng 450kg, người ta đã trả mua 45 triệu đồng mà tui chưa bán.

Giờ bán hết cả bầy tui sẽ thu được hơn 300 triệu đồng, trừ vốn mua con giống và thức ăn còn lãi khoảng 100 triệu sau 10 tháng nuôi”, anh Tập cho hay.

Theo anh Tập, bò BBB dễ nuôi, phàm ăn, thứ gì chúng ăn cũng ngon miệng nên ít tốn thức ăn công nghiệp, chủ yếu là ăn cháo và cỏ, nhờ ăn nhiều nên chóng lớn. Bò BBB lại ít bệnh tật. Dù giá bò cỏ, bò lai gần đây có giảm, nhưng giá bò BBB vẫn cao gấp đôi, đầu ra rất thuận lợi.

“Ngoài phát triển mạnh đàn bò BBB và Red Angus, Bình Định cũng đang nhân rộng trong nông hộ giống bò nổi tiếng của Nhật Bản là bò Kobe. Xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) đã thụ tinh 150 liều tinh giống bò Kobe, tháng 8 đến là những chú bê con giống Kobe sẽ ra đời, đây là giống bò có chất lượng rất cao”, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết.

 

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Người dân thôn cao nhất Việt Nam háo hức trồng trúc xào

Cây nông nghiệp, đa mục đích - trúc xào - đang được người dân thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai) triển khai trồng diện rộng.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.