| Hotline: 0983.970.780

Phát triển cây có múi bền vững

Thứ Ba 26/06/2012 , 16:59 (GMT+7)

Thực trạng quy hoạch vùng SX và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái nói chung, cây có múi nói riêng chưa được định hình rõ ràng...

* TS Võ Mai: Chuỗi cung ứng hoàn toàn lạc hậu

Một mô hình cây có múi đang được các nhà vườn đầu tư

Thực trạng quy hoạch vùng SX và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái nói chung, cây có múi nói riêng chưa được định hình rõ ràng khiến "điệp khúc" được mùa mất giá, SX theo phong trào vẫn luôn xảy ra. Đây cũng là nội dung đã được các nhà khoa học mổ xẻ tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ tư-2012 với chủ đề “Phát triển cây có múi bền vững” vừa được tổ chức tại Tiền Giang.

VÙNG SX… 4 KHÔNG

Cục Trồng trọt cho biết, SX cây ăn trái ở Nam bộ có bước tăng trưởng khá nhanh cả về diện tích, cơ cấu cây trồng và sản lượng. Nam bộ có trên 86.000 ha chuyên canh cây có múi, chiếm 18,45% diện tích cây ăn quả của toàn vùng với sản lượng trái hàng năm đạt 985.000 tấn, chiếm 57% sản lượng trái cây của vùng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mặc dù diện tích, sản lượng cây có múi đã tăng khá mạnh nhưng chủ yếu trồng tự phát theo phong trào. Ông Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt cho biết: “Hiện vẫn chưa có một vùng chuyên canh cây ăn quả nào đúng nghĩa, mà đa số vẫn là vườn tạp trồng xen. Cụ thể như các vùng chuyên canh sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa, cam sành hay bưởi Năm Roi... vẫn được trồng xen với 4-5 loại cây khác nên khó có thể thu hoạch số lượng lớn với độ đồng đều sản phẩm trái”.

Cũng theo ông Tùng, việc phát triển cây có múi ở ĐBSCL chủ yếu vẫn nằm trong vùng trồng truyền thống, còn mở ra những vùng mới rất hạn chế. Thực tế, nông dân ĐBSCL có tập quán và trình độ canh tác cây ăn trái rất tốt, đã có quy hoạch cây ăn trái đặc sản chung của vùng và từng địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập nên quy mô SX còn nhỏ lẻ, manh mún, vẫn còn tình trạng trồng nhiều loại cây trên cùng diện tích… Đây cũng chính là những hạn chế lớn dẫn đến việc SX cây ăn trái thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) cũng cho rằng, ở mỗi địa phương đều đã có quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản cho riêng mình, nhưng việc triển khai thực hiện còn rất đơn điệu. Một trong những nguyên nhân cơ bản đó là còn thiếu chính sách hỗ trợ cho nhà vườn.

Thực tế các vùng SX cây ăn trái đang còn rất nhiều hạn chế, người nông dân phải đối mặt với “4 không”, đó là không đủ nguồn vốn đầu tư; không có vùng chuyên canh đúng nghĩa; không có nhà đóng gói nào đạt tiêu chuẩn; giá cả đầu ra không ổn định.

Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn đã thẳng thắn đặt vấn đề: Chẳng lẽ việc thực hiện quy hoạch vùng SX cây ăn trái tập trung đã trở thành căn bệnh bất trị. Các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa về chính sách đầu tư, khuyến khích nông dân tham gia SX cây ăn trái theo hướng tập trung, hàng hóa lớn.

CẦN XÃ HỘI HÓA TIÊU CHUẨN VIETGAP

Theo ông Lê Thanh Tùng, năm 2011 giá trị xuất khẩu rau quả của VN lần đầu tiên đạt đến con số trên 630 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 3 lần năm 2000. Tuy nhiên, cũng chưa có số liệu thống kê cụ thể cho từng loại rau, củ, quả xuất khẩu được bao nhiêu cũng như thị trường nào tiêu thụ loại trái cây nào nhiều. Chính vì vậy rất khó xác định loại cây ăn trái nào được tiêu thụ mạnh để có chính sách phát triển mà chủ yếu do người dân trồng tự phát nên tình trạng rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, TS. Hoàng Quốc Tuấn, Phân viện Quy hoạch & thiết kế nông nghiệp miền Nam cho rằng, SX cây ăn trái ở ĐBSCL có khá nhiều thuận lợi, các nhà vườn có thể xử lý cho cây có múi ra hoa kết trái quanh năm, rải vụ và giảm tổn thất thu hoạch. Đây chính là một lợi thế lớn mà các địa phương phía Bắc không có. Hơn nữa 2 loại trái cho sản lượng lớn nhất ở ĐBSCL là bưởi và cam sành, cần tận dụng những lợi thế của hai loại trái này như vỏ dày, dễ vận chuyển và đầu tư xây dựng những trung tâm bảo quản, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường phía Bắc.

Cũng theo ông Tuấn, để đầu ra được thông thoáng và nâng cao thu nhập cho người làm vườn thì đòi hỏi đầu tiên là sản phẩm phải đạt chất lượng. Bởi thực tế canh tác thời gian qua cho thấy trồng cây ăn trái có năng suất rất cao. Vì vậy vấn đề bây giờ là người nông dân cần đặc biệt quan tâm đến những yêu cầu về thực hành nông nghiệp tốt để nâng cao giá trị trên 1 đơn vị diện tích.

“Để phát triển bền vững SX cây có múi cần phải tiến hành quy hoạch các mô hình điểm và cho nhân rộng. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc theo quy trình mà các nhà khoa học đã xây dựng và khuyến cáo. Những loại cây bệnh phải cương quyết loại bỏ, chỉ sử dụng những loại cây giống chất lượng cao…”, ông Châu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó các địa phương khi tiến hành quy hoạch vùng trồng cây có múi của tỉnh cũng cần tính đến thị trường và xây dựng các nhà máy đóng gói. Đồng thời liên kết với các kênh phân phối để đưa sản phẩm từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng và thực hiện những biện pháp kỹ thuật đúng cách để phòng chống bệnh vàng lá gân xanh hiệu quả.

TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng: “Dù Nhà nước có những dự án hoành tráng nào đi chăng nữa nhưng không giải quyết được đầu ra cho người nông dân thì cũng vô ích. Chuỗi cung ứng hiện nay của chúng ta là chuỗi cung ứng hoàn toàn lạc hậu, nghĩa là người SX không biết gì về thị trường tiêu thụ mà chủ yếu bán qua thương lái. Khi thương lái thu mua sản cả hai loại sản phẩm (VietGAP và SX bình thường) rồi đem trộn lẫn với nhau khiến giá trị thấp.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu cũng đồng quan điểm cho rằng: “Cần phải hiểu lợi ích của GAP và làm theo quy trình VietGAP thì mới SX bền vững. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm SX theo GAP sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm nào an toàn, sản phẩm nào SX bình thường. Đây cũng là cơ sơ để giúp sản phẩm của nông dân làm ra có giá trị cao hơn”.

Theo ông Châu, cần tiến tới xã hội hóa VietGAP để đến một lúc nào đó không cần phải tổ chức cấp chứng nhận VietGAP nữa, toàn dân đều hiểu và làm VietGAP, cũng như cách làm của Nhật Bản.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.