| Hotline: 0983.970.780

Phát triển cây có múi: Câu chuyện tầm nhìn

Thứ Sáu 05/12/2014 , 13:21 (GMT+7)

“Không một quốc gia nào có điều kiện trồng cam tốt như Việt Nam nhưng lại có giá cam cao như VN hiện nay. Chúng ta dành chính sách cho SX bia rượu tràn ngập, nhưng chính sách cho SX và chế biến nước ép trái cây dinh dưỡng cao, đặc biệt tốt cho sức khỏe giống nòi như nước cam thì lại bỏ bê”.

TS Đỗ Năng Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, người âm thầm gắn bó phát triển cây trồng có múi nhiều năm qua đã tâm tư như vậy khi trao đổi với NNVN về chiến lược phát triển cây có múi, đặc biệt là cam.

TS Vịnh cho rằng, VN đã thiếu một định hướng rõ ràng về cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi, một trong những sự không rõ ràng đó chính là định hướng về thị trường.

Người dân thiệt thòi

Ông nói chúng ta không có định hướng rõ ràng cho việc phát triển cây có múi. Vì sao?

Tôi đã nhiều lần đưa ra quan điểm tại nhiều hội nghị, diễn đàn ngành nông nghiệp về sự cần thiết phải có chiến lược và chính sách dài hơi cho 2 nhóm cây ăn quả là cam - quýt và chuối, bởi 2 nhóm cây này rất quan trọng do giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao.

Xu hướng thế giới càng phát triển thì nhu cầu các loại hoa quả giàu giá trị dinh dưỡng này càng vô cùng lớn. Cam và chuối không chỉ có giá trị dinh dưỡng rất cao trong các loại hoa quả mà còn rất lành tính, vì thế nhu cầu 2 loại hoa quả này sẽ tăng là điều tất yếu.

Người ta đi thăm người ốm thì mua cam, chuối, chứ có ai mua nhãn, vải không? Thế nhưng rất nhiều năm qua, nhìn lại trong chính sách của ngành nông nghiệp thì cam và chuối lại không hề nằm trong nhóm cây ăn quả được tôn lên vị trí dành sự ưu tiên phát triển, mà có thời kỳ lại cho rằng cần đưa cây vải và nhãn lên vị trí quan trọng hơn.

Các nhà khoa học nghiên cứu phát triển cây cam như chúng tôi những năm qua là nghiên cứu âm thầm mà thôi, chứ không có đề tài, dự án nào dành cho cây cam cả, cây chuối cũng thế, chẳng ai ngó tới.

Diện tích cam thực ra đang rất phân tán, nhỏ lẻ, ngay cả thống kê diện tích là bao nhiêu cũng không có số liệu, còn nguồn cung thì chưa thấm tháp gì so với nhu cầu. Người dân VN đang phải chịu thiệt thòi vô cùng khi chỉ có người giàu mới được ăn cam - một loại hoa quả rất giàu dinh dưỡng.

16-14-46_fn-mu
TS Đỗ Năng Vịnh cho rằng, VN hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc cây có múi

Vì sao ông nói người dân đang thiệt thòi và người giàu mới được ăn cam?

Không có một quốc gia nào có điều kiện trồng cam tốt như VN, nhưng lại có giá cam cao như VN hiện nay. Cái này chủ yếu do thiếu định hướng vĩ mô để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, khiến cung không đủ cầu. Mỗi năm chúng ta vẫn phải đi nhập khoảng 400 nghìn tấn cam, quýt. Dù thế, bình quân giá cam bây giờ vẫn tới 50 - 65 nghìn đồng/kg, giá cam NK từ Úc, Nam Phi về bán tới 150 - 200 nghìn đồng/kg, tương đương tới 2-3 USD/kg cam nội địa và 7-10 USD/kg cam NK, trong khi bình quân giá cam thế giới hiện chỉ xoay quanh khoảng 1 USD/kg.

Ngay cam sành thôi, rất nhiều hạt, chất lượng thấp, nhưng hiện vẫn bán tới 2 USD/kg, quá đắt. Cam đắt thế nên dân trồng cam đang siêu lãi, nhưng về sâu xa mà nói thì người tiêu dùng lại thiệt, xét về việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho nhân dân lại rất bất cập.

Ở Trung Quốc, sau những năm đổi mới, diện tích cam của họ tăng lên một cách rất nhanh chóng, từ một nước chỉ đứng hàng thứ 3-4 về SX cây có múi, bây giờ họ đã lên dẫn đầu về diện tích, bởi họ đã nhìn ra viễn cảnh khi đời sống dân họ tăng lên, sẽ cần phải phát triển cây có múi thành một ngành hàng.

Trước đây, chúng ta cũng từng nhận thức được thế mạnh về các loại cây này, và đã từng XK, nhưng nhận thức này không được kế tục, hàng loạt nông lâm trường cam và cây có múi tan rã, tạo nên một độ hẫng hụt rất lớn trong nhiều thập kỷ qua.

 Có thể trở thành cường quốc về bưởi

Vậy chúng ta cần phát triển bao nhiêu cam nữa thì vừa?

Tôi tính nếu đẩy được năng suất lên 20 tấn/ha, VN phải có khoảng 20 nghìn ha cam thì mới tạm bù đắp được lượng NK hiện nay, còn nếu năng suất chỉ hơn 10 tấn/ha như hiện nay thì phải cần 40 nghìn ha.

Một cây cam trồng xuống 5 năm sau mới ra quả, bây giờ phải tính được bài toán 5 năm nữa, dân chúng ta sẽ tăng lên bao nhiêu, nhu cầu cam mỗi người/năm là bao nhiêu, điều kiện KT-XH sẽ phát triển tới đâu trong 5 hay 10 năm tới để có định hướng, quy hoạch trồng bao nhiêu cam nữa, trồng ở đâu, sau đó dành chính sách cho nó… Thế thì may ra 7-10 năm nữa, SX cam trong nước mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Về lâu dài, còn phải tính tới chuyện xây dựng ngành SX nước ép, công nghiệp chế biến cam nữa. Chúng ta dành chính sách cho SX bia rượu tràn ngập, nhưng chính sách cho SX và chế biến nước ép trái cây dinh dưỡng cao, đặc biệt tốt cho sức khỏe giống nòi, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em thì lại bỏ bê.

Hiện chúng ta chưa thể đặt vấn đề chế biến cam, bởi diện tích, năng suất còn rất bé, giá cam còn cao ngất ngưởng. Chỉ khi giá cam tươi thấp xuống, thì mới mong chế biến được. Vì thế trong 10 năm tới, người trồng cam vẫn sẽ lợi nhuận rất cao.

Vậy ông đánh giá tiềm năng cây có múi, đặc biệt là cam của VN tới đâu?

Miền Bắc VN có điều kiện tự nhiên, khí hậu á nhiệt đới, đất đai… rất tương đồng với các cường quốc cây có múi trên thế giới như Mexico, vùng Florida (Mỹ), Sao Paulo (Brazil)... Hơn thế, địa hình chúng ta trải dài, có vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới nên có thể SX cây có múi rất đa dạng, từ các giống chịu nóng tốt như cam sành, bưởi ở phía nam; cam, quýt ở phía Bắc.

Có thể nói trong các nước ASEAN, VN là nước duy nhất có tiềm năng phát triển cam với quy mô lớn. Về lâu dài, nếu có chính sách cho cây trồng này bài bản, chúng ta sẽ có một ngành hàng XK rất có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt là cam không hạt tại phía Bắc và bưởi ở các tỉnh phía Nam.

Chúng tôi đã đi dự rất nhiều hội nghị quốc tế lớn về cây có múi, họ khẳng định bưởi VN hiện nay như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi là “hoa hậu” bưởi của thế giới hiện nay. Nếu có chiến lược phát triển vùng bưởi ở phía Nam, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc về bưởi. Các vùng nóng, ấm ở phía bắc như Sơn La, Hòa Bình… cũng có thể trồng bưởi rất tốt.

Xa lộ cam - quýt

Cụ thể, vùng nào có tiềm năng nhất, thưa ông?

Ở miền Bắc, không nơi nào đẹp và có tiềm năng trồng cam tốt như dải đất dọc trục đường Hồ Chí Minh, trải dài từ Hà Tĩnh ra tới Hòa Bình. Chúng tôi gọi đây là “xa lộ cam - quýt” có tiềm năng hàng chục nghìn ha.

Cùng với các vùng mía, vùng trồng cỏ nuôi bò sữa và bò thịt, trục miền tây Bắc Trung Bộ này tương lai sẽ là “phố sữa, phố bò thịt”, là “trục nông nghiệp công nghiệp hóa, công nghệ cao”, trong đó, cam sẽ là động lực đổi mới cho nông nghiệp vùng này. Nếu có quy hoạch, có chính sách tốt, chúng ta hoàn toàn tạo được một ngành hàng mang tầm quốc gia từ cây cam, thậm chí XK, chứ không phải lẹt đẹt tiêu thụ nội địa như hiện nay.

Khoảng 10 năm qua, chúng tôi đã âm thầm nghiên cứu dải đất này, xác định được vùng nào trồng được cam, trồng giống gì, chúng tôi đã nắm kỹ, chỉ còn chờ chính sách, chờ quy hoạch tầm vĩ mô nữa thôi. Mà Nhà nước không làm thì chắc chắn dân cũng sẽ làm, vấn đề là sẽ lôm côm, tự phát, rủi ro… mà thôi.

Hiện Cty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng đã dành hơn 50 ha thí điểm trồng cam rồi, hiện đã cho quả bói, cam phát triển rất tốt. Có thể nói chủ trương và định hướng này của chúng tôi đến thời điểm này đã thành công rực rỡ. Các Cty tham gia phát triển giống cam cùng chúng tôi từ chỗ sắp đổ nát đến nay đều đã trở thành các DN kếch xù, giàu có vô cùng, người dân vùng trồng cam đổi đời. Đây là thực tiễn chứng minh thêm cho lịch sử một lần nữa rằng, dải đất ven đường Hồ Chí Minh này là vùng rất chắc ăn về cây có múi. Thậm chí cây có múi có thể phát triển rất tốt dọc lên Sơn La, Lào Cai…

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm