| Hotline: 0983.970.780

Phát triển cây có múi theo hướng sản xuất hàng hóa

Thứ Sáu 14/12/2018 , 14:50 (GMT+7)

Năm 2017, tổng diện tích cây có múi (cam, quýt, bưởi) của cả nước là 186.800ha. Xu hướng vẫn còn tiếp tục tăng, đến hết tháng 9/2018 đạt trên 192.000ha.

Nhằm phát triển SX, tiêu thụ cây có múi hiệu quả cao, bền vững trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NN-PTNT Hòa Bình tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển cây có múi vùng Tây Bắc theo hướng SX hàng hóa”. Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ 6 tỉnh vùng núi phía Bắc.
 

Diện tích cây có múi tăng nhanh

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây có múi (cam, quýt, bưởi) của cả nước tăng khá nhanh. Từ năm 2013 đến nay diện tích cây cam tăng đáng kể, từ 53.800ha lên đến 90.700ha. Từ năm 2008 - 2017, diện tích bưởi tăng từ 43.500ha lên đến 74.200ha và diện tích quýt tăng từ 7.400ha lên đến gần 22.000ha.

08-47-44_nh_2
Ban Chủ tọa cùng ban cố vấn tại diễn đàn

Năm 2017, tổng diện tích cây có múi (cam, quýt, bưởi) của cả nước là 186.800ha. Xu hướng vẫn còn tiếp tục tăng, đến hết tháng 9/2018 đạt trên 192.000ha.

Hiện một số địa phương vùng trung du miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn) đã hình thành vùng SX hàng hóa mang lại giá trị cao, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm.

Tổng diện tích cây có múi của cả vùng này năm 2017 khoảng 56.400ha, sản lượng đạt 324.500 tấn (chiếm 62% diện tích cam, quýt, bưởi toàn miền Bắc và bằng 30,2% so với cả nước); chiếm 27,4% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng và gần bằng so với nhóm nhãn, vải (61.500ha, chiếm 29,8%).

Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, từ năm 2011 đến nay, chương trình khuyến nông về cây có múi đã triển khai nhiều mô hình đạt hiệu quả tốt.

Thông qua mô hình trình diễn, người nông dân trực tiếp được tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng canh tác, hưởng lợi trực tiếp từ mô hình. Kết quả trình diễn khuyến nông có tác động tích cực tới cộng đồng dân cư nơi xây dựng mô hình và những khu vực lân cận. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, người dân áp dụng nhân ra diện rộng.

Ông Khởi lấy dẫn chứng, mô hình thâm canh cam theo hướng VietGAP được triển khai ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nghệ An với quy mô 89.500ha. Mô hình khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học; áp dụng quy trình IPM trên cây có múi, dùng bẫy bả, hạn chế sử dụng thưốc BVTV.

08-47-44_nh_1
Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn

“Kết quả cho thấy năng suất cam trong mô hình tăng từ 15 - 20% so với ngoài mô hình, thậm chí có những điểm năng suất đạt trên 20% như mô hình triển khai ở huyện Cao Phong, Hòa Bình”, ông Khởi bộc bạch.

Tại Hòa Bình, tính đến hết tháng 11/2018, toàn tỉnh có 9.839ha cây ăn quả có múi. Trong đó, diện tích mới trồng và thời kỳ kiến thiết cơ bản là 4.665ha, diện tích thời kỳ kinh doanh là 5.174ha, năng suất bình quân đạt 239 tạ/ha, sản lượng 123.732 tấn.

Tổng diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ… là 632,98ha với 18 cơ sở được chứng nhận. Dự kiến đến năm 2020, tỉnh này có trên 70% diện tích SX cây có múi của vùng quy hoạch, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giá trị thu nhập đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Hiện, một số sản phẩm thích ứng rất tốt với điều kiện địa phương và cho chất lượng cao, đủ điều xuất khẩu như cam V2, cam Marrs, cam C36, bưởi da xanh, bưởi đỏ.

Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình, sản phẩm cây ăn quả có múi ở Hòa Bình hiện nay chủ yếu phục vụ ăn tươi với các kênh tiêu thụ khá đa dạng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ năm 2016 trở lại đây, thị trường tiêu thụ được mở rộng vào các tỉnh phía Nam và một phần xuất khẩu sang Campuchia.

Ông Hùng cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có những HTX, trang trại đầu tư nghiên cứu và tổ chức công đoạn bảo quan sản phẩm (bằng kho lạnh, màng phù); sơ chế, chế biển sản phẩm từ cây có múi thành các sản phẩm như nước ép, rượu, xà phòng, mứt… Tuy nhiên, quy mô còn hạn hẹp, thị trường tiêu thụ hạn chế.
 

Một số giải pháp

Tại diễn đàn, ban chủ tọa cùng các chuyên gia đã được nghe một số ý kiến của người dân trồng cây có múi lâu năm ở các huyện, tỉnh. Cùng nhau đưa ra các giải pháp để phát triển cây có múi theo hướng SX hàng hóa.

Theo ông Trần Văn Khởi, cây có múi là cây trồng có thế mạnh cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, đem lại lợi nhuận cao cho người SX. Một số vùng SX đã được quy hoạch, đầu tư thâm canh cao; năng suất, chất lượng và hiệu quả cây có cúi ngày càng được cải thiện, tăng cao.

08-47-44_nh_3
Cây có múi là cây trồng có thế mạnh cho các tỉnh vùng núi phía Bắc

Tuy nhiên, SX cây có múi còn gặp nhiều khó khăn như chất lượng giống cây, biến đổi khí hậu, tổ chức còn lỏng lẻo, các HTX kiểu mới thành lập chưa nhiều, vùng SX hàng hóa chưa rõ nét và chưa đạt được tiêu chí về hiệu quả… Vì vậy, để phát triển cây có múi một cách bền vững, cần thực hiện tốt những giải pháp sau.

Một là, các địa phương phải rà soát quy hoạch, chỉ đạo phát triển ở những vùng, địa hình thuận lợi cho cây có múi. Tránh phát triển “nóng” ở những vùng ít thuận lợi, bởi sẽ làm cho hiệu quả SX thấp, gặp nhiều rủi ro trong SX và tiêu thụ sản phẩm.

Hai là, thúc đẩy hình thành, tổ chức SX cây có múi của nông dân như câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX gắn với vùng SX hàng hóa lớn làm cơ sở cho SX quy mô lớn, liên kết giữa SX và tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng TBKT trong SX đã được hình thành như tưới nước tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, bón phân chuyên dụng, canh tác tiên tiến.

Ba là, xây dựng và vận hành chuỗi liên kết SX ở các vùng SX hàng hóa lớn, nâng cao năng lực SX cho người nông dân vùng SX hàng hóa lớn. Thực thi tốt các chính sách của nhà nước cho SX hàng hóa; liên kết SX, xúc tiến thương mại thị trường, chứng nhận chất lượng, nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là chính sách về tín dụng cho SX cây có múi.

“Đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục hướng dẫn nông dân về kỹ thuật SX cây có múi, thủ tục hình thành và vận hành HTX, tổ hợp tác, thủ tục chứng nhận chất lượng sản phẩm. Đề nghị các hộ nông dân tìm hiểu thấu đáo, kỹ lưỡng trước khi thâm canh cây có múi”, ông Khởi đề nghị.

Tại diễn đàn, hàng chục câu hỏi của bà con nông dân đã được ban chủ tọa, ban cố vấn giải đáp nhiệt tình. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như cách phòng chống dịch bệnh ở cây có múi, kỹ thuật chăm sóc, liên kết SX…

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.