| Hotline: 0983.970.780

Phát triển chăn nuôi gà thả vườn

Thứ Tư 30/05/2012 , 11:07 (GMT+7)

Mô hình nuôi gà thịt thả vườn đã có mặt trên hầu hết các thị trường phía Bắc, là một nghề mới, một hướng mở ra công ăn việc làm và tạo thu nhập có hiệu quả.

Từ ngày 28-29/5, tại Bắc Giang, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển chăn nuôi gà thả vườn an toàn và bền vững”. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua gia cầm; chủ yếu là gà công nghiệp rớt giá thê thảm, nhưng gà thả vườn vẫn đem lại hiệu quả. Như tại Bắc Giang, gà công nghiệp 25.000 đồng/kg, gà đồi Yên Thế vẫn có giá 60.000 đồng/kg.

Ông Sơn cho biết thêm, mô hình chăn nuôi gà thả vườn phát triển mạnh trong khoảng thời gian 6-7 năm trở lại đây. Hiện giống gà thả vườn được chọn giống bản địa (gà Mía, gà ri) lai với gà Tam Hoàng, Lương Phượng của Trung Quốc và gà Kabir. Gà rất dễ nuôi, thích ứng với điều kiện nuôi bán công nghiệp, chất lượng thịt tương đối thơm ngon, màu sắc phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ở Bắc Giang đang phát triển gà đồi Yên Thế với số lượng gia cầm nuôi quy mô nông hộ lớn nhất cả nước.

Mô hình nuôi gà thịt thả vườn đã có mặt trên hầu hết các thị trường phía Bắc, là một nghề mới, một hướng mở ra công ăn việc làm và tạo thu nhập có hiệu quả ở các vùng nông thôn. Gà thịt thả vườn đang cạnh tranh rất tốt với gà công nghiệp lông trắng và gà thải loại của Trung Quốc. Ở nước ta có nhiều tỉnh thành đang triển khai mô hình này, trong đó Bắc Giang dẫn đầu.


Mô hình nuôi gà thả vườn ở Yên Thế hiệu quả kinh tế cao

Để phát triển gà thả vườn bền vững, ông Sơn cho rằng: Các tỉnh, thành cần sớm quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi hàng hóa của địa phương. Ở cấp Trung ương, Bộ NN-PTNT quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp giai đoạn 2012-2020 gồm các vùng còn nhiều quỹ đất như trung du miền núi phía Bắc, Đông bắc, Tây bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở, trung tâm giống gốc và giống bố mẹ để cung ứng đủ con giống chất lượng.

Ông Vũ Đình Phượng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết: Ở Bắc Giang có diện tích đồi núi rộng lớn được trồng cây ăn quả, do đó phát triển phương thức chăn nuôi gà thả vườn rất thuận lợi. Hiện nay gà đồi Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, gà Yên Thế chưa có chỗ đứng trong siêu thị. Bên cạnh đó, nguồn giống gia cầm chủ yếu do các hộ dân chọn lọc từ giống bố mẹ tại trang trại nên chưa đảm bảo. Để gà thả vườn phát triển bền vững cần có một trại quy mô 5.000 con gia cầm giống gốc để SX giống.

Đồng thời có chiến lược phòng chống dịch cúm gia cầm, tập trung nghiên cứu SX vacxin trong nước để người chăn nuôi tự mua và tiêm phòng như các bệnh thông thường khác.  

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN-PTNT Hà Nội cho hay: “Đánh giá chất lượng giống, cung cấp nguồn giống nào đảm bảo là việc rất cần thiết. Bởi một khi sản phẩm muốn vào siêu thị thì cần đủ những yếu tố này. Ngoài ra khâu quảng bá sản phẩm, người nông dân chưa chưa thể làm được, do vậy ít ai biết được sản phẩm này. Hiện nay khâu giết mổ gia cầm chủ yếu là thủ công, công nghệ chế biến, bảo quản thực phẩm chưa cao nên VSATTP chưa đảm bảo”.

Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội hiến kế: “Để mô hình gà vườn đem lại giá trị kinh tế cao, cần liên minh lại với nhau. Theo đó sẽ có một số DN đứng ra để đáp ứng từ nguồn giống cho tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Sản phẩm có rõ nguồn gốc, đảm bảo VSATTP thì lợi nhuận sẽ cao hơn”.

“Cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, DN nước ngoài tham gia SX, chăn nuôi công nghiệp, hàng hoá; tạo điều kiện tối ưu nhất để thu hút đầu tư cho chăn nuôi. Bởi DN nước ngoài có lợi thế hơn hẳn về tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ, tổ chức SX và đặc biệt là tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm; khép kín từ khâu SX con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến chế biến, giết mổ...", ông Sơn nói.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.