| Hotline: 0983.970.780

Phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh học

Thứ Năm 10/07/2014 , 10:10 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang triển khai thí điểm các mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học (ĐLSH), hướng tới hỗ trợ phát triển 1.000 hộ chăn nuôi theo mô hình này.

Mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền ĐLSH đã được Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang triển khai thí điểm qua 4 lứa nuôi đều cho kết quả tốt. Hiện đơn vị này đã chuyển giao quy trình cho hộ dân để nhân rộng mô hình.

Ông Lư Xuân Hội, GĐ Trung tâm cho biết: “Chăn nuôi heo trên ĐLSH có nhiều ưu điểm, giảm chi phí đầu tư, công lao động và đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra”.

Theo ông Hội, ưu điểm nổi bật của việc chăn nuôi heo theo mô hình này là không mùi hôi, không khí độc; không cần thu dọn phân; không dội rửa chuồng trại; không tắm rửa heo nhưng vẫn sạch. Nhờ đó, giúp nông dân giảm được chi phí điện, nước, công lao động; giảm tỷ lệ mắc bệnh trên heo. Heo tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt.

“So với đối chứng, heo nuôi trên ĐLSH tăng trọng nhanh hơn 19,2%, giảm lượng thức ăn 11,6%. Tổng chi phí cho mỗi lứa nuôi giảm được 13% nên hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận tăng lên đáng kể”, ông Hội nói.

Hiện Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang đã kết thúc quá trình nuôi thí điểm và chuyển giao mô hình, chủ yếu tập trung ở các xã điểm nông thôn mới. Theo đó, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí làm ĐLSH, cán bộ của trung tâm sẽ phối trộn sẵn và chuyển giao cho dân. Cứ 1,5 m2 nền chuồng thả nuôi được 1 con heo.

Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020, tỉnh này sẽ hỗ trợ cho 1.000 hộ nông dân chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi tập trung, sử dụng ĐLSH, từng bước thực hiện theo hướng chăn nuôi sạch, an toàn dịch bệnh và ATVSTP, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhà nông.

Theo ông Hội, ĐLSH được làm bằng mạt cưa (70%) và trấu (30%) trộn với chế phẩm vi sinh Balasa N01 và sử dụng được cho hai lứa nuôi mới phải thay. Tuy nhiên, hiện nay nguồn mạt cưa tại địa phương rất khó tìm, nên trung tâm dùng bã mía và trấu với tỷ lệ 50 - 50.

Nhược đểm của bã mía là phân hủy nhanh nên phải bổ sung thêm trong quá trình nuôi và chỉ có thể sử dụng được cho 1 lứa nuôi.

Ngoài ra, Trung tâm KN-KN Hậu Giang cũng đang triển khai thí điểm nuôi gà trên ĐLSH ở huyện Phụng Hiệp và TP Vị Thanh. Mô hình có 14 hộ nông dân tham gia, mỗi hộ thả nuôi từ 250 - 400 con, giống gà Tàu vàng do Trung tâm Giống nông nghiệp cung cấp.

Ông Nguyễn Hoàng Chiến, Phó Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm KN-KN Hậu Giang cho biết: “Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí con giống, 30% vật tư gồm thức ăn, thuốc thú y và chế phẩm sinh học Balasa N01 làm ĐLSH”.

Chăn nuôi gà sử dụng đệm lót bằng trấu, với độ dày 10 cm, 1 kg chế phẩm sinh học Balasa N01 làm được 30 m2 nền chuồng. Theo ông Chiến, mô hình được trung tâm chuyển giao theo phương pháp FFS (tập huấn tại hiện trường), nông dân vừa học lý thuyết vừa thực hành trên mô hình, thời gian kéo dài theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của đàn gà (khoảng 3 tháng).

Theo đó, nông dân sẽ được tìm hiểu về lợi ích chăn nuôi gà trên ĐLSH, phương pháp làm ĐLSH sử dụng chế phẩm Balasa No1, kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh...

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.