| Hotline: 0983.970.780

Phát triển đàn lợn nông hộ trong gian khó

Thứ Ba 19/05/2020 , 07:10 (GMT+7)

Do khan hiếm nguồn cung nên giá cả thịt lợn tăng cao. Lúc này, tỉnh Nghệ An đang ra sức tái đàn lợn nhưng cũng không hề dễ dàng do vướng nhiều cái khó.

Chuồng lợn siêu nạc của nhà ông Lê Văn Nghệ ở phường Long Sơn, TX Thái Hòa mua từ cuối tháng 4/2020 với giá gần 3 triệu đồng/con. Ảnh: Hồ Quang.

Chuồng lợn siêu nạc của nhà ông Lê Văn Nghệ ở phường Long Sơn, TX Thái Hòa mua từ cuối tháng 4/2020 với giá gần 3 triệu đồng/con. Ảnh: Hồ Quang.

  Đây cũng là thời gian nguồn lợi mang về từ chăn nuôi lợn là rất lớn, mặt khác khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được không chế, thì bà con nông dân khắp nơi đang tích cực tìm nguồn giống để tái đàn. Tuy nhiên, đến nay đàn lợn nái trong nông hộ của tỉnh Nghệ An đã giảm 18.025 con so với thời điểm trước khi xảy ra DTLCP.

Giá lợn tăng cao, nông dân háo hức tái đàn

Ông Trần Văn Quang xóm Cồn Cả, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn cho biết: Đầu năm nay, nhà tui mạnh dạn mua 2 con lợn nái đã có chửa hết 10 triệu đồng, vì họ sợ DTLCP nên phải bán tháo.

Khi đưa lợn về nuôi, nhà tui cũng nhờ thú y tiêm phòng các loại bệnh, chuồng trại làm mới, lại được vệ sinh sạch sẽ nên 2 con lợn nái ăn khỏe, và chỉ hơn một tháng sau mỗi nái đẻ được 9 lợn con.

Vừa rồi đàn lợn mới nuôi được 4 tháng nhưng nhà tui đã xuất bán 9 con, thu hơn 50 triệu đồng (mỗi con nặng 70 kg, bán giá 80 ngìn đồng/kg lợn hơi).

Còn 9 con còn lại ngày nào cũng có thương lái đến hỏi mua, nhưng tui chưa bán. Hỏi, thế tại sao anh không bán bớt lợn con đi?

Ông Quang bảo: Vì lợn hơi đang có giá, nên nhà tui muốn mở mang chuồng trại để nhân đàn thêm. Nuôi lợn thịt có giá hơn nhiều so với bán lợn con. Vả lại lợn con bây giờ khan hiếm lắm, lợn nái thì giá 15 đến 20 triệu đồng/con, nhưng có tiền cũng không tìm đâu ra được để mà mua.

Xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn có 18.427 hộ dân, đây là xã thuần nông có số dân đông nhất so với các xã trong huyện, hiện đàn lợn có 7.500 con, trong đó các trang trại nuôi 4.400 con và nông hộ đã phát triển lên đến 3.100 con.

Ông Cù Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho hay: Do làm tốt công tác thú y, kiểm tra nghiêm ngặt công tác phòng dịch, nên năm ngoái thiệt hại do DTLCP không đáng kể. Hơn nữa nuôi lợn thịt hiện đang lãi lớn nên bà con nông dân háo hức mở mang chuồng trại để tái đàn.

Đến xóm Đông Hòa, phường Long Sơn, TX Thái Hòa, ông Lê Văn Nghệ chỉ tay vào dãy chuồng trại đang ngổn ngang xây dựng bảo: Dãy chuồng trại này rộng hơn 120m2, sắp tới khi xây xong em sẽ nuôi thêm 200 con lợn nữa.

Nói rồi ông dẫn chúng tôi tới khu vực đang chăn nuôi. Ông bảo: Năm ngoái nhà em cũng nuôi 20 con lợn thịt, tuy không bị DTLCP nhưng khi xuất bán cả đàn thì thương lái chỉ trả được 40.000đ/kg lợn hơi, tính ra không đủ tiền đã mua con giống. Đầu tháng Giêng năm nay, khi giá thịt lợn bắt đầu tăng lên, em háo hức bàn với vợ tập trung vốn để  tái đàn.

Đến dãy chuồng thứ nhất, ông Nghệ bảo: Chuồng này có 20 con, nuôi từ đầu tháng Giêng âm lịch, khi đó giá lợn giống còn rẻ, chỉ có 1,5 triệu đồng/con nặng 5-7 kg, được mua gom ở các chợ Nghĩa An, Nghĩa Đức, Nghĩa Khánh. Hiện mỗi con nặng hơn 70kg, và ngày nào cũng có người đến hỏi mua với giá 85 ngìn đồng/kg lợn hơi, nhưng vợ chồng em chưa bán.

Hai con lợn nái của nhà ông Trần Văn Quang ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn đã sinh lời rất lớn cho gia chủ. Ảnh: Hồ Quang.

Hai con lợn nái của nhà ông Trần Văn Quang ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn đã sinh lời rất lớn cho gia chủ. Ảnh: Hồ Quang.

Chuồng trại thứ 2 ông Nghệ thả 53 con, mua từ ngày 20/3/2020, khi đó mỗi con chỉ nặng 5 -7kg, bây giờ trọng lượng đã tới 20 kg/con. Chuồng thứ 3 có 25 con, mua từ ngày 28/4/2020 (5kg/con) đây là giống lợn siêu nạc do các  các thương lái trong huyện mua từ tỉnh Phú Thọ mang về bán ở các chợ với giá gần 3 triệu đồng/con.

Hỏi về lợi ích kinh tế, chị Xuân, vợ ông Nghệ mang sổ sách ra rồi cộng, trừ tính toán: “Em tính 20 con trong chuồng thứ nhất, khi mua giống hết 30 triệu đồng, thức ăn cám và rau cho một con hết 2,8 triệu/con trong 4 tháng, 20 con hết 56 triệu, cộng thuốc thú y, công và điện nước hết 4 triệu, tổng chi phí hết 90 triệu. Trong khi đó nếu bán 20 con lúc này được 119 triệu.

Như vậy nuôi 20 con lợn trong 4 tháng đã cho lãi 29 triệu đồng. Tính ra nuôi 1 con lợn trong 4 tháng sẽ cho lãi 1,45 triệu đồng”.

“Sắp tới, khi xây xong dãy chuồng trại mới, nhà em sẽ tiếp tục mua gom thêm 200 con lợn nữa để nhân đàn. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất bây giờ là nguồn giống đã cao, lại còn rất khan hiếm”, ông Nghệ bảo.

Rất muốn tái đàn nhưng thiếu giống

Ngoại trừ các trang trại chăn nuôi lợn hiện đang tập trung mọi nguồn lực để tái đàn và tăng đàn, nhưng khó khăn nhất với ngành chăn nuôi lợn hiện nay ở Nghệ An vẫn là thiếu nguồn giống.

Trước đây nhiều trang trại ngoài việc cung ứng lợn thương phẩm ra thị trường, hàng năm họ còn xuất bán ra hàng ngàn con lợn giống, kể cả lợn nái ai muốn mua cũng có.

Tuy nhiên hiện nay các trang trại lại bắt đầu gom nuôi lợn thịt từ những con lợn nái của mình. Bà con nông dân khắp nơi nhà nào cũng muốn nuôi thêm lợn, thế nhưng đi tìm mua con giống rất khó. Nhiều nhà cũng có nuôi lợn sinh sản, nhưng họ không bán giống, để nuôi thành lợn thịt bán cao giá hơn.

Ông Lê Viết Xường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn bảo: Xã tôi có 2.348 hộ dân, hiện đàn lợn có gần 3.000 con. Lợn nái 157 con và lợn đực 15 con. Hiện giá lợn hơi tại địa phương đang có giá 90 ngìn đồng/kg, và giá thịt lợn đang bán tại chợ 170- 180 ngìn đồng/kg. Vậy nên nhà nào cũng đang muốn nuôi thêm lợn.

Đến UBND huyện Nghĩa Đàn, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng phòng NN- PTNT cho biết: Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có 28.000 con, giảm 10.000 con so với trước DTLCP. Để thúc đẩy việc tái đàn, huyện đang tuyên truyền cho bà con vệ sinh chuồng trại, khi mua con giống phải có nguồn gốc và phải được kiểm tra tiêm phòng dịch bệnh.

Tuy nhiên, khó khăn nhất cho nông dân hiện nay là con giống giá đã cao lại rất khó mua, nhiều hộ có tiền nhưng vẫn không mua được con giống.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An thì số lượng tái đàn, tăng đàn lợn đến tháng 5/2020 đã đạt 51.000 con. Trong đó tái đàn, tăng đàn trong các doanh nghiệp, trang trại lớn là 33.000 con. Tái đàn, tăng đàn trong nông hộ 18.000 con. Hiện số nông hộ tái đàn trở lại sau DTLCP mới chỉ đạt 6.000 hộ/21.405 hộ có lợn bị DTLCP.

Sở dĩ số nông hộ tái đàn lợn còn ít so với nhu cầu, như trên đã nói bởi nguồn giống khan hiếm. Tính đến nay đàn lợn nái trong toàn tỉnh Nghệ An có 163.975 con, giảm 13.025 con so với trước khi bị DTLCP.

Trong đó lợn nái trong trang trại 53.725 con, đã tăng 5.000 con so với trước DTLCP. Thế nhưng lợn nái trong nông hộ chỉ còn 110.250 con, đã giảm 18.025 con so với trước DTLCP.  

Để thúc đẩy việc tái đàn lợn trong bối cảnh còn thiếu con giống, tỉnh Nghệ An đang thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó hỗ trợ 1 triệu đồng/con lợn cái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ có trọng lượng bình quân 60 kg/con. Mức hỗ trợ bằng 50% số lượng nhập đàn và tối đa không quá 100 triệu đồng/trang trại.

Hỗ trợ 50% giá lợn đực giống ngoại để thay thế, bổ sung đàn lợn đực giống tại các đơn vị thụ tinh nhân tạo của tỉnh.

Năm 2020 dự kiến hỗ trợ khoảng 30.000 liều tinh phối giống cho đàn lợn nái trong nông hộ…

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.