| Hotline: 0983.970.780

Phát triển đậu tương hàng hóa

Thứ Tư 24/09/2014 , 10:15 (GMT+7)

Là cây có thị trường tiêu thụ lớn, song trong 5 năm gần đây diện tích đậu tương nước ta có xu hướng giảm dần, hiện chỉ còn chưa đầy 120.000 ha. 

Ngày 23/9 tại huyện Hoàng Su Phì, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Hà Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa vùng cao phía Bắc”.

NĂNG SUẤT KHÔNG THAY ĐỔI

Theo ông Trần Văn Khởi, Phó GĐ Trung tâm KNQG, có một thực trạng đáng buồn là trong 5 năm qua năng suất đậu tương gần như không thay đổi, qua đó cho thấy vai trò của giống đậu tương mới chưa tác động nhiều đến SX. Năng suất đậu tương bình quân của thế giới (25 tạ/ha) thì nước ta chỉ khoảng 14,3 tạ/ha.

Chính bởi năng suất thấp mà giá đậu tương của ta đang cao hơn thế giới (giá đậu tương thế giới hiện khoảng 670 USD/tấn, tính cả phí vận chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 13.500 đồng/kg trong khi giá đậu tương trong nước đang ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg), từ đó ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng diện tích SX đậu tương trong nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy, khu vực miền núi phía Bắc là vùng SX đậu tương lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau ĐBSH với diện tích khoảng 50.000 - 60.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… được trồng chủ yếu ở vụ xuân và hè thu trên nương rẫy.

Cụ thể, vụ đậu tương xuân, toàn vùng miền núi phía Bắc mặc dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi với tiềm năng quỹ đất đai rất lớn, ít bị áp lực bởi cây trồng luân canh ngắn ngày khác, nhưng diện tích hiện tại cũng chỉ đạt khoảng hơn 20.000 ha với cơ cấu chủ yếu là đậu tương xuân - ngô hè thu (hoặc đậu tương hè thu).

Trong đó, khu vực Đông Bắc khoảng 12.000 ha, chủ yếu trồng trên chân đất đồi bãi cao chuyên trồng màu (đậu tương xuân + ngô hè thu hoặc ngô xuân + đậu tương hè thu). Tuy nhiên, do những năm gần đây thường gặp hạn vụ xuân nên nhiều nơi phải gieo đậu tương lại nên muộn thời vụ khiến năng suất thấp.

Tại khu vực Tây Bắc, diện tích khoảng 6.000 ha, do chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa nên thời vụ gieo bắt đầu vào mùa mưa (khoảng tháng 4). Thực tế là vụ xuân hè và tận dụng trồng vụ thu đông theo cơ cấu (đậu tương hè + ngô thu đông hoặc ngô hè + đậu tương thu đông) nên năng suất thấp, chỉ khoảng 11 tạ/ha.

Với đậu tương hè thu, vụ đậu tương chính ở các tỉnh miền núi phía Bắc diện tích khoảng 30.000 ha, cơ cấu chủ yếu ngô xuân + đậu tương hè thu. Vì không bị áp lực của vụ sau nên các giống đậu tương được đưa vào canh tác có thời gian sinh trưởng trung bình và dài ngày cho năng suất cao như DT2008, DT96, DT2001…

ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Để mở rộng diện tích cũng như nâng cao năng suất, hiệu quả cho cây đậu tương tại khu vực miền núi phía Bắc, Trung tâm KNQG định hướng các địa phương nên khai thác vùng bãi ngang, vùng đất cao chuyên trồng màu, vùng trung du có truyền thống thâm canh đậu tương. Vùng này khai thác trồng cả 2 vụ đậu tương xuân và hè thu, SX thâm canh cao, tạo vùng hàng hóa lớn.

Đặc biệt nên tận dụng vùng đất đồi 1 vụ lúa mùa, bỏ hoang vụ xuân. Theo thống kê, diện tích này khoảng 500.000 ha, có thể chuyển sang trồng đậu tương xuân (tháng 2 - 6). Nếu tận dụng được 100.000 - 150.000 ha đất 1 vụ ở vùng thấp, đất duy trì được ẩm độ vụ xuân cao có thể trồng đậu tương xuân với các giống có tính chống hạn cao.

Với đất lúa xuân trên ruộng bậc thang bấp bênh nước tưới, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao cũng có thể chuyển đổi sang cây màu, trong đó có cây đậu tương. Bên cạnh đó, những khu vực đất nương rẫy trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trong thời gian đầu chưa khép tán cũng có thể đưa vào trồng đậu tương.

Đánh giá của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho thấy, tiêu thụ đậu tương ở nước ta cho nhu cầu thực phẩm và TĂCN khoảng 3 triệu tấn khô dầu và 1 triệu tấn đậu tương/năm. Tuy nhiên, SX đậu tương trong nước cao nhất cũng chỉ đạt 300.000 tấn, đáp ứng chưa được 10% nhu cầu, chỉ đủ để làm đậu phụ và ăn trực tiếp.

Cùng với việc quy hoạch diện tích, vùng trồng, thời vụ, kỹ thuật canh tác thì vấn đề giống đang được quan tâm và coi là động lực để thúc đẩy phát triển cây đậu tương.

TS Trần Thị Trường, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển đậu đỗ (Viện Khoa học nông nghiệp VN) cho biết, trong những năm qua, công tác nghiên cứu về chọn tạo giống đậu tương đạt được thành tựu đáng kể với trên 30 giống phân theo 3 nhóm chính có thể gieo trồng được ở nhiều vùng đất, điều kiện khí hậu và lịch thời vụ khác nhau.

Nhóm vụ xuân và đông gồm: AK03, AK04, AK05, VX92,VX93, ĐT92, ĐT2000, DN42, TL57, DT90, DT96, Đ98-04, ĐT26, ĐT51…; Nhóm giống chuyên cho vụ hè và hè thu: M103, ĐT80, MĐT176, DT2008, ĐT51…; Nhóm giống 3 vụ/năm: DT84, ĐT93, AK06, ĐT12, ĐT22, DT-02, DT2008, ĐVN6, ĐT51…

Tiến sĩ Lê Đức Thảo - Trưởng bộ môn Đột biến và Ưu thế lai (Viện Di truyền nông nghiệp) cho rằng, để thúc đẩy phát triển SX đậu tương tại miền núi phía Bắc cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính là quy hoạch đất, chính sách hỗ trợ, giải pháp kỹ thuật trong đó đặc biệt chú trọng tới khâu giống và thời vụ gieo trồng. Cuối cùng không thể thiếu là giải pháp thị trường.

Việc sâu bệnh phát triển mạnh làm tăng chi phí SX, năng suất thấp do kỹ thuật lạc hậu, bộ giống kém chất lượng, điều kiện canh tác khó khăn, đầu tư thâm canh thấp và đặc biệt là thu hoạch trong mùa mưa nên không phơi sấy kịp nên rất dễ thối mốc là hàng loạt những nguyên nhân khiến diện tích đậu tương vùng miền núi phía Bắc có xu hướng giảm dần.

Tiến sĩ Lê Đức Thảo - Trưởng bộ môn Đột biến và Ưu thế lai (Viện Di truyền nông nghiệp), lãnh đạo các địa phương nên mạnh dạn tăng cường sử dụng các bộ giống đậu tương trồng 3 vụ/năm, thích ứng rộng, năng suất cao như DT90, DT96, DT99, DT95, DT2001…; Các giống chịu hạn, né tránh thời tiết bất lợi như DT2008, năng suất cao tới 20 - 40 tạ/ha, TGST 95 - 110 ngày.

Bên cạnh đó kết hợp sử dụng các loại phân bón chuyên dụng cho cây đậu do Viện Khoa học nông nghiệp VN và Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển phối hợp nghiên cứu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lối canh tác truyền thống, lạc hậu trên các giống cũ rất nhiều.

Ông Nguyễn Đức Vinh, GĐ Sở NN- PTNT Hà Giang chia sẻ, đầu năm 2011 UBND tỉnh ban hành đề án phát triển câu đậu tương hàng hoá tập trung giai đoạn 2011- 2015. Đặt mục tiêu khi hoàn thành, diện tích đậu tương của tỉnh đạt 25.000 ha, năng suất trên 1 ha ít nhất phải trên 16 tạ, sản lượng trên 40.000 tấn, hiệu quả kinh tế đạt trên 28 triệu đồng/ha, tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động, đưa cây đậu tương trở thành cây trồng chính tại Hà Giang.

Để cụ thể hóa mục tiêu, tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng giống đậu tương chịu hạn, năng suất cao, phù hợp trên chân đất 1 vụ của tỉnh Hà Giang”. Đến nay, đã xác định được 2 giống triển vọng cho năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái, canh tác của Hà Giang là DT2008 và ĐT26.

Song song với việc đẩy mạnh việc khảo nghiệm giống đậu tương mới, năng suất cao để chuyển đổi thay thế dần bộ giống cũ, UBND tỉnh Hà Giang tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ về đất đai, vốn và kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển cây đậu tương theo chiều hướng SX hàng hoá thông qua việc xây dựng vùng SX giống tập trung trên cơ sở nhập giống nguyên chủng của các viện, trung tâm nghiên cứu… để SX giống cấp 1, cấp 2 cung cấp ổn định cho các địa phương.

Các hộ dân trong tỉnh được tạo mọi điều kiện để phát triển cây đậu tương như hỗ trợ giống, cho vay vốn ưu đãi mua phân bón, tập huấn KHKT... nên kế hoạch 25.000 ha đậu tương năm 2015 hoàn toàn khả thi bởi tính đến năm 2014 diện tích đậu tương của Hà Giang đã xấp xỉ 24.000 ha.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.