| Hotline: 0983.970.780

Phát triển gần 10.000ha cây ăn quả có múi tại Hà Tĩnh: 'Buông' vài năm sẽ sập ngay!

Thứ Năm 13/12/2018 , 13:10 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trong chuyến thị sát công tác phát triển cây ăn quả có múi tại các huyện miền núi tỉnh Hà Tĩnh, mới đây. 

Ông Doanh khẳng định, sự nhạy bén của ngành NN-PTNT Hà Tĩnh đã đưa sản phẩm cam, bưởi của địa phương lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững diện tích cam, bưởi này, Hà Tĩnh cần thận trọng trong việc mở rộng thêm diện tích, thay vào đó tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là công tác quản lý, SX giống.

16-06-46_nh4
16-06-46_nh1
Trại giống Truông Bát đang được đầu tư phát triển thành trung tâm SX giống cây ăn quả có múi chất lượng cao. Ảnh: TN


Hơn 5.900ha cam, bưởi đã cho quả

Những năm 2012 - 2013, phong trào phát triển cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh bắt đầu nở rộ. Kể từ đó, hàng nghìn ha đất đồi núi SX keo, thông thuộc các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc… được chuyển đổi sang trồng cây cam chanh, nâng tổng diện tích cam toàn tỉnh đến thời điểm này đạt 6.725ha (trong đó, cam chanh 5.533ha, cam bù 1.192ha); các địa phương SX diện tích lớn là Vũ Quang (2.350ha); Hương Sơn (1.473ha); Can Lộc (534ha); Hương Khê (1.812ha)… Tổng diện tích đã cho thu hoạch đạt 4.095ha.

“Thủ phủ” cam Vũ Quang từng là một cái tên “vô danh”, nhưng bây giờ, nhờ áp dụng hiệu quả quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc vào SX nên chất lượng trái cam Vũ Quang “đánh bật” được cả các thương hiệu cam tên tuổi khác trên địa bàn Hà Tĩnh.

16-06-46_nh_7
16-06-46_nh6
Việc phát triển diện tích cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam những năm qua của Hà Tĩnh được Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao. Ảnh: TN

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Vũ Quang khẳng định, việc phát triển cây cam trong thời gian vừa qua là hoàn toàn đúng đắn. Cây trồng này đã giúp địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu và con người, góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích lên gấp hàng chục lần so với trồng keo, thông. Hiện, tổng diện tích cam của huyện đạt trên 2.350ha; sản lượng bình quân trên 16.000 tấn/năm; giá trị thu về đạt hơn 300 tỷ đồng/năm.

Sắp tới, để đảm bảo phát triển bền vững, huyện không chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung chuyển giao quy trình, kỹ thuật giúp người SX nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác quản lý, SX giống cam. “Khoảng đầu tháng 9 vừa qua, một số diện tích cam của người dân ở xã Đức Bồng, Hương Thọ, Đức Lĩnh… có hiện tượng rụng quả hàng loạt. Sau khi kiểm tra, ngành chuyên môn xác định nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do tuổi thọ cam già cỗi. Điều đáng nói, tuổi thọ cây ở một số vườn mới đạt 7 – 8 năm, trong khi nếu chọn giống tốt, chăm sóc bài bản thì tuổi thọ cây cam có thể lên đến 15 – 20 năm. Như vậy, có thể khẳng định việc chọn cây giống là yếu tố tiên quyết cho sự sống còn của cả vườn cam”, ông Sơn nhấn mạnh.

Là người đầu tiên đưa cây cam chanh về phát triển trên đất Khe Mây, “tỷ phú” Đinh Văn Oánh, xã Hương Đô, huyện Hương Khê cho biết, trang trại của ông có hơn 10.000 gốc cam (diện tích 20ha) đã cho thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua với giá bình quân cao hơn thị trường 7.000 – 10.000đ/kg nên doanh thu mỗi năm suýt soát trên dưới 5 tỷ đồng.

16-06-46_nh5
Ngoài các trại giống nằm trong hệ thống quản lý nhà nước, một số cơ sở tư nhân cũng đang “mạnh tay” đầu tư nhà lưới để SX giống. Ảnh: TN

Đối với cây bưởi, ngoài đặc sản bưởi Phúc Trạch (Hương Khê), tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung phát triển cây bưởi đường; đồng thời, du nhập một số giống bưởi mới về trồng thử nghiệm như bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng… Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3.187ha bưởi các loại; chủ yếu phát triển ở Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc… Diện tích đã cho sản phẩm trên 1.800ha và sản lượng bình quân hơn 17.000 tấn/năm.

Bảo tồn cây đầu dòng

Mặc dù xác định cây ăn quả có múi là cây trồng chủ lực, tập trung phát triển rầm rộ gần 10 năm nay, song phải khẳng định công tác SX, quản lý chất lượng giống của Hà Tĩnh đang còn nhiều hạn chế, dẫn đến hầu hết diện tích cam, bưởi suy thoái trước tuổi, sâu bệnh hoành hành, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, tính đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có 13 cơ sở lớn SX giống cây ăn quả có múi đặt tại 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Can Lộc. Tuy nhiên chỉ có 4 cơ sở đủ điều kiện SX giống chất lượng cao gồm: Trại bảo tồn và nhân giống bưởi Phúc Trạch (trại giống Phúc Trạch); Khu bảo tồn, nhân giống và phát triển cam bù (trại giống Hương Sơn); DN tư nhân Tân Thanh Phong và Trại thực nghiệm, nhân giống cây ăn quả có múi, cây lâm nghiệp Truông Bát (trại giống Truông Bát).

Ông Võ Tá Phong, Trại trưởng trại Truông Bát (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, bình quân mỗi năm nhu cầu SX của người dân Hà Tĩnh cần khoảng 7 vạn giống bưởi và 15 vạn giống cam. Tuy nhiên số lượng cây giống 4 cơ sở trên chỉ đủ cung cấp 35 – 45% nhu cầu; số còn lại do 9 cơ sở khác trên địa bàn SX, cung ứng và mua từ các tỉnh khác về. “Việc mua giống trôi nổi không chỉ tiềm ẩn rủi ro về tỷ lệ cây sống, sâu bệnh hại mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và chất lượng sản phẩm”, ông Phong nói.

16-06-46_nh3
 

Đồng quan điểm với Trại trưởng Võ Tá Phong, ông Đinh Văn Oánh khẳng định, tất cả các khâu trong quy trình SX cây ăn quả có múi đều quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố then chốt chính là lựa chọn cây giống và chăm sóc. Nếu trồng cây giống không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tác hại đầu tiên là cây phát triển chậm, sau đó đến phát sinh sâu bệnh. Những loại sâu bệnh thông thường thì không đáng ngại nhưng nếu “dính” phải các bệnh truyền nhiễm như Greening hay Tristeza coi như “khai tử” cả vườn cây.

Thực tế, từ năm 2000 Hà Tĩnh đã bỏ tiền mua cây đầu dòng của hộ dân để bảo tồn nguồn gen. Tuy nhiên, việc bình tuyển, nhân giống từ cây đầu dòng lại đang bị bỏ ngỏ. Phải đến năm 2016 – 2017, khi diện tích cây ăn quả có múi tăng nhanh thì công tác giống mới thực sự được đưa lên bàn cân.

Hiện toàn tỉnh có 8 cây bưởi Phúc Trạch; 30 cây cam chanh tập trung ở các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn; 34 cây cam bù ở huyện Hương Sơn, Vũ Quang đã được công nhận là cây đầu dòng. Các địa phương, cơ sở đang tiếp tục đề xuất công nhận 15 cây đầu dòng cam Khe Mây và 15 cây quýt Kỳ Anh. “Số lượng cây đầu dòng trên đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuổi thọ bình quân của bưởi từ 14 – 18 năm; cam 7 – 12 năm và quýt từ 10 – 14 năm”, ông Phong nhấn mạnh.

Giải pháp những năm qua Hà Tĩnh thực hiện để bảo vệ “kho” cây đầu dòng này là hỗ trợ 1 triệu đồng/cây cho các hộ dân chăm sóc, quản lý, phục vụ ngành chuyên môn lấy mắt ghép, bình tuyển, bảo tồn nguồn giống. Theo đó, trại giống Phúc Trạch bảo tồn 25 cây bưởi Phúc Trạch S0 và 450 cây S1; trại giống Hương Sơn bảo tồn 15 cây cam bù S0 và 400 cây S1; DN Tân Thanh Phong bảo tồn 200 cây bưởi, cam S1. Đây là những “tài sản” vô giá phục vụ việc bình tuyển, lấy mắt ghép nhân giống đảm bảo duy trì phẩm chất, đặc điểm nông sinh học, tính chống chịu của cây trồng; sạch bệnh truyền nhiễm và đảm bảo năng suất, chất lượng quả.

Tập trung quản lý giống, BVTV

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, việc phát triển cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh là một lợi thế và thực tế các cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bây giờ tỉnh dứt khoát không được chạy theo diện tích mà cần tập trung cho việc chăm sóc, quản trị bảo vệ thực vật, đặc biệt là công tác quản lý giống. Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh ưu tiên kinh phí, xây dựng đề tài nghiên cứu, thực nghiệm từng giống bưởi, cam cụ thể. Nhất định phải bảo tồn cây đầu dòng để nhân giống và việc này phải làm căn cơ. Nếu không quyết liệt, “buông” vài năm thì các vườn cây sẽ sập ngay.

Tháng 8/2017, Cty TNHH đầu tư phát triển SXNN Vineco (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh hơn 3 tỷ đồng thực hiện cải tạo, nâng cấp trại giống Truông Bát thành cơ sở bảo tồn nguồn gen cây ăn quả có múi của tỉnh. Sau hơn một năm chăm chút, đến thời điểm này trại giống Truông Bát đã bảo tồn được nguồn giống từ 300 cây S1, gồm các loại: bưởi Phúc Trạch, bưởi đường; cam chanh, cam bù, đủ để SX khoảng 5 – 7 vạn cây giống chất lượng cao các loại. Bảo tồn tập trung 360 cây giống các loại trên; đồng thời thu thập, trồng, chăm sóc hơn 300 giống cây ăn quả có tiềm năng của các tỉnh khác như: bưởi Diễn, da xanh, Đoan Hùng; cam V2, Xã Đoài, CS1; nhân hơn 1 vạn giống cây các loại phục vụ nhu cầu SX của nông dân…

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.