| Hotline: 0983.970.780

Phát triển hầm biogas giảm thiểu ô nhiễm

Thứ Ba 25/03/2014 , 10:08 (GMT+7)

 Hầm biogas với thể tích 5m3, mỗi ngày sẽ phân huỷ khoảng 20kg chất thải chăn nuôi và tạo thành 0,9m3 gas làm chất đốt.

Hiện nay, toàn huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) có đàn gia cầm trên 1,2 triệu con, đàn lợn trên 65 nghìn con và trên 8 nghìn con trâu, bò. Nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi ở quy mô lớn, trang trại, gia trại. Cùng với nhịp độ phát triển chăn nuôi, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng có những diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, huyện Hạ Hòa đã đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi.

Một trong những giải pháp hữu hiệu được huyện Hạ Hòa thực hiện là xây hầm biogas quy mô hộ gia đình. Trong đó, nổi bật là triển khai thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP). Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.000 hộ có hầm biogas cung cấp chất đốt cho sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đến nay, 33 xã, trị trấn của huyện Hạ Hòa đều đã triển khai các chương trình dự án về an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học. Một số xã làm tốt như Bằng Giã, Văn Lang, Minh Hạc, Lang Sơn…

Theo chân cán bộ khuyến nông xã Bằng Giã, chúng tôi đến thăm gia đình chị Ngô Thị Thanh Tuyết- một trong những người đầu tiên xây dựng hầm biogas của xã. Chị Tuyết tâm sự: "Gia đình tôi bắt đầu nuôi lợn thịt khoảng 7 năm nay. Tuy quy mô không phải là lớn, trong chuồng cũng chỉ duy trì khoảng 40 con lợn nhưng lượng chất thải thì rất nhiều. Bên cạnh đó nhà tôi còn nuôi thêm lợn nái và gà vịt. Trước đây khi chưa xây hầm biogas thì chất thải có mùi rất khó chịu, nhất là vào mùa hè. Từ khi xây hầm biogas gia đình tôi đã có chất đốt cho sinh hoạt, giảm được rất nhiều chi phí và điều quan trọng nhất là không còn mùi hôi thối nữa”.

Theo cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Hạ Hòa, hiện nay có hai loại hầm biogas, là xây hầm bê tông và hầm bằng nhựa composite. Chi phí cho một hầm 10m3 vào khoảng 14- 15 triệu đồng. Hầm biogas với thể tích 5m3, mỗi ngày sẽ phân huỷ khoảng 20kg chất thải chăn nuôi và tạo thành 0,9m3 gas làm chất đốt, tiết kiệm được một lượng củi sử dụng trong nấu ăn, điện sinh hoạt gia đình khoảng 600 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, bể biogas còn tận dụng phân bón có chất lượng cho cây trồng.

Để nhân dân có điều kiện xây hầm biogas, huyện Hạ Hòa đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân. Các hộ gia đình đăng ký tại UBND xã, thị trấn sẽ được vay vốn để xây dựng hầm biogas và được cán bộ hướng dẫn về kỹ thuật. Hiệu quả từ mô hình này đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng nguồn khí đốt để phục vụ sinh hoạt gia đình.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.