| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng NTM

Thứ Ba 07/12/2010 , 10:36 (GMT+7)

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng NTM của Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn nên phần nào đã hạn chế tiến độ triển khai thực hiện.

>> Phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng NTM của Hà Nội

Hà Nội quyết tâm trong thời gian tới cần khắc phục một số vướng mắc, khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nên công tác chỉ đạo, điều hành thiếu quyết liệt, thiếu tính chủ động sáng tạo để đạt các mục tiêu của chương trình đề ra.

Dư thừa lao động nông thôn

Sản xuất khu vực kinh tế ngoại thành vẫn là nền sản xuất nhỏ manh mún với công nghệ sản xuất lạc hậu. Ngành nông nghiệp luôn phụ thuộc và chịu tác động lớn của thiên nhiên nên rủi ro rất cao, thiên tai, dịch bệnh luôn luôn xảy ra cùng biến động giá cả, thị trường đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành nông nghiệp.

 Do tác động của quá trình đô thị hoá, lao động nông nghiệp thiếu việc làm ngày càng nhiều tạo ra sức ép lớn về lao động dư thừa trong nông thôn; sự ổn định về sản xuất ở một số vùng nông thôn đang bị phá vỡ. Trong khi đó cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, môi trường nông thôn bị ô nhiễm ngày càng tăng đang là những bức xúc và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ngoại thành.

Trình độ lao động nông nghiệp qua đào tạo còn thấp, do vậy việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp mới vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Lao động làm việc chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế sản xuất qua các năm, chưa vận dụng và phát huy được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp chưa đa dạng, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị thu nhập thấp. Hơn thế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thu hồi vốn chậm lại nhiều rủi ro nên chưa khuyến khích được các nhà đầu tư.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn so với nhu cầu của phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Nguồn vốn ngân sách đầu tư dàn trải, không đồng bộ, thiếu một đầu mối điều hành thống nhất. Do vậy hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa thật sự thu hút được nguồn nội lực sẵn có từ trong nhân dân để đầu tư phát triển.

Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các hộ nghèo thường tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đường giao thông đi lại không thuận tiện. Do vậy kinh phí đầu tư để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân là rất lớn. Công tác chỉ đạo thực hiện nội dung của Chương trình ở một số khâu còn chậm, chỉ đạo thiếu tập trung chưa dứt điểm, thiếu quyết liệt (như chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; xây dựng các mô hình, các dự án chế biến nông sản; du lịch sinh thái).

Việc triển khai lập, trình duyệt và tổ chức thực hiện các dự án của Đề án xây dựng NTM còn lúng túng, thiếu chủ động, có biểu hiện trông chờ. Việc huy động nguồn đóng góp của nhân dân, khai thác nguồn lực tại địa phương để xây dựng NTM còn hạn chế (chủ yếu là thuê tư vấn và các doanh nghiệp thực hiện), chưa huy động được tối đa nguồn lực lao động của địa phương tham gia, chưa sát với tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về xây dựng NTM.

Đặc biệt năng lực, trình độ tiếp thu và tổ chức thực hiện của cán bộ xã còn hạn chế, nhất là thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định đối với việc lập, thẩm định phê duyệt các dự án. Tiến độ thực hiện các dự án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm.

Tập trung tuyên truyền

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã đề ra cần tập trung chỉ đạo triển khai một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của thành phố thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung Chương trình 02/CTr-TU của Thành ủy và Kế hoạch số 110/KH-UBND của UBND Thành phố và Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, cần tập trung triển khai và hoàn thành một số quy hoạch, các đề án đã được giao phải kết thúc trong năm 2010. Tạo bước đột phá để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2010 - 2020. Ban chỉ đạo chương trình các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mức trong quá trình thực hiện, báo cáo Ban chủ nhiệm để kịp thời giải quyết đảm bảo hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thông qua đại hội Đảng cơ sở các cấp để lựa chọn những cán bộ, đảng viên có trình độ, có đức, có tài để từng bước kiện toàn và nâng cao chất lượng bộ máy lãnh đạo cơ sở; kịp giải quyết triệt để các vi phạm trật tự an ninh chính trị, các tệ nạn...

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của chính quyền. Tập trung vốn và tăng cường đầu tư hơn nữa vào các dự án nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có những cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (Hết)

(*): Tác giả hiện là Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.