| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế rừng bền vững

Thứ Năm 03/10/2013 , 11:13 (GMT+7)

Triển khai từ năm 2005, đến nay chương trình phát triển lâm nghiệp WB3 (trồng rừng thương mại) tại tỉnh TT- Huế đã đi vào giai đoạn cuối, gặt hái được những thành quả hết sức khả quan...

Triển khai từ năm 2005, đến nay chương trình phát triển lâm nghiệp WB3 (trồng rừng thương mại) tại tỉnh TT- Huế đã đi vào giai đoạn cuối, gặt hái được những thành quả hết sức khả quan với hàng nghìn hộ dân vươn lên làm giàu từ những cánh rừng.

"Vua" rừng

Giữa trưa, thời tiết nắng nóng oi nồng, ông Nguyễn Văn Phán- được mọi người gọi là “vua” rừng ở vùng gò đồi thuộc xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) tự tay lái ô tô đưa chúng tôi đi thăm những cánh rừng keo lai vừa được cấp chứng chỉ rừng chạy dọc theo các sườn đồi thôn Hòa Vang.

Ông Phán cho biết: “Rồi đây những diện tích rừng này sẽ được xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc cộng đồng Châu Âu (EU), không còn tình trạng bán gỗ dăm theo kiểu bị tư thương ép giá nữa”.

Nói về gian nan trong buổi đầu trồng rừng, ông Phán nhớ lại, trước đây phần lớn đất rừng được bỏ hoang, người dân lúc bấy giờ chưa đủ ăn thì làm gì có chuyện nghĩ tới việc làm giàu từ phát triển kinh tế rừng, hơn nữa với những người đam mê trồng rừng thì lại không có vốn để đầu tư.

Kể từ năm 2005, sau khi có chương trình phát triển lâm nghiệp WB3, thì người dân mới bắt đầu làm quen với việc trồng rừng. Chương trình trồng rừng thương mại không chỉ giúp cho hộ gia đình ông có điều kiện mở rộng và phát triển diện tích trồng rừng với quy mô lớn, mà còn tạo bước đột phá trong đổi mới tư duy, phương thức phát triển kinh tế rừng dựa trên tiềm năng đất đai của địa phương.

Trong tổng số 150 ha rừng hiện có của ông thì có đến 10 ha được hưởng lợi từ chương trình trồng rừng thương mại. Nét ưu việt lớn nhất của chương trình trồng rừng này là người dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Bình quân mỗi hộ dân được vay từ 10-15 triệu đồng/ha. Đây chính là động lực để họ mạnh dạn đầu tư trồng rừng.

Ông Phán hoạch toán, với chu kỳ sinh trưởng của keo lai, sau 5 năm rừng sẽ cho thu hoạch, với giá trị xấp xỉ 90 triệu đồng/ha, thời điểm cao lên đến 100 triệu đồng/ha, trừ mọi chi phí cây giống, công chăm sóc, lãi suất ngân hàng thì cũng thu được 60-70 triệu đồng/ha. Bên cạnh việc tái đầu tư cho gần 30 ha rừng trồng đã thu hoạch trong thời gian qua, hiện ông tiếp tục vươn ra đầu tư hơn 150 ha rừng trồng tại vùng gò đồi thuộc huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).


Vua rừng Nguyễn Văn Phán

Bền vững

Sau nhiều năm gắn bó với rừng, người dân ở khu tái đinh cư Bến Ván, xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) dần nhận ra rằng, rừng không chỉ mang lại nguồn lợi thu nhập cao, mà còn tạo ra những hấp lực mới trong chiến lược phát triển kinh tế rừng bền vững.

Bên cạnh đẩy mạnh việc chăm sóc, phát triển và quản lý rừng có hiệu quả, nhiều hộ dân ở thôn An Nông, Bến Ván (xã Lộc Bổn) đã được Cty GFA của Cộng hòa Liên bang Đức cấp chứng chỉ rừng. Đây là một trong những mục tiêu mà chương trình phát triển lâm nghiệp đề ra nhằm nâng cao năng lực quản lý, nắm bắt thị trường cũng như rút ra những kinh nghiệm trong việc quản lý, duy trì bền vững rừng.

Đưa chúng tôi đến thăm những khu rừng đã được cấp chứng chỉ, ông Đặng Duy Bửu, Trưởng thôn Bến Ván 1 cho hay: “Trong quá trình tham gia người dân thấy được hiệu quả mà chương trình mang lại rất cao, trước hết là bà con được ổn định SX trên đất của mình, được hỗ trợ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi, được tập huấn về kỹ thuật trồng rừng”.

Còn đối với ông Hồ Khả Bồi, một hộ dân sinh sống ven rừng thuộc địa bàn phường Hương Vân (thị xã Hương Trà), được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia triển khai chương trình trồng rừng của dự án WB3 từ năm 2009. Với diện tích 3 ha rừng trồng, bình quân ông Bồi được vay 15 triệu đồng /ha, theo hình thức giải ngân hai đợt thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách. Sau khi triển khai phát thực bì, đào hố sẽ giải ngân 50% nguồn vốn của đợt một, số còn lại 50% sẽ được giải ngân sau khi hoàn thành việc trồng rừng.

Theo ông Bồi, đây là quy định cho vay rất được người dân đồng tình ủng hộ, vì cách làm này sẽ giám sát chặt chẽ được đồng vốn ưu đãi. Ông Bồi nhẩm tính: “Với diện tích rừng trồng 3 ha của tui, sau 5 năm sẽ cho thu hoạch xấp xỉ 90-100 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông cũng như người dân sinh sống ven rừng không còn chật vật như trước đây, bởi chỉ bán 1 ha rừng là có thể sửa được căn nhà hoặc đầu tư cho con cái học hành”.

Chương trình phát triển lâm nghiệp WB3 được triển khai tại TT- Huế từ năm 2005-2013, gồm thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiến hành đo đạc được hơn 14.300 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp đã cấp sổ đỏ hơn 11.600 ha, với 7.340 hộ và tổng nguồn vốn giải ngân gần 89,6 tỷ đồng.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất