| Hotline: 0983.970.780

Phát triển lúa lai - Lợi thế và thách thức

Thứ Năm 09/06/2011 , 10:59 (GMT+7)

I. LỢI THẾ LÚA LAI

Do bản chất của con lai F1 là sự tổ hợp giữa hai dòng bố mẹ có đặc tính di truyền khác nhau nên cho ưu thế lai cao hơn các giống bố mẹ và các giống lúa thuần khác trong cùng điều kiện canh tác (sức sống hơn, hiệu suất quang hợp hơn, năng suất cao hơn và khả năng chống chịu điều kiện bất thuận tốt hơn).

Với quy trình công nghệ tối ưu sẽ khai thác tối đa tiềm năng năng suất của giống, nâng cao năng suất và tổng sản lượng để có thể thu hẹp diện tích gieo cấy mà vẫn đảm bảo nguồn lương thực cần thiết cho an ninh lương thực quốc gia. Nhưng để có các lợi thế trên chúng ta phải thoả mãn các điều kiện sau:

- Chọn tạo được tổ hợp có ưu thế lai cao.

- Dễ duy trì dòng bố mẹ (cho năng suất hạt bố mẹ cao).

- Dễ sản xuất hạt lai F1 (cho năng suất F1 cao).

- Xác định được vùng sinh thái, mùa vụ thích hợp cho SX bố mẹ và hạt F1 đạt năng suất cao và ổn định.

- Thiết lập được quy trình kỹ thuật SX lúa lai thương phẩm phù hợp để đưa năng suất thực tế tiếp cận năng suất tiềm năng (quy trình IPM, ICM…).

II. NHỮNG THÁCH THỨC

Nghiên cứu chọn tạo giống, các công nghệ nhân dòng duy trì được độ thuần di truyền, hạn chế trượt ngưỡng, SX hạt của lúa lai thuộc loại công nghệ cao nên đòi hỏi phải nắm bắt một số vấn đề sau:

Đặc tính di truyền của từng loại vật liệu sử dụng trong nghiên cứu (kiểu bất dục đực, dòng bố, dòng phục hồi R) trong lúa lai ba dòng và dòng cho phấn (dòng P) trong lúa lai hai dòng về khả năng kết hợp, khả năng và tỷ lệ thụ phấn chéo, tỷ lệ kết hạt và năng suất hạt lai.

Điều kiện để SX hạt lai đạt năng suất cao (độ phì của đất, chế độ ánh sáng, nhiệt độ (tổng tích ôn), số giờ mưa, ngày mưa trong giai đoạn trỗ bông nở hoa và độ ẩm không khí khi nở hoa thụ phấn thụ tinh, nhiệt độ không khí và sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm giai đoạn làm hạt và điều kiện thời tiết khi thu hoạch, công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản và phân phối hạt giống sau thu hoạch).

Phải có quy trình công nghệ phù hợp cho nhân từng dòng bố, mẹ của mỗi tổ hợp để nhân và SX hạt lai F1 trong từng điều kiện sinh thái, điều kiện KT-XH cụ thể trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt.

III. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SX VÀ NGHIÊN CỨU LÚA LAI Ở NƯỚC TA

Chương trình phát triển và nghiên cứu lúa lai sớm được Bộ NN-PTNT quan tâm tạo điều kiện. Từ năm 1992 hai tổ hợp lúa lai được đặt tên là HV1, HV2 được nhập nội và gieo trồng đánh giá tại Đan Phượng khi chúng ta chưa hề có nghiên cứu về lúa lai, hiểu biết của chúng ta về lúa lai còn rất hạn chế. Sau đó là sự đầu tư về kinh phí, về đào tạo đội ngũ dần dần được nâng lên và chương trình nghiên cứu lúa lai được ra đời với sự thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai cùng với các dự án TCP và sự có mặt của các chuyên gia quốc tế IRRI, Trung Quốc và Ấn Độ. Có thể nói suốt 20 năm qua kinh phí cho nghiên cứu tuy chưa thật nhiều nhưng không thiếu và SX luôn đi trước nghiên cứu, thành tựu nghiên cứu chưa đáp ứng và theo kịp SX do một số nguyên nhân sau:

Tổ chức hệ thống nghiên cứu tản mạn không tập trung, các nội dung nghiên cứu không được phân công cụ thể hoặc phân công nhưng không tuân thủ nghiêm túc trong các đơn vị tham gia nghiên cứu. Ví dụ giai đoạn đầu khi đề tài nghiên cứu lúa lai còn nằm trong chương trình nghiên cứu KN-01 đã được phân công Trung tâm nghiên cứu lúa lai - Viện KHKTNN Việt Nam tập trung nghiên cứu lúa lai 3 dòng, Viện Di truyền NN và ĐH Nông nghiệp Hà Nội tập trung vào hệ hai dòng nhưng sau đó không lâu sự phân công trên không được tuân thủ và ai muốn làm gì tuỳ thích dẫn đến sự trùng lặp trong khai thác vật liệu, nội dung nghiên cứu và giải pháp công nghệ trong nghiên cứu, nên đã lãng phí về thời gian, kinh phí và nguồn nhân lực.

Sự kiểm tra, đánh giá nghiệm thu không thường xuyên, thiếu cụ thể và sát sao.

Về các giải pháp (phương pháp công nghệ) trong nghiên cứu thì không được tiến hành theo thuyết minh, theo kế hoạch (hầu hết các thuyết minh/kế hoạch nghiên cứu tạo các dòng bố mẹ để tạo tổ hợp lai đều được liệt kê đầy đủ các phương pháp truyền thống và hiện đại như lai hữu tính, đột biến, lai xa, nuôi cấy bao phấn, quy tụ gen bằng Backross kết hợp với MAS thậm chí cả chuyển gen nhưng chúng ta không làm. Do vậy cho đến nay một số sản phẩm của các đề tài nghiên cứu như dòng bất dục, dòng phục hồi, dòng cho phấn… chưa thấy một sản phẩm nào là kết quả của việc sử dụng các giải pháp hiện đại mà các bản thuyết minh hay đăng ký đã liệt kê.

Trong 20 năm qua với sự cố gắng lớn chương trình nghiên cứu đã tuyển chọn được một số nguồn bất dục TGMS có nguồn gốc từ nước ngoài như T1S,96, Peiai 64SCL, 827S, 534S… đưa vào khai thác và sử dụng, chúng ta cũng đã chọn tạo được một số dòng bất dục như T70S, P5S và đã tạo được một số tổ hợp hai dòng ngắn ngày, năng suất khá, chất lượng khá tham gia vào cơ cấu vụ mùa như TH3-3, TH3-4, TH3-5, VL20, VL24, HYT100, HYT102, HC1. Nhưng đối với lúa lai 3 dòng, loại lúa này có vị trí quan trong trong vụ xuân vì cho năng suất cao hơn vụ mùa, ít nhiễm sâu bệnh thì các kết quả nghiên cứu trong nước trong suốt 20 năm qua vắng bóng các kết quả chọn tạo các dòng CMS và các tổ hợp lai 3 dòng ngoại trừ giống CT16. Điều này có lẽ do chúng ta chưa có đánh giá và nhận thức đúng đắn về vị trí của lúa lai 3 dòng tại Việt Nam hay vì chúng ta tránh sợ SX 3 dòng phức tạp hơn hệ hai dòng.

Việc chọn và duy trì các dòng TGMS nhập nội hoặc ta tự chọn tạo chưa được tuân thủ nghiêm ngặt và thường xuyên theo quy trình nên sự trượt ngưỡng và phân ly xảy ra rất lớn, chúng ta chưa có hạt giống siêu nguyên chủng thực sự của các dòng TGMS do vậy chất lượng các cấp hạt NC, XN không đảm bảo dẫn đến chất lượng hạt F1 không cao.

Nguồn nhân lực vừa thiếu, lại yếu và phân tán do vậy nhiệm vụ, mục tiêu và kết quả nghiên cứu không được giải quyết dứt điểm và hiệu quả. Chế độ đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu triển khai SX không rõ ràng và có sự sai khác lớn giữa các đơn vị nghiên cứu và triển khai lúa lai.

Việc tổng kết đánh giá kết quả nghiên cứu hàng năm, từng giai đoạn chủ yếu thực hiện theo kiểu trả bài theo mục tiêu và kết quả dựa vào bản thuyết minh do vậy nhiều loại sản phẩm như số dòng bất dục được chọn tạo, số dòng bố, số tổ hợp đã lai, số tổ hợp khảo nghiệm triển vọng, công nhận SX thử ít có ý nghĩa và rất khó mở rộng SX hoặc mất dần ngay sau khi đề tài nghiệm thu hoặc kết thúc.

Việc sử dụng và khai thác các điều kiện nghiên cứu một số nơi lãng phí, kém hiệu quả hoặc không chia sẻ ví dụ như hai phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (phòng công nghệ gen và công nghệ tế bào), một số phòng nuôi cấy mô, buồng khí hậu nhân tạo (phytotron), dụng cụ quang học… có mua sắm nhưng không được sử dụng vào việc đánh giá ngưỡng hoặc thiết bị chưa hề dùng đã hỏng.

IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Nên tổ chức mạng lưới nghiên cứu lúa lai theo chương trình để tránh việc trùng lặp.

Xây dựng các chương trình nghiên cứu theo nhóm vấn đề, theo nhóm giải pháp để tránh việc trùng lặp, thực hiện tốt việc quản lý và chia sẻ vật liệu cũng như kinh nghiệm nghiên cứu triển khai. Ví dụ nhóm tạo CMS, TGMS, nhóm sử dụng phương pháp lai truyền thống, nhóm dùng hợp tế bào trần, nhóm tạo dòng có chu trình C4, nhóm quy tụ gen của một số loài hoang dại hay tạo đa bội thể.

Cần đi đều cả hai hướng chọn tạo giống lúa lai 2 dòng và 3 dòng và xây dựng tiêu chí của sản phẩm các dòng bất dục theo tiêu chuẩn quốc tế như vậy mới có được các dòng mẹ ưu tú để có tổ hợp lai tương đương với các tổ hợp lai tốt của Trung Quốc đạt mức siêu cao sản.

Việc đánh giá, nghiệm thu cần tiến hành thường xuyên nghiêm túc đánh đánh giá đúng mức giá trị khoa học cũng như thực tiễn của sản phẩm của chương trình.

Nghiên cứu để xác định vùng ổn định, an toàn cho nhân dòng bố mẹ và SX F1 cho từng tổ hợp để giảm bớt rủi ro như thời gian qua.

Cần phát huy vai trò của các DN trong chương trình SX F1 trên các vùng đã được nghiên cứu và xác định nhưng phải có quy chế quản lý thống nhất đặc biệt là quy trình quản lý thống nhất trên mỗi vùng để có sự đồng nhất về các thủ tục hành chính trong giá cả, định mức cũng như tiêu chuẩn chất lượng hạt giống sau khi thu hoạch của các tổ hợp, các dòng được SX trên cùng một vùng.

Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn cũng như dài hạn để có một đội ngũ đủ mạnh và tích luỹ kinh nghiệm cho nghiên cứu và phát triển thành công lúa lai ở nước ta.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất