| Hotline: 0983.970.780

Phát triển mô hình thâm canh sắn bền vững tại Sơn La

Thứ Tư 12/12/2018 , 15:50 (GMT+7)

Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất cả nước, khoảng hơn 30 nghìn ha mỗi năm. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn sử dụng các giống sắn cũ và giống địa phương như sắn dù, sắn chuối...

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã đưa giống sắn cao sản KM94 vào sản xuất đại trà, tuy nhiên giống sắn KM94 hiện phân cành nhiều, dễ đổ dẫn đến năng suất thấp. Mặt khác sắn chủ yếu trồng theo hướng độc canh, sử dụng phân bón chưa cân đối, chưa có biện pháp hữu hiệu trong canh tác đất dốc. Cùng với đó, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan... dẫn đến diện tích đất trồng sắn bị thoái hóa, bạc màu, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây sắn ngày càng giảm... 

11-27-05_145
Sắn trồng theo mô hình mới cho năng suất cao, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần chống xói mòn, bảo vệ đất

Để giúp nông dân sử dụng hợp lý tài nguyên đất trồng sắn, khắc phục những khó khăn trên, năm 2018 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã tham gia thực hiện dự án: “Xây dựng và nhân rộng mô hình trồng giống mới và thâm canh sắn bền vững tại vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến” tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Với diện tích 21ha, mô hình trồng sắn bền vững với giống sắn mới BK kết hợp các biện pháp canh tác khoa học, từ mật độ trồng hợp lý, bón phân cân đối, trồng xen lạc, quản lý dịch hại tổng hợp... đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, bảo vệ đất và cải tạo đất hoang hoá, áp dụng kỹ thuật chống xói mòn, khôi phục độ phì nhiêu trên đất dốc. Các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% trồng giống săn mới BK, 50% vật tư, phân bón, thuốc BVTV; các hộ nông dân được tham gia tập huấn kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc theo phương thức trồng xen với cây họ đậu.

Kết quả mô hình trình diễn được đánh giá ngày 07/12 vừa qua với sự có mặt của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, UBND xã Chiềng Mung; Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn và Công ty CP Chế biến nông sản BHL Sơn La. Kết quả tại mô hình trồng giống sắn BK có xen canh cây lạc, năng suất sắn tươi đạt 48,5 tấn/ha với giá bán tại ruộng trung bình là 1.500 đồng/kg, thu được 72.750.000 đồng; sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 31.000.000 đồng, lãi ròng 1ha trồng sắn đạt khoảng 40.750.000 đồng, cao hơn mô hình giống cũ năng suất sắn 32 tấn/ha và lợi nhuận ước chỉ đạt khoảng 16 triệu đồng.

Thêm vào đó, mô hình trồng sắn xen với lạc còn cho thu thêm khoảng 3 tạ lạc củ trên 1ha; đồng thời khi cây họ đậu phát triển có thể hạn chế cỏ dại, giảm công làm cỏ. Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình canh tác sắn bền vững còn mang lại hiệu quả  đáng kể về môi trường và xã hội, đó là góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ tài nguyên đất đai, góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương. Việc trồng xen kẽ các loại cây dài ngày và ngắn ngày đã giúp người dân tận dụng đất, tăng năng suất cây trồng, xây dựng hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc, cung cấp, dự trữ nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.

Thông qua mô hình, nông dân có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, bảo quản nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác; đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững, phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh Sơn La.

 

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.