Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao chính là để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Thủ đô, gia tăng thu nhập cũng như cải thiện chất lượng đời sống cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Toàn thành phố đã triển khai 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đó có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản.
Những năm qua, ngành nông nghiệp thủ đô đã chú trọng sản xuất lúa gạo, rau, hoa, cây cảnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tham gia vào xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người nông dân
Riêng với sản xuất lúa gạo, cơ cấu giống lúa chuyển dịch theo hướng tăng nhanh diện tích lúa chất lượng và sử dụng trên 90% là giống lúa ngắn ngày.
Nhiều giống lúa chất lượng cao chiếm ưu thế đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 10 đến 20%, từng bước cải thiện đời sống nông dân.
Vụ mùa năm nay, tại cánh đồng xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, hợp tác xã nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú đã gieo cấy 30 ha giống lúa J02 hay còn gọi là giống Japonica 02.
Theo HTX này, giống J02 đang cho năng suất cao và có giá trị bền vững. Những năm qua nhờ canh tác theo hướng hữu cơ mà hơn 200 thành viên của HTX đã có thu nhập ổn định hơn.
Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ chia sẻ, những vụ đầu triển khai trồng lúa hữu cơ, dịch bệnh phát sinh rất nhiều.
Nhưng mỗi năm trôi qua, năng suất lúa dần được tăng lên và chúng tôi tính bình quân thu nhập của người nông dân sản xuất hữu cơ so với sản xuất thông thường là tăng 1,8 lần.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, năm 2020, đơn vị đã xây dựng được 26 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng tại 6 huyện với quy mô 1.776ha. Trong đó, 160ha lúa Japonica theo hướng hữu cơ, 300 ha lúa Japonica theo chuẩn Việt Nam, 1.316 ha lúa Japonica chất lượng an toàn.
Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 15 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa Bắc thơm số 7. Với mục tiêu hướng tới xuất khẩu gạo, ngành nông nghiệp Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn thành phố đạt trên 80%.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng phát triển nhiều vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ...; vùng sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, huyện Thường Tín cho biết: HTX đang đi theo hướng sản xuất rau chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản xuất.
Theo bà Uông Thị Phượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, huyện đã triển khai vùng rau 355ha đối với vùng rau đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tập trung ở các xã Hà Hồi, Thu Phú và Tân Minh.
Đến nay, thành phố Hà Nội có 138 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tập trung ở các huyện như: Mê Linh (18 mô hình), Gia Lâm (18 mô hình), Thường Tín (14 mô hình)... giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, những năm tiếp theo, nông nghiệp Thủ đô sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao là chủ yếu. Các loại rau sản xuất theo hướng hữu cơ và an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung ở một số huyện như Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ là những nơi có diện tích rau lớn.
Hà Nội đã có 139 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Đại diện ngành nông nghiệp Hà Nội cho rằng, việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chất lượng an toàn, ứng dụng công nghệ cao không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân và du khách của thủ đô mà còn tạo tiền đề thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội tham gia vào thị trường xuất khẩu.