| Hotline: 0983.970.780

Phát triển thủy sản: Lo nhất khâu quản lý dịch bệnh

Thứ Năm 24/02/2011 , 09:33 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nêu ý kiến này tại Hội nghị chuyên đề thú y – thủy sản được tổ chức hôm qua (23/2), tại Hà Nội.

Ngành thủy sản năm 2010 đã có bước phát triển vượt bậc với tổng kim ngạch XK đạt hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để phát triển ngành này trong tương lai, khâu phòng chống dịch bệnh luôn là ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nêu ý kiến này tại Hội nghị chuyên đề thú y – thủy sản được tổ chức hôm qua (23/2), tại Hà Nội.

Không có dịch mới lạ

Ông Đinh Trọng Ly, PGĐ Sở NN-PTNT phụ trách nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh, phàn nàn rằng, ở tỉnh này, chuyện không xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản mới là lạ, chứ còn lúc nào chả có dịch. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Ly cho biết, Quảng Ninh tuy có vị trí thuận lợi, có bờ biển dài và một số vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản như Vân Đồn, Đông Triều…, nhưng lại luôn phải nhập lượng lớn thủy sản và thực phẩm khác từ các tỉnh lân cận và biên giới nước láng giềng. “Không phải do năng suất nuôi trồng thấp, mà mỗi năm Quảng Ninh đón hơn triệu lượt khách du lịch. Đây chính là yếu tố khiến địa phương phải nhập thực phẩm”, ông Ly nói.

Được biết, năm 2010, Quảng Ninh đạt sản lượng thủy sản gần 80 nghìn tấn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ khoảng hơn 100 nghìn tấn. Theo ông Ly, vì nguồn cầu trong tỉnh luôn lớn hơn cung, nên đồng nghĩa với việc nhập thực phẩm là dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. “Với cơ chế như hiện nay, việc giám sát, phát hiện và quản lý dịch bệnh là rất khó khăn. Mấy năm gần đây, chúng tôi rất đau đầu về vấn đề này”, ông Ly bộc bạch.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cũng đồng tình với ý kiến trên. Hiện nay, về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực thú y thủy sản của Khánh Hòa thiếu quá nhiều cán bộ chuyên ngành, đặc biệt là bác sỹ thú y, bởi lẽ, chưa có một trường, trung tâm nào đào tạo chuyên ngành lĩnh vực này. Khánh Hòa là trung tâm giống của khu vực Nam trung bộ, nên việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên ngành càng gây bất lợi cho công tác kiểm tra dịch tễ. “Hiện mỗi năm chúng tôi sản xuất khoảng 3 tỷ con giống thủy sản. Nhưng trong số này có ai dám chắc không mang mầm bệnh. Nếu một phần nhỏ số giống có dịch bệnh, hậu quả sẽ rất khó lường. Hiện nay, để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, chúng tôi đã phải cử những kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đi tập huấn thêm về công tác thú y, quản lý dịch bệnh”, vị đại diện này cho biết.

Chuyên môn hóa cán bộ quản lý dịch bệnh

Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước có 395 cán bộ có trình độ đại học trở lên tham gia vào công việc thuộc lĩnh vực thú y thủy sản. Trong đó, khối trung ương gồm Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Tổng cục Thủy sản, khối các viện, trường đại học. Khối các địa phương chí có 39 sở NN-PTNT có cán bộ lĩnh vực này.

“Đây là yêu cầu tất yếu của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong tương lai”- Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định. Theo Bộ trưởng, công tác quản lý dịch bệnh là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành thủy sản. “Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi dưới nước đã được giám sát, quản lý chặt chẽ hơn, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, không vì thế mà không đổi mới công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, qua thực tế ở các địa phương cho thấy, mạng lưới thú y từ Trung ương đến cơ sở còn nhiều bất cập, cán bộ chuyên trách công tác thú y thủy sản còn mỏng, thậm chí có nơi không có. Hiện tại, ngành này vẫn chưa có phác đồ điều trị nhiều dịch bệnh phổ biến trên vật nuôi thủy sản, chưa có phòng thí nghiệm chuẩn và phòng tham chiếu quốc gia… Đây là những bất cập mà trong thời gian tới cần khắc phục.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hệ thống quản lý và giám sát dịch bệnh thú y thủy sản chưa thống nhất và xuyên suốt, thiếu đội ngũ cán bộ, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách trong thú y thủy sản. Đây chính là mối lo lớn nhất của ngành này. Theo Bộ trưởng, việc cần làm ngay là điều chỉnh lại hệ thống quản lý Nhà nước trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành 1 trong 10 nước XK thủy sản lớn nhất thế giới. “Cần tăng cường bộ máy nhân sự quản lý thống nhất, tránh chống chéo, phân công cho phù hợp với năng lực cán bộ để phát huy có hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu.

Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, việc kiểm dịch các mặt hàng thủy sản, thuốc thú y ở biên giới thống nhất giao cho Cục Thú y chịu trách nhiệm. Còn kiểm dịch trong nước và quản lý phòng chống dịch bệnh, Cục Thú y cùng Tổng cục Thủy sản sẽ rà lại các văn bản để làm rõ, có phương án điều chỉnh thích hợp với thực tiễn.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.