| Hotline: 0983.970.780

Phát triển vùng nguyên liệu: DN cần tính kế dài lâu

Thứ Hai 13/09/2010 , 10:33 (GMT+7)

Mới đây, tại TP Quy Nhơn ( Bình Định) đã diễn ra hội thảo Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.

Mới đây, tại TP Quy Nhơn ( Bình Định) đã diễn ra hội thảo Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng để vùng nguyên liệu phát triển bền vững, DN cần có chính sách gắn kết thiết thực với nhà nông…

Mía, mì...choảng nhau

Đơn cử tại tỉnh Bình Định, trên địa bàn hiện có DN chế biến mía (Cty CP Đường Bình Định - BISUCO) và chế biến mì (Cty CP Chế biến tinh bột mì xuất khẩu) đang hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy chế biến đang trong tình trạng bấp bênh, thiếu hụt nguyên liệu. Trong đó, điều đáng lo ngại là vùng nguyên liệu mía của BISUCO có nguy cơ thu hẹp dần. Nguyên nhân là do hiệu quả từ cây mía mang lại thấp, ND phá bỏ mía chuyển sang các loại cây trồng cạn khác.

Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc BISUCO, cho biết: Hiện nay, diện tích vùng nguyên liệu mía của DN trên địa bàn tỉnh thường xuyên biến động từ 2.300 - 3.000 ha, chỉ bằng 50% so với diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu nhà máy. Trong đó, diện tích mía thâm canh đất tốt, có nước tưới chỉ chiếm 28% diện tích, còn lại mía được trồng trên đất đồi, gò, đất xám bạc màu nghèo dinh dưỡng. Hiện nay, năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt xấp xỉ 50-60 tấn/ha. Sản lượng mía thu mua trong tỉnh chỉ đáp ứng từ 30-40% nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Đối với cây mì, tuy thời gian gần đây đầu ra của sản phẩm tinh bột mì khá thuận lợi, giá cao, nhưng nhà máy cũng đang trong tình trạng thường xuyên thiếu hụt nguyên liệu. Ông Đặng Văn Lý, Phó GĐ phụ trách Cty CP Chế biến tinh bột mì xuất khẩu, cho biết: Giá mì nguyên liệu đang được nhà máy thu mua ở mức 1.900 - 2.000 đồng/kg; giá sản phẩm tinh bột mì xuất khẩu ở mức 520 USD/tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu mì vẫn chưa ổn định. Tại các vùng nguyên liệu, việc đầu tư thâm canh cây mì vẫn chưa được nông dân chú trọng nên năng suất mang lại chưa thật sự cao. Để nhà máy chế biến tinh bột mì có thể hoạt động hết công suất, đơn vị phải tổ chức thu mua nguyên liệu tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên…

Cần tiếng nói chung

Tại Hội thảo, ông Trần Ngoạn, Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Bình Định, cho rằng: Việc phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn là do các DN chưa thật sự gắn kết lợi ích sản xuất đối với người ND. Do vậy, sự chung thủy giữa 2 bên chưa thật chặt chẽ, khi nhà máy cần nguyên liệu thì ND chuyển sang sản xuất các loại cây trồng khác; ngược lại, khi nguyên liệu sản xuất cho nhà máy bị dồn ứ thì DN…ngó lơ, không thu mua. Để việc phát triển vùng nguyên liệu ổn định, các DN chế biến cần ban hành các chính sách phát triển vùng nguyên liệu có lợi cho người ND, phải bảo đảm sản xuất có lợi cho cả 2 phía. Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường đầu tư du nhập, khảo nghiệm các giống mới, nhân rộng vào sản xuất; áp dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh, nâng cao năng suất, rải vụ… đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Ông Phan Sỹ Hùng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết thêm: Hiện nay, vấn đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển vùng nguyên liệu là giá cả bảo hiểm các mặt hàng nông sản do các DN chế biến nông sản đưa ra còn thấp. Phù Cát hiện được quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho cả nhà máy chế biến tinh bột mì và chế biến đường. Tuy nhiên, qua theo dõi thời gian gần đây, giá bảo hiểm của các mặt hàng nông sản được các DN đưa ra không theo kịp với diễn biến giá của thị trường, không thu hút ND…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Lâm Tường cho biết: Hiện nay, DN đang nỗ lực xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, từng bước lấy lại niềm tin của bà con ND trong tỉnh. Sở dĩ trong quá khứ DN có lúc bội tín với ND là do chính sách thu mua chưa thật sự hợp lý, diễn biến mía đường trong nước và thế giới biến động. Để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, BISUCO đã tăng định mức đầu tư cho ND trồng mía mới và chăm sóc mía gốc. Ngoài ra, BISUCO cũng tăng cường nhập các giống mía mới của Thái Lan, Trung Quốc, Mexico để thay cho các giống mía cũ đã thoái hóa, năng suất thấp. DN cũng đã đầu tư kinh phí để mua thêm phương tiện cơ giới giúp DN làm đất thuận lợi thay cho cách làm thủ công lâu nay; cải tiến kỹ thuật trồng mía, thâm canh để tăng thêm thu nhập cho nông dân…

Trước những bức xúc về vai trò của DN trên địa bàn, ông Đặng Văn Lý, PGĐ phụ trách Cty CP Chế biến tinh bột mì xuất khẩu, cho biết: Đối với vùng nguyên liệu mì, DN đang phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn và bổ sung thêm diện tích ở các huyện phía Bắc tỉnh để mở rộng vùng nguyên liệu từ 4.400 ha lên khoảng 8.000 ha, đáp ứng công suất hoạt động mở rộng của nhà máy lên gấp đôi vào cuối năm nay. DN cũng sẽ hoạch định chính sách cho vùng nguyên liệu một cách phù hợp, tổ chức thâm canh, tăng năng suất cây mì và hướng dẫn ND trồng mì rải vụ nhằm chủ động nguyên liệu cho nhà máy.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.