| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 20/04/2015 , 09:24 (GMT+7)

09:24 - 20/04/2015

Phí 'bôi trơn' - cuộc chiến nan giải

Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn cho hay, chi phí “bôi trơn” sau hơn nửa thập kỷ có xu hướng giảm, thì đã quay lại tăng cao trong năm qua.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, đã nêu bật một vấn nạn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và lo ngại, không những không được cải thiện, mà thậm chí còn tăng lên, đó là những khoản chi không chính thức, hay còn được gọi là phí “bôi trơn”, mà doanh nghiệp phải chi ra trong quá trình hoạt động.

Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn cho hay, chi phí “bôi trơn” sau hơn nửa thập kỷ có xu hướng giảm, thì đã quay lại tăng cao trong năm qua, 66% trong 11.500 doanh nghiệp được hỏi, đã xác nhận phải bỏ ra số tiền này, trong đó 10% số doanh nghiệp đã phải dành tới 10% doanh thu cho “bôi trơn”.

Chi phí “bôi trơn” mà doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều nhất là khi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng, 66,2% trong số 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi được hỏi, đã xác nhận phải mất phí “bôi trơn” trong lĩnh vực này.

Đặc biệt là khi được hỏi: “Doanh nghiệp có gặp bất lợi trong đấu thầu khi từ chối chi tiền hoa hồng?”, thì 89% số doanh nghiệp được hỏi đã xác nhận là có.

“Chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở khoản “bôi trơn” trực tiếp, mà còn gồm cả ở hiệu quả bị mất đi khi các nhà thầu không đủ năng lực được lựa chọn. Kết quả này cho thấy văn hóa chi hoa hồng cho cơ quan nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn”, báo cáo của PCI nhấn mạnh.

Phí “bôi trơn” tăng cao trong điều kiện nền kinh tế khủng hoảng, đặc biệt là trong khi cả nước đang thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, quả là một điều đáng lo ngại, bởi đây chính là điều chủ yếu khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi, năng lực cạnh tranh xuống thấp.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, thì phí “bôi trơn”, từ lâu, đã không còn là điều xa lạ, và doanh nghiệp còn lấp liếm, còn “hợp pháp hóa” trong hạch toán của mình được đối với khoản phí này. Nhưng với nhà đầu tư nước ngoài, thì nó hoàn toàn xa lạ.

Mọi hạch toán chi tiêu của họ đều rất minh bạch, và được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Chính vì thế mà những vụ hối lộ quan chức như vụ Đại lộ Đông - Tây (TP Hồ Chí Minh) hay vụ đường sắt đô thị trên cao (TP Hà Nội), những doanh nghiệp hối lộ đều bị cảnh sát sở tại phát hiện ra ngay. Chính điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Cuộc chiến nhằm triệt tiêu nguồn phí này quả là không đơn giản. Và sở dĩ đến nay vẫn không hiệu quả, vì các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chức năng của ta vẫn chỉ loay hoay với cái ngọn. Vẫn chỉ biết tuyên truyền nâng cao ý thức, đạo đức đối với những người có điều kiện nhận những khoản phí này.

Nhưng cái gốc của vấn đề là ở chỗ: Phí bôi trơn trở thành điều tất yếu khi công chức không sống được bằng lương, trong một xã hội tiền mặt, mọi nguồn thu của công chức không kiểm soát được.

Phải giải quyết vấn đề từ gốc: Quyết liệt tinh giản bộ máy công chức, để mọi công chức sống được bằng lương. Và kê khai tài sản của họ một cách minh bạch để kiểm soát.

Bình luận mới nhất