| Hotline: 0983.970.780

Phí cao tốc Bắc - Nam khởi điểm 1.500 đồng/km/xe

Thứ Ba 14/11/2017 , 20:56 (GMT+7)

Nhà đầu tư tính mức thu phí bình quân 2.500 đồng/km/ôtô 5 chỗ nhưng Chính phủ xác định mức giá ban đầu chỉ 1.500 đồng/km, cao nhất là 3.400 đồng.

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án thu giá theo lộ trình vì đây là cơ sở thuyết phục nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại phiên thảo luận chiều 14/11. Ảnh: Quochoi.

Đồng tình với chủ trương, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng muốn phát triển kinh tế phải có cơ sở hạ tầng hiện đại, nếu có đường cao tốc có tốc độ 100-120km/h thì vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu và hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên theo đại biểu Phương, vừa qua có một số dự án đường giao thông được xây dựng theo hình thức BOT giảm giá sau khi bị người dân phản ứng, mặc dù khi xây dựng các nhà đầu tư đã được thống nhất mức giá. Ông cho rằng, với cách xử lý như vừa qua sẽ không có nhà đầu tư nào dám đầu tư vào các dự án BOT.

Cũng cho ý kiến về giá, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thống nhất dùng khung giá dịch vụ làm cơ sở trúng thầu nhưng cần khi rõ là hợp đồng trọn gói không điều chỉnh giá trong suốt quá trình thực hiện để đảm bảo đúng cơ chế thị trường và đảm bảo nhà đầu tư yên tâm về tính nhất quán của chính sách.

"Đề nghị Chính phủ rà soát lại các thông tin dự báo để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư mà không làm phương hại lợi ích của nhà nước đồng thời phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân", đại biểu tỉnh Phú Thọ nói.

Về nguồn vốn, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu, để làm hơn 650km đường cao tốc cần hơn 118.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 55.000 tỷ (chiếm 46%) số còn lại được huy động từ các tổ chức tín dụng. Theo đại biểu Vượt, nguồn vốn trên hoàn toàn có thể đáp ứng dự án, tuy nhiên tổ chức tín dụng nào cho vay, nhà đầu tư nào được vay cũng không hề đơn giản vì nợ xấu vẫn đang là nỗi ám ảnh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày hai vấn đề với nguyện vọng "rất mong Quốc hội ủng hộ".

Vấn đề thứ nhất là lộ trình thu phí, Bộ trưởng cho hay hiện 8 dự án BOT được xây dựng mức giá bình quân là 2.500 đồng/km/một xe 5 chỗ. Nhưng ông Thể cho rằng, mức giá 2.500 đồng/km nếu áp dụng ngay khi hoàn thành dự án thì sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải đáp ý kiến các đại biểu về chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Quochoi.

"Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2-3 năm tăng 200-300 đồng. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km", Bộ trưởng Giao thông nói.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông, nếu có một lộ trình thu giá rõ ràng ngay từ đầu sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, hấp dẫn họ tham gia và ngân hàng tài trợ cũng thấy được đảm bảo thu hồi vốn. Người đứng đầu Bộ Giao thông cho rằng, trong trường hợp Quốc hội không ủng hộ phương án thu giá theo lộ trình cụ thể thì việc huy động vốn sẽ cực kỳ khó khăn.

Vấn đề thứ hai là công tác giải phóng mặt bằng, theo ông Thể, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, trong năm 2018 Chính phủ phải phê duyệt được dự án, giữa 2019 khởi công và hoàn thành dự án vào năm 2021.

"Chúng ta chỉ có một năm rưỡi để lập dự án, phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Mong đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, chính quyền địa phương ủng hộ để thực hiện tốt giải phóng mặt bằng", Bộ trưởng Giao thông bày tỏ mong muốn.

Ông Thể cũng kêu gọi người dân hy sinh một phần để nhường đất cho công trình trọng điểm quốc gia, dự án sẽ kết nối thành phố lớn, trung tâm lớn, khu công nghiệp để làm sao đột phá về kinh tế, ngân sách, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn khác.

Theo chương trình làm việc, Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại phiên cuối cùng của kỳ họp vào chiều 24/11.

Dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam sẽ gồm 11 dự án thành phần, trong đó 8 dự án sẽ được đầu tư theo hình thức công - tư (chủ yếu là BOT) khoảng 530 km tổng vốn đầu tư 104.079 tỷ đồng. Ba gói đầu tư công gồm: Ninh Bình – Thanh Hóa, Cam Lộ - Túy Loan, Cầu Mỹ Thuận 2 và 7 km cầu Mỹ Thuận.

Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch phân vốn trái phiếu Chính phủ là 80.000 tỷ đồng, trong đó dành 70.000 tỷ đồng cho dự án giao thông và 10.000 tỷ dự án chống ngập TP HCM. Trong 70.000 tỷ thì đưa vào dự án cao tốc Bắc Nam 55.000 tỷ, còn lại để xử lý cầu yếu đường sắt và các vấn đề cấp bách khác.

 

(VnExpress)

Xem thêm
Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm