| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 01/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 01/06/2015

Phí và sức dân

Cuộc thảo luận về dự thảo luật phí và lệ phí của Quốc hội sáng 29/5 đã được người dân cả nước đặc biệt quan tâm. 

Vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Điều mà người dân mong mỏi là sau khi có luật, mọi thứ phí và lệ phí sẽ trở nên minh bạch hơn, quy củ hơn. Và có luật, đại chúng sẽ có một “cẩm nang” trong tay, cứ thế mà thi hành, tránh việc đặt ra những khoản phí và lệ phí ngoài luật.

Điều mà người dân quan tâm đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra trong buổi thảo luận. Đại biểu Bùi Đức Thu (Lai Châu) cho rằng dự thảo cần tránh việc mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí.

Bởi danh mục 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí được quy định trong dự thảo, thực tế mới là những quy định chung chung, theo lĩnh vực. Còn nếu tính thực tế của luật này thì phải có đến hơn trăm khoản phí và vài trăm lệ phí.

Còn theo đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương), trong dự thảo luật có những khoản đọc lên nghe rất buồn cười, thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo: “Khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch. Vào cảng lại phải đóng phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. Nhiều loại phí quá. Đã nộp phí cập cảng rồi thì phải thôi phí neo đậu.

Vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ. Rồi lệ phí hoa hồng chữ ký là loại lệ phí gì? Tôi đọc mà không sao hiểu nổi. Đó có phải là hình thức “bo” chữ ký không? Hay “hoa hồng” là “hoa hồng” cho chữ ký của sếp?”, ông Khanh nêu ví dụ.

Về quy định thu phí phòng chống dịch bệnh, ông Lê Đình Khanh cho rằng đã sinh ra Bảo hiểm Y tế (BHYT) thì phải phòng chống tốt dịch bệnh, để người dân đỡ ốm đau, BHYT đỡ mất tiền. Thế mà lại còn bắt dân đóng phí phòng chống dịch bệnh, rồi còn gì nữa. Thế là phí chồng phí. Ông muốn đỡ mất tiền BHYT thì ông phải phòng chống tốt, chứ sao lại bắt dân gánh?

Một loại phí được nhiều đại biểu quan tâm nhất là phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Đây là loại phương tiện chủ yếu của người dân dùng để mưu sinh. Trên cả nước hiện đã có trên 43 triệu xe máy. Nhiều đại biểu cho rằng khi mua xăng, là người đi xe máy đã đóng phí rồi. Nếu lại đóng phí nữa thì vẫn lặp lại cảnh phí chồng phí. Đại biểu cho rằng khoản phí thu được này không đáng bao nhiêu, mà lại đẻ ra một bộ máy thu rất cồng kềnh, tốn kém…

Phí và lệ phí là những khoản thu ngoài thuế. Mà tỷ lệ thuế, phí/GDP ở Việt Nam hiện đã rất cao so với các nước trong khu vực rồi. Báo cáo của PGS.TS Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm 2015 cho biết: Giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia 15,5%, Indonesia 12,1% còn Ấn Độ chỉ 7,8%. Như vậy là mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ thuế, phí cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với một số nước trong khu vực.

Nay nếu dự thảo luật phí và lệ phí lại “tận thu” kiểu “cái gì cũng thu”, các loại phí và lệ phí lại chồng lên nhau, như lời một số đại biểu, thì người dân chịu sao nổi, vì sức dân có hạn. Đó cũng chính là nguyên nhân cuộc thảo luận về dự thảo luật phí và lệ phí thu hút được nhiều ý kiến của đại biểu, khiến dư luận xã hội “nóng” lên đến thế.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm