| Hotline: 0983.970.780

Phía sau những chương trình truyền hình được yêu thích

Thứ Bảy 23/06/2018 , 13:15 (GMT+7)

Tâm sự của chính MC các chương trình truyền hình ăn khách, ít nhiều cho công chúng hiểu thêm những nỗ lực của người làm báo hôm nay. Phía sau những nụ cười và nước mắt trên màn ảnh nhỏ, là những niềm riêng không phải ai cũng hiểu!

Ai đợi tôi phía sau cánh cửa im lìm?

Công việc của tôi, có khi dậy sớm từ 4 giờ sáng để đi quay. Trời lờ mờ những ngọn đèn liu điu như còn khuya khoắt như sắp bình minh, cũng có cảm giác sợ... ma lắm. Vẫn phải đi. Đi theo "Ngôi nhà mơ ước" để thấy còn rất nhiều người trên cuộc đời này dù đứng rất gần bẽ bàng vẫn gắng gượng vươn lên. Ôi, lẽ sống. Cay đắng mà tốt đẹp, cơ cực mà thương yêu.

09-33-20_do_thuy

Tôi thường có những chuyến đi xa nhà nhiều ngày. Hôm trước xuống biển, hôm sau lại lên rừng. Đường dài cũng mỏi mệt, nhưng ở vai trò MC chương trình nên tôi thấy những vòng bánh xe rộn ràng cho hành trình bớt xa xôi!

Những vùng đất tôi đến có nhiều người nghèo, nhiều mảnh đời buồn thảm mà không bị nhấn chìm xuống tuyệt vọng. Tôi nghĩ, đó là sức mạnh của niềm tin, niềm tin vào số phận, niềm tin vào tương lai. Trong sự lầm lũi của người lớn, trong sự bơ vơ của đứa trẻ, có niềm tin mãnh liệt rằng không ai bị bỏ rơi. Tôi và đồng nghiệp không phải thần thánh gì, chúng tôi đến để góp một bàn tay, một bàn tay vẫy đáp lại một bàn tay vẫn vẫy phía bên kia chờ đợi và ngóng trông!

Chuyến xe trở về Sài Gòn. Cái nhộn nhịp đô hội không xóa mờ được trong tôi hình ảnh những thôn xóm lặng lẽ. Nơi ấy, có một ngôi nhà mới được xây lên, chiều nay lại nhen một bếp lửa. Nơi ấy, nồi cơm sôi thanh thản ngọn khói bay vòng! Cuộc sống này có những phút giây thật nhẹ nhàng, khi mình bất chợt nghĩ về những con người nhỏ bé vừa cam chịu vừa kiêu hãnh làm người!

Còn tôi, đôi khi ái ngại cho sự bôn ba của mình. Tôi thấy cần một người ân cần với tôi, vậy mà tôi thường hờ hững với mọi chuyện. Lỗi của mình, không trách ai được hết. Có lúc chột dạ, nếu người ấy đến bằng trìu mến, bằng trân trọng, bằng nâng niu, rồi một ngày rời xa thì mình biết làm sao nhỉ? Quăng mình vào đời để lăn lộn, để phấn đấu, để có một chút thành đạt, lắm buổi chiều tôi ngơ ngác hỏi: Ai đợi tôi phía sau cánh cửa im lìm?

Hoa nở, có thể tình cờ. Thế nhưng, hoa đẹp bởi có mắt người nhìn đấy thôi!

MC Đỗ Thụy

(Chương trình “Ngôi nhà mơ ước” và “Xin chào cuộc sống” trên Đài Truyền hình TP.HCM)
 

Lặng thầm làm đẹp cho đời

09-33-20_hoinh

Là những con người Việt Nam với những ước mơ, những việc làm thật tốt đẹp. Đôi khi tôi tự hỏi, vì sao họ vẫn luôn theo đuổi những việc làm của mình? Không phải hàng tháng, hàng năm... mà là cả một cuộc đời... cho những công việc mà có thể đối với một số người khác, là vô nghĩa, là hoài công...

Tôi nhớ nhiều người trong số họ. Tôi nhớ về một người nhạc sĩ, có thể nói là cần lao cho nghệ thuật. Nhiều người nhận xét về anh đã nói rằng: "trông anh cứ khổ khổ, nhếch nhác với lủng củng chai lọ, ống nước, không sang được”! Đành rằng là sáng tạo, nhưng sáng tạo cái kiểu như anh thì hơi "quái" thật, khó "cảm" được". Tôi nghe vậy càng thấy xót! Thực lòng, tôi cũng thấy anh khổ sở quá! Đứng giữa công viên để biểu diễn cho một đám những đứa trẻ đường phố... đứng trong trường quay với tôi, cũng áo vest, cũng càvạt, mà một đống những chén, những bát, cả những chai lọ sữa tắm, dầu gội đầu lỉnh kỉnh đi theo... trông giông giống như một ông đi bán tạp phẩm dạo! Nhưng mà cái nụ cười của anh, tươi quá, hồn nhiên quá... khiến tôi vừa xót lòng, vừa phải nghiêng mình nể phục!

Tôi nhớ cả về ông, một nhà báo chuyên sưu tầm, cắt dán, lưu giữ lại những bài báo không phải của mình. Ông đã có một "kho tàng" về báo từ cả mấy chục năm nay, được phân loại hợp lý theo từng lĩnh vực. Nhìn mái tóc hoa râm không được chăm chút cẩn thận, cách cười, cách nói chuyện hơi bị lắp vô cùng hồn nhiên và thiệt tình đặc trưng kiểu Nam Bộ của ông, tôi thấy trân trọng hơn những trang sách báo ông đã lưu giữ lại.

Mặc dù cái công việc cắt cắt dán dán ấy, với nhiều người tưởng như chỉ là một công việc quá dễ dàng, chỉ dành cho những người "quá rảnh", và nếu như họ có không làm thế là chỉ bởi vì họ không có thời gian và không cảm thấy cần thiết để làm những việc đó mà thôi. Tôi vẫn thấy nao lòng khi nhìn ông cặm cụi trong ngôi nhà của mình suốt bao nhiêu năm tháng qua, tự hạnh phúc với những gì mình tích lũy được.

Trong nhà toàn sách là sách, và hai vợ chồng ông bà tỉ mẩn ngồi cắt, dán một cách hoàn toàn thủ công... nào kéo, nào giấy, nào hồ... Họ đã cắt cắt, dán dán như thế suốt mười mấy năm trời. Có lẽ đó là thú vui lớn nhất của họ. Mà còn vì những điều lớn hơn thế nữa! Tôi hiểu! Bởi vì một mai rồi thì cũng sẽ "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ...". Chỉ có những trang sách là còn ở lại. Và lúc ấy, lớp trẻ, khi đọc những trang báo đã được viết từ khi chúng còn chưa ra đời, có lẽ sẽ là những người hơn ai hết, hiểu rằng vì sao có những con người có thể bỏ cả một đời chỉ để cắt cắt, dán dán như vậy!

MC Hoài Anh

(Chương trình “Ước mơ Việt Nam” trên VTV)

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Du lịch Ninh Bình thu gần 3.700 tỷ đồng trong 3 tháng

Doanh thu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 3.700 tỷ đồng, gấp hơn 1,4 lần cùng kỳ năm trước.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.