| Hotline: 0983.970.780

Philippines nhập 500.000 tấn gạo: Cơ hội của ai?

Thứ Ba 16/09/2014 , 16:34 (GMT+7)

Hẳn nhiên, việc không thắng trong phiên đấu thầu cung cấp 500 nghìn tấn gạo cho Philippines cuối tháng 8 vừa qua không thể là một thông tin vui. Còn hiện tại, nếu không cẩn trọng, cơ hội giành được gói hàng này rất có thể rơi vào tay người Thái./ Philipin sẽ nhập 500.000 tấn gạo

“ĂN CƠM MỚI, NÓI CHUYỆN CŨ”

Không biết là do tự suy diễn từ những thông tin chung được quan chức nước chủ nhà Philippines công bố, hay là từ một nguồn thông tin “rò rỉ” nào mà một số tờ báo nước ta lại nói như đinh đóng cột rằng, mức giá 460 USD/tấn “bèo” nhất trong cuộc đấu thầu này chính là giá chào của Vinafood I và II.

Thế nhưng, nếu theo những nguồn thông tin từ chính nước chủ nhà thì đây quyết không phải là sự thật.

Bởi lẽ, nếu chịu khó “tỉ mẩn” lần giở báo chí của Philippines, có thể thấy mức giá cao nhất 496,75 USD/tấn là giá chào một trong hai lô 100 nghìn tấn của LG International Corp, còn 460 USD/tấn là giá chào cho 50 nghìn tấn của Công ty thương mại quốc tế khác là Louis Dreyfus Commodities Asia Pte. Ltd và mức giá này vẫn cao hơn mức giá trần 456,6 USD/tấn do nước chủ nhà ấn định.

Trong đó, 50 nghìn tấn mà Louis Dreyfus chào bán lại được chia thành hai lô 25 nghìn tấn, trái với quy tắc đấu thầu tối thiểu mỗi lô hàng phải là 50 nghìn tấn của nước chủ nhà, cho nên vô hình chung tự họ đã loại mình khỏi cuộc chơi này.

imge001171908383

Trong khi đó, Vinafood I đã chào hai lô 50 nghìn tấn với giá 485 và 486 USD/tấn, còn Vinafood II là nhà thầu duy nhất chào tới bốn lô 100 nghìn tấn với giá từ 484,5 đến 487 USD/tấn.

Như vậy, nếu như nước chủ nhà đủ tiền mua, Vinafood I và II đã có cuộc đấu thầu thành công ngoạn mục, bởi không chỉ “ẵm trọn” gói thầu 500 nghìn tấn gạo này của Philippines, mà còn bán được với giá bình quân 485,7 USD/tấn, chỉ thấp hơn 1,7% so với giá chào cao nhất của LG International Corp như đã nói ở trên.

Rõ ràng, với giá chào như vậy, không có chuyện Vinafood I và II “thích bán rẻ” và ép giá lúa của nông dân xuống thấp cốt để thu lợi cho riêng mình…

SỨC ÉP TỪ PHÍA NGƯỜI THÁI

Như chính các quan chức của nước chủ nhà khẳng định sau cuộc đấu thầu thất bại cuối tháng 8 vừa qua, mức giá trần đặt mua 456,6 USD/tấn gạo là bảo thủ, cho nên sẽ phải điều chỉnh theo giá thị trường.

Thế nhưng, với việc Philippines chuyển sang nhập khẩu 500 nghìn tấn gạo này theo hợp đồng liên Chính phủ với ba nước được mời tham gia là Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, sức ép từ phía người mua đã được chuyển qua cho phía người bán.

Trong đó, gần như chắc chắn Campuchia sẽ là quốc gia đứng ngoài cuộc cạnh tranh này. Sở dĩ như vậy bởi lẽ, với tổng khối lượng gạo xuất khẩu tối đa cho đến nay chỉ đạt 1,2 triệu tấn/năm, quá khó để quốc gia này có thể huy động được 500 nghìn tấn gạo cung cấp cho Philippines chỉ trong vòng ba tháng, đặc biệt là đòi hỏi “oái oăm” giao hàng tại kho của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA), chứ không phải là giao hàng tại cảng đến như thông lệ.

Bên cạnh đó, với giá chào gạo 25% tấm hiện cao hơn 45 – 46 USD/tấn so với của Việt Nam và Thái Lan, Campuchia cũng không có cơ hội thắng trong gói hàng này. Như vậy, đây sẽ chỉ là “cuộc đua song mã” giữa Việt Nam và Thái Lan.

Nếu chỉ xét dưới góc độ giá cả, hiện cơ hội đang được chia đều cho cả Việt Nam và Thái Lan. Bởi lẽ, nếu giá chào gạo 25% tấm của Thái Lan trong tháng 8 còn cao hơn của nước ta 10 – 14 USD/tấn thì hiện tại đều ở mức 409 – 410 USD/tấn.

Thế nhưng, với những động thái cho tới thời điểm này, rất có thể Thái Lan sẽ hạ giá chào xuống thấp hơn để giành toàn bộ gói hàng này.

Sở dĩ như vậy là bởi những lẽ sau đây:

Thứ nhất, áp lực tăng tốc xuất khẩu gạo của Thái Lan hiện đang lớn hơn bao giờ hết, cho nên gói 500 nghìn tấn gạo nhập khẩu của Philippines là cơ hội có lẽ lớn nhất từ nay đến cuối năm để Thái Lan “giải cơn khát” thị trường của mình.

Trước hết, các số liệu thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, trong bảy tháng đầu năm, nước này đã xuất khẩu được 5,62 triệu tấn, tăng 53,2%. Trong đó, tháng 7 đã đạt kỷ lục 942 nghìn tấn, tháng 8 cũng ước đạt 900 nghìn tấn và trong khoảng 6,5 triệu tấn gạo đã xuất khẩu đó, có hơn một nửa được đẩy vào thị trường châu Phi, gần bằng cả năm 2013, với các điểm đến hàng đầu là Benin, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Nigeria, Mozambique...

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, khoảng cách giá ngày càng “mênh mông” so với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu châu Á đối với gạo chất lượng thấp như gạo 25% tấm chẳng hạn mà Thái Lan tạo ra từ tháng 4 đến nay chính là động lực để nước này tăng tốc xuất khẩu mạnh như vậy.

Thay vì đã có thể nằm trong tay chúng ta nếu như Chính phủ Philippines bắt nhịp được giá cả thị trường, với những động thái mới, nếu không tính toán kỹ càng thì gói hàng 500 nghìn tấn gạo của Philippines có thể rơi vào tay người Thái trong những ngày tới.

Trong khi đó, các thông tin từ Thái Lan cho biết, cho dù đến nay Chính phủ vẫn dự kiến sẽ giải tỏa kho gạo dự trữ khổng lồ 18 triệu tấn trong vòng ba năm, nhưng gần như chắc chắn họ sẽ không thể thực hiện được.

Lý do cực kỳ đơn giản là, như thông tin tổng hợp ban đầu vào đầu tháng này từ cuộc thanh tra đã kéo dài hơn ba tháng qua cho biết, có tới 78% số gạo được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn. Hơn thế, vào tháng trước, cũng nguồn thông tin trên tiết lộ, có khoảng 17% khối lượng gạo dự trữ đã không thể sử dụng làm lương thực…

Những điều đó có nghĩa là, trong 18 triệu tấn gạo dự trữ, bên cạnh 3 triệu tấn gạo chất lượng đã quá kém, 11 triệu tấn gạo khác cũng cần tiêu thụ càng nhanh càng tốt.

Trong điều kiện như vậy, rất có thể Thái Lan sẽ còn hạ giá chào đối với gói 500 nghìn tấn gạo mới với Philippines, còn dành những thị trường cốt chỉ có gạo để giải quyết cái đói như châu Phi cho 11 triệu tấn gạo không đạt tiêu chuẩn của mình.

Thứ hai, những động thái đã và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục đó của Thái Lan đương nhiên sẽ kéo giá gạo thế giới xuống và xu thế này rất có thể sẽ được sự “tiếp sức” của Ấn Độ. Điều này cũng có nghĩa là, thay vì cùng đẩy giá gạo thế giới tăng trong thời gian qua, cả hai quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới sẽ cùng kéo giá gạo thế giới giảm.

Cụ thể, do lo ngại El’ Nino, giá gạo tại Ấn Độ đã rục rịch tăng và đạt đỉnh ngay từ tháng 5. Thế nhưng, từ giữa tháng 7 đến nay, do lượng mưa đã được cải thiện rất cơ bản, diện tích gieo trồng lúa vụ Kharif vẫn chiếm trên 90% tổng sản lượng lúa hằng năm của Ấn Độ đã tăng nhanh và hiện gần đạt như cùng kỳ năm trước.

Chính vì vậy, đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Ấn Độ đã ước tính lại sản lượng lúa sẽ đạt kỷ lục 106,5 triệu tấn, tăng 2,1 triệu tấn so với niên vụ trước. Đây chắc chắn là lý do chủ yếu khiến giá gạo trong nước của Ấn Độ gần đây đã liên tục hạ nhiệt.

Trong điều kiện có nhiều khả năng sẽ không bị mất mùa như vậy, rất có thể thời gian tới Ấn Độ sẽ khôi phục đà xuất khẩu gần 900 nghìn tấn gạo/tháng như những tháng đầu năm.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất