Phó Giáo sư xin nguyện làm người chồng nhân dân

Khi nữ sinh Đặng Thị Thanh Liễu tốt nghiệp phổ thông trung học, thầy giáo Đặng Hấn ngỏ lời cầu hôn. Một đám cưới giản dị được tổ chức, khách mời của cô dâu và chú rể gặp mặt vừa ăn bánh kẹo vừa xưng hô thầy - trò, vui đáo để.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào  | 20:00 27/05/2023

Phó Giáo sư xin nguyện làm người chồng nhân dân

Tự động

Phó Giáo sư xin nguyện làm người chồng nhân dân

Phó Giáo sư Đặng Hấn là chuyên gia hàng đầu về ngành xác suất thống kê. Nhiều công trình do ông biên soạn trở thành giáo trình trong trường đại học như “Phân tích và xử lý số liệu thống kê”, “Lý thuyết xác suất cho chuyên toán kinh tế”, “Bài tập xác suất thống kê” hoặc “Quy hoạch tuyến tính”.

Ngoài vai trò đứng trên bục giảng, Phó Giáo sư Đặng Hấn còn là một nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Châu Kỳ có được hiền thê sau thuở đèo bồng mơ người đẹp lầu son đánh giá: Đặng Hấn là nhà thơ đích thực viết cho thiếu nhi. Tôi gọi ông là nhà thơ đích thực, để phân biệt ông với rất nhiều cây bút làm thơ cho thiếu nhi khác. Đặng Hấn có nhiều bài thơ vươn được tới con trẻ mà vẫn chinh phục được cả người lớn. Ông đã 2 lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho mảng văn chương rất khó viết này”.

Trong đời thường, Phó Giáo sư Đặng Hấn rất được đồng nghiệp hâm mộ với tư cách một nhà thơ có cuộc tình lãng mạn người vợ xinh đẹp vốn là học trò của ông.

Vì sao Phó Giáo sư Đặng Hấn tôn thờ người vợ đến mức làm thơ tếu táo “Anh xin tu dưỡng khổ công/ Xứng danh mang chức: người chồng nhân dân”?

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” xin hé lộ chân dung “Phó giáo sư xin nguyện làm người chồng nhân dân”

(Ca khúc “Vào hạ” của Lê Hựu Hà, do Như Quỳnh thể hiện)

Phó Giáo sư Đặng Hấn có nhiều tập thơ thiếu nhi được yêu thích như “Cầu chữ Y”, “Những chuyện thần tiên”, “Hoa thơm trái chín”, “Sài Gòn và bé”, “Búp trên cành”... Trong các tác phẩm của Phó Giáo sư Đặng Hấn có bài thơ “Các nhà toán học của mùa xuân” được đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học: “Đàn ong làm phép trừ/ Trừ rét bằng mật ngọt/ Bầy chim làm phép chia/ Chia niềm vui tiếng hót/ Tia nắng làm phép nhân/ Trời sáng cao rộng hẳn/ Vườn hoa làm phép cộng/ Thế là thành mùa Xuân”.

Bây giờ, ở tuổi 81, Phó Giáo sư Đặng Hấn vẫn làm thơ cho thiếu nhi bằng tất cả sự hồn nhiên gom nhặt cả đời. Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, hãy cùng nghe Phó Giáo sư Đặng Hấn đọc thơ tặng thiếu nhi.

(Trích băng ghi âm Đặng Hấn 1)

Câu chuyện của Phó Giáo sư Đặng Hấn bắt đầu từ làng quê Kiến Xương – Thái Bình. Cậu bé Đặng Hấn sinh năm 1942, thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên Đặng Hấn chọn ngành Toán để lấy bằng cử nhân và về công tác ở Viện Toán học. Thế nhưng, mỗi quyển vở cầm trên tay Đặng Hấn đều được chia làm hai, đằng trước dùng để giải toán, còn đằng sau dùng để làm thơ.

Mê toán tương đương mê thơ, nhưng Đặng Hấn luôn muốn trái tim mình chia ba phần tươi đỏ, để đủ chỗ cho toán, cho thơ và cho tình!

Thời giảng đường, Đặng Hấn say mê một người đẹp khoa văn và làm một trường ca có độ dài ngang Truyện Kiều để tặng nàng. Kết quả, nàng dửng dưng đi lấy chồng.

Cảm thấy thơ nhiều câu dễ thất bại, Đặng Hấn chuyển qua làm thơ ngắn để gửi người trong mộng khác. Kết quả, được nàng nhận lời hò hẹn. Năm 1972, khi B52 ném xuống Hà Nội, Đặng Hấn trực chiến tại Viện Toán học vẫn hý hoáy làm thơ cho mỹ nhân: “Suốt ngày anh trực chiến/ Anh không đi khỏi nhà/ Súng trường anh để sẵn/ Báo động là đem ra/ Mắt anh luôn trực chiến/ Ngắm dáng hình thân quen/ Tai anh luôn trực chiến/ Nghe những lời dịu êm”.

Bẽ bàng thay, mối duyên ấy đến ngày đơm hoa kết trái lại bất ngờ tan vỡ. Đặng Hấn ôm nỗi lòng đau khổ ấy vào miền Nam ngay sau khi đất nước thống nhất.

Ở đô thị Sài Gòn sau ngày non sông liền một dải, Đặng Hấn vừa nghiên cứu Toán vừa đi dạy thêm. Ông thầy giáo quê Thái Bình choáng váng trước một nữ sinh quê Trà Vinh. Đặng Hấn suốt ngày hát “cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình”, nhưng không muốn tìm kiếm quan hệ “hai chị em” và càng không muốn duy trì quan hệ thầy trò.

Nữ sinh Đặng Thị Thanh Liễu cũng khá bất ngờ khi thầy giáo Đặng Hấn vừa giảng hàm số lũy thừa vừa đọc thơ. Cô học trò dần dần hiểu được ánh mắt khác lạ của thầy giáo khi nhận được bài thơ tặng mình: “Cách mạng về, em mới tuổi mười lăm/ Trang giấy mới ghi những dòng đời mới/ Cả thành phố đang từng ngày thay đổi/ Và với em càng mới biết bao lần”.

Khoảng cách thầy trò và khoảng cách tuổi tác đâu dễ vượt qua. Mặc kệ, Đặng Hấn quyết chinh phục bằng thơ. Rút kinh nghiệm loại thơ ủy mị đã làm thất bại thảm hại những thổn thức trước kia, Đặng Hấn chuyển sang làm thơ dí dỏm. Khi thì “Ước gì thẻ học sinh rơi/ Tôi vô tư đến tận nơi trả nàng/ Ước quai guốc đứt giữa đàng/ Túi tôi kìm đã sẵn sàng. May chưa!”. Khi thì “Một tuần có bảy ngày thôi/ Nhớ ơi là nhớ, nhiều ơi là nhiều/ Lẽ nào như thế là yêu/ Bảy ngày, cả bảy buổi chiều ngẩn ngơ”.

Ngược lại, nữ sinh Đặng Thị Thanh Liễu cũng có những đỏng đảnh và những thẹn thùng của cô gái đang cắp sách đến trường. Cảm thấy đó không phải bài toán hóc búa, Đặng Hấn giải quyết vướng mắc theo vần điệu thi sĩ: “Một hôm em bất chợt/ Xúi tôi cưới vợ mau/ Em bảo em mơ ước/ Được làm cô… phù dâu/ Ngây thơ câu em nói/ Mà tim tôi nhói đau”.

Trên đời, hiếm có thầy giáo nào mong ngóng học trò đến nhà để dạy thêm miễn phí giống như Đặng Hấn: “Hai giờ chưa thấy em sang/ Giữa trưa, trời nắng chang chang ấy mà/ Ba giờ chưa thấy em qua/ Đâu rảnh việc nhà, mà bỏ đi chơi/ Bốn giờ vẫn bặt tăm hơi/ Ôi dào, chả đến thì thôi, chả cần/ Bốn giờ rưỡi thấy phân vân/ Lá rơi cũng tưởng bước chân em vào/ Năm giờ, không đến thật sao/ Lòng dạ cồn cào. Đóng cửa. Anh sang!”.

Học trò không đến nhà thầy giáo, thì thầy giáo hỏi đường đến nhà học trò: “Hai lần anh hỏi nhà đâu/ Hai lần em bảo: Qua cầu chữ Y/ Em cười, có ẩn ý gì/ Bắt anh phải vượt cầu chi trong đời”. Cầu chữ Y có thật ở quận 8- TP.HCM, nhưng Đặng Hấn ngầm hiểu chữ Y viết tắt của chữ Yêu.

Khi nữ sinh Đặng Thị Thanh Liễu tốt nghiệp phổ thông trung học, thì thầy giáo Đặng Hấn ngỏ lời cầu hôn. Một đám cưới giản dị được tổ chức, khách mời của cô dâu và chú rể gặp mặt nhau vừa ăn bánh kẹo vừa xưng hô thầy – trò, vui đáo để. Cầu chữ Y nối nghĩa trăm năm của họ, Đặng Hấn không chỉ đạp xe chở vợ ngang qua mỗi ngày, mà còn dắt tay con gái đầu lòng đi dạo nhiều lần. Và cầu chữ Y được Đặng Hấn cảm tác thành bài thơ thiếu nhi “Cầu chữ Y” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, với ý niệm: “Ô, người đi trên chữ/ Chữ nâng người lên cao”.

Cưới được cô học trò xinh đẹp làm vợ, năng lượng toán và năng lương thơ của Phó Giáo sư Đặng Hấn càng dồi dào: “Cảm ơn em vạn muôn lần/ Cho anh nghe nhịp mùa xuân trong lòng/ Ôi em tờ giấy trắng trong/ Đã cho anh viết những dòng đầu tiên”.

Phó Giáo sư Đặng Hấn chuyển từ Viện Toán học sang giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và liên tục đoạt được nhiều giải thưởng thơ. Đặng Hấn rút ra kết luận: “Cái thiệt nhất của việc lấy vợ trễ là hiểu cha mẹ quá muộn/ Đôi khi cha mẹ đã không còn”, đồng thời cũng chấp nhận “Lấy vợ là chia mình làm hai phần/ Phần không phải mình mới là phần chính”.

Với đầu óc của người giỏi toán, Đặng Hấn luôn biết cách quan sát thấu đáo mọi việc để khái quát thành mệnh đề hóm hỉnh. Quá trình yêu đương, Đặng Hấn phát hiện: “Đàn ông tỏ tình như xin diêm mồi thuốc/ Đàn bà thổ lộ tình yêu là tìm lửa nấu cơm”, còn cuộc sống vợ chồng thì phức tạp hơn một chút: “Vợ ra lệnh bằng gợi ý/ Chồng gợi ý bằng ra lệnh”. Cô học trò Đặng Thị Thanh Liễu khi đã thành vợ của thầy giáo Đặng Hấn cũng có cách ứng xử lắt léo theo phong cách chồng mình: “Anh giảng cho em về tính chất bắc cầu/ Em hiểu rồi, không khó đâu anh ạ/ Thí dụ: tiền là của anh, anh lại của em/ Và vì thế nên em cầm chìa khóa”.

Do đặc thù chuyên môn, từ năm 1980, Phó Giáo sư Đặng Hấn đã được tiếp xúc với máy tính. Bài thơ “Từ phòng máy tính” so sánh giữa vợ và máy tính, là một kiểu yêu vợ đặc trưng của Đặng Hấn. Hãy nghe chính ông chia sẻ

(Trích băng ghi âm Đặng Hấn 2)

Một chuyên gia về xác suất thống kê như Đặng Hấn thì thừa khả năng tính toán về sự thua lỗ của việc in thơ: “Thơ in để biếu, để cho/ Người dưng không đọc, học trò không mua”. Thế nhưng, Phó Giáo sư Đặng Hấn vẫn hứng thú dạy toán để in thơ, vì có người mẫu đưa lên bìa sách là người vợ nhan sắc mặn mà.

Những bài thơ tình của Đặng Hấn phần lớn chỉ viết dành tặng vợ. Đặng Hấn khẳng định thơ mình không hay, bởi lẽ: “Em giản dị, dịu hiền như hạt gạo/ Anh đơn sơ như mảnh đất gieo trồng/ Thơ cần cách tân như áo cần thay mốt/ Đâu có xưa mòn như ngô lúa trổ bông”. Tuy nhiên, ông vẫn có hàng trăm câu thơ ướt át cho tình yêu của mình: “Anh không nghiện rượu nghiện trà/ Thuốc vui thì hút, trà tàu uống chơi/ Nhưng anh nghiện nặng em ơi/ Nghiện mê mệt, nghiện suốt đời em yêu/ Xa em một sớm một chiều/ Mà anh ngỡ trải bao nhiêu tháng ngày/ Bạn giàu có “chỉ” có “cây”/ Anh nghèo anh khổ anh gầy vì yêu”.

Phó Giáo sư Đặng Hấn luôn là người chừng mực trong mọi giao tiếp. Còn nhà thơ Đặng Hấn thì cực kỳ cởi mở khi khoe vợ. Ông tự hào về một người vợ hiền thục: “Anh đi dạy học ra đầu ngõ/ Em đuổi theo anh, chải lại đầu/ Mới hay lòng vợ hay lòng mẹ/ Đích thực tình yêu cũng giống nhau”. Và ông tôn thờ vợ như một báu vật: “Bạn bè rủ đi chơi xa/ Còn em trông nhà, có ngại ngần chi/ Nhưng rồi anh lại không đi/ Vì anh chợt nghĩ: em thì ai trông?”.

Cho nên, không có gì phải ngạc nhiên khi Phó Giáo sư Đặng Hấn làm bản tự kiểm khá nghiêm túc trước vợ: “Tính tình quả có linh tinh/ Dan díu toán học, ngoại tình nàng thơ/ Biết nhiều, nên khá lơ mơ/ Anh, Nga lõm bõm, cầm cờ lai rai/ Khoa học dùng bộ nhớ ngoài/ Ba chuyện dông dài dùng bộ nhớ trong/ Anh xin tu dưỡng khổ công/ Xứng danh mang chức: người chồng nhân dân”.

Đã có một đám cưới lam ngọc sau 45 năm phu thê và đã có bốn đứa cháu nội ngoại, nhưng tình cảm vợ chồng của Phó Giáo sư Đặng Hấn vẫn nồng nàn như thuở đôi mươi. Thời trai trẻ, Đặng Hấn nghĩ về tháp Pisa bằng sự hài hước: “Tháp Eiffel nổi tiếng vì cao/ Nổi tiếng về to là Kim Tự Tháp/ Mỗi kỳ quan một cách nổi tiếng riêng/ Như tháp Pisa nổi tiếng chỉ vì nghiêng”. Còn gần đây, khi có dịp đưa vợ đi Ý chiêm ngưỡng tháp Pisa thì Đặng Hấn bỗng dưng lâm ly: “Bên nhau, thương tháp Pisa/ Bao người thăm viếng vẫn là đơn côi/ Ta đừng môi sát kề môi/ Kẻo e làm tháp ngậm ngùi, nghiêng hơn”.

Trong ánh mắt người đời, Phó Giáo sư Đặng Hấn thành đạt ở cả toán lẫn thơ. Thế nhưng, đối với chính Phó Giáo sư Đặng Hấn thì món quà lớn nhất mà số phận ban cho ông là người vợ Đặng Thị Thanh Liễu nhỏ hơn 18 tuổi. Vì vậy, ông dùng xác suất thống kê để cho ra đáp án đời mình: “Thơ – toán giằng hai ngả/ Tôi nghiêng về vợ con!”.

Tự động

Phó Giáo sư xin nguyện làm người chồng nhân dân

Khi nữ sinh Đặng Thị Thanh Liễu tốt nghiệp phổ thông trung học, thầy giáo Đặng Hấn ngỏ lời cầu hôn. Một đám cưới giản dị được tổ chức, khách mời của cô dâu và chú rể gặp mặt vừa ăn bánh kẹo vừa xưng hô thầy - trò, vui đáo để.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào

Các chương trình

Napoléon Bonaparte, một chuyện tình sau thanh kiếm và lòng vị tha
Chuyện tình khó quên

Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.

Napoléon Bonaparte, một chuyện tình sau thanh kiếm và lòng vị tha
Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần
Chuyện tình khó quên

Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.

Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần